Cảnh báo tai biến từ làm đẹp thẩm mỹ

An Thái 27/05/2023 06:37

Tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc tổ chức ngày 26/5 (tại Nghệ An), PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cảnh báo, các tai biến liên quan làm đẹp luôn hiện hữu. Phần lớn trường hợp tai biến đến viện khám đều do làm đẹp không an toàn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép.

Người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để làm đẹp. Ảnh: TL.

Hàng trăm ca tai biến vì làm đẹp

PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, mỗi ngày bệnh viện điều tiếp nhận 1-3 ca đến khám vì biến chứng liên quan làm đẹp, như vậy mỗi tháng có hàng trăm ca biến chứng vì làm đẹp. Có những trường hợp mặt nổi nhiều nốt sần, viêm da trầm trọng vì bôi các sản phẩm không rõ nguồn gốc để detox da, làm trắng da; hay có những ca phù nề, hoại tử da do tiêm filler (chất làm đầy); biến chứng gặp phải do tiêm xóa nhăn nhưng lại tiêm nhầm vị trí…

Ở Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần này, ngoài các nội dung về thẩm mỹ, các chuyên gia còn đề cập nhiều đến xử lý các bệnh lý, biến chứng làm đẹp trong chuyên ngành da liễu, trong đó các bệnh lý về sắc tố, mụn trứng cá, khắc phục các vấn đề hay gặp liên quan thẩm mỹ tiêm chất làm đầy, điều trị nếp nhăn… để trao đổi, cập nhật chuyên môn cho các y bác sĩ chuyên ngành da liễu. Theo ông Doanh, trong khi nhu cầu làm đẹp tăng cao, nhiều người lại tìm đến các cơ sở thẩm mỹ theo kiểu “truyền tai”, người nọ làm giới thiệu cho người kia, mà không tìm hiểu đó có phải là các cơ sở được cấp phép chưa, có được phép thực hiện thủ thuật hay không... vì thế, các tai biến có nguy cơ cao xảy ra.

TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, nhiều người có xu hướng bôi đủ thể loại lên da với mục tiêu trẻ hóa, giữ mãi tuổi xuân. Do bôi nhiều sản phẩm trên mặt thời gian dài, dẫn đến da dễ kích ứng, nhạy cảm, mẩn đỏ, quá trình điều trị kéo dài và rất phức tạp. Việc bôi quá nhiều các sản phẩm khác nhau lên mặt sẽ không lường trước được các phản ứng. Trong trường hợp phản ứng tức thì, kích ứng ngay sẽ dễ xử lý, bởi xuất hiện triệu chứng rầm rộ người bệnh sẽ đến viện ngay. Nhưng nhiều trường hợp sau khi dùng lâu dài khiến da nhạy cảm, kích ứng hơn. Sau này, khi họ bôi bất cứ sản phẩm nào, hay thời tiết chỉ cần thay đổi là xuất hiện các nốt sần, mẩn ngứa. Lúc này, chữa để da cân bằng lại khó khăn hơn rất nhiều.

Loạn thông tin làm đẹp trên mạng

Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu TPHCM, mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng 600-700 trường hợp bị tai biến khi đi thẩm mỹ da. Trong đó, số lượng bệnh nhân bị tai biến do kỹ thuật tiêm chích (như tiêm filler, trẻ hóa da…) chiếm đa số.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, hiện nay người dân được tiếp cận với rất nhiều thông tin khác nhau về làm đẹp, đặc biệt là các thông tin trên mạng xã hội, nhưng đôi khi tiếp nhận mà không được tư vấn đúng sẽ khiến họ bị lệch lạc, làm đẹp sai cách, thiếu an toàn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp tin theo quảng cáo để tiêm filler, botox, laser, lột da mặt… và phải đến cơ sở y tế cấp cứu vì biến chứng nặng nề.

Theo ông Doanh, có 2 nhóm chính dễ “mắc bẫy” làm đẹp. Trước hết là các bạn trẻ bắt đầu đến tuổi làm đẹp, tuổi mới lớn. Họ tìm hiểu và tự mua các sản phẩm trên mạng, tự tìm cách sử dụng chúng. Nhiều bạn trẻ còn làm đẹp theo thần tượng, theo “review” rất nhiều sản phẩm trên mạng xã hội, như bôi AHA, BHA... mà chưa hiểu rõ cơ chế, tác dụng, cách dùng thế nào để hiệu quả nhất. Còn nhóm thứ 2 là những người ở độ tuổi 30-40 - nhóm tuổi bắt đầu quan tâm về vấn đề lão hóa. Các thông tin làm đẹp họ tiếp cận được rất nhiều chiều, nếu không được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn thì dễ gây hậu quả nặng nề.

BSCK2 Nguyễn Quang Minh – Phó Trưởng khoa Nghiên cứu, Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cảnh báo, thực trạng nhiều người vì tin quảng cáo nên đã gặp tai biến phải đến bệnh viện để sửa chữa. Ông Minh khuyến cáo, đối với các thủ thuật làm đẹp liên quan đến việc đưa các hoạt chất, hay thuốc vào trong cơ thể hoặc đơn giản nhất chỉ là làm đẹp liên quan đến cấu trúc làn da… người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để thực hiện. Bên cạnh đó, cần quan tâm tìm hiểu thông tin về người thực hiện dịch vụ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cũng như các danh mục kỹ thuật thực hiện ở cơ sở đó phải công khai, minh bạch, được cơ quan quản lý cho phép thực hiện.

Theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc đã thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép. Mỗi năm, nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó khoảng 25.000-35.000 ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Đặc biệt, vấn đề rất cần quan tâm hiện nay là việc tiêm filler vô tội vạ gây biến chứng nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tai biến từ làm đẹp thẩm mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO