Cảnh báo tình trạng lừa đảo khi vay tiền qua mạng xã hội

H.Điệp 27/11/2020 07:30

Ngày 26/11, thông tin từ Công an huyện Đắk Pơ (Gia Lai) cho biết đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thành, trú tại thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đắk Pơ, tố cáo việc mình bị lừa số tiền 5.090.000 đồng qua dịch vụ cho vay của một công ty tài chính trên mạng xã hội.

Hóa đơn, chứng từ ông Nguyễn Văn Thành gửi cho các đối tượng lừa đảo..

Theo ông Thành, qua giới thiệu của bạn bè, ngày 18/11, ông có liên hệ với Công ty tài chính Hoàng Kim (trên mạng internet) vay số tiền 100 triệu đồng, thỏa thuận trả trong vòng 48 tháng, mỗi tháng trả 3.399.921 đồng.

Đầu tiên, ông Thành liên hệ với Công ty Hoàng Kim qua số điện thoại 0931.997.924 và 0935.691.040, được phía Công ty hướng dẫn liên hệ trực tiếp với tư vấn viên tên Ngọc Linh, số điện thoại 0777.418.708.

Sau khi đồng ý các điều khoản, phía Công ty Hoàng Kim gửi hợp đồng qua mạng cho ông Thành, đồng thời yêu cầu ông Thành nộp 3 khoản phí: phí xác nhận vay (1.030.000 đồng), phí chứng minh thu nhập (3 triệu đồng), phí giải ngân trong ngày (1.060.000 đồng).

Ông Thành đã ra ngân hàng, nộp số tiền trên 3 lần như Công ty Hoàng Kim yêu cầu vào số tài khoản của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chủ tài khoản tên Phạm Thị Mỹ Loan, số tài khoản 1017253675.

Sau khi, hoàn tất việc chuyển khoản số tiền 5.090.000 đồng, ông Thành không liên lạc được với phía công ty nữa; đồng thời, tài khoản zalo của tư vấn viên Ngọc Linh đã chặn liên lạc với ông Thành. Biết bị lừa, ông Thành đã làm đơn tố cáo và trình báo sự việc đến Công an xã Hà Tam, Công an huyện Đắk Pơ.

Đây là một trong số những vụ lừa đảo qua mạng xã hội mà nạn nhân là những người đang cần tiền, nhẹ dạ cả tin với chiêu thức vay lãi suất thấp, không cầm cố tài sản mà phía các công ty tài chính đưa ra ưu đãi trên mạng internet.

Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Gia Lai đã nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội với nhiều hình thức biến tấu như vay vốn không cầm cố, thế chấp tài sản và lãi suất thấp; lừa môi giới lấy chồng nước ngoài rồi chuyển tiền cho vay trước hôn nhân, lừa thanh toán trước khi mua hàng online...

Theo Thượng tá Sơn, một số đối tượng lợi dụng việc thiếu vốn của người dân, lập ra các trang web giả dưới hình thức công ty tài chính với nhiều ưu đãi như vay lãi suất thấp, không thế chấp, cầm cố tài sản. Khi người dân liên hệ vay, các đối tượng yêu cầu nộp phí cao với các khoản phí chia nhỏ nhiều lần. Do thiếu hiểu biết, muốn nhận tiền nhanh, người dân nộp tiền phí vào tài khoản của các đối tượng trên.

Các trang web này đều là giả nên sau khi lừa được người dân, các đối tượng đã xóa trang web hoặc chặn liên lạc với người bị hại. Tài khoản các đối tượng cung cấp cho người dân để nộp tiền vào là thật nhưng do bọn chúng thuê người khác làm hoặc sử dụng chứng minh giả mở tài khoản ngân hàng nên cơ quan chức năng khó điều tra, xử lý triệt để.

Việc vay mượn tiền trên mạng dù người dân có tiến hành thành công, vay được tiền thật nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì lãi suất sẽ rất cao, không trả được lãi sẽ cộng dồn vào tiền gốc và tính lãi lũy kế. Đến khi không có khả năng chi trả, họ sẽ bị các đối tượng đe dọa đến uy tín bản thân, gia đình; đồng thời, ép trả nợ bằng các hình thức thế chấp sổ đỏ hoặc bán tài sản, nhà cửa...

Qua sự việc trên, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân không nên nhẹ dạ, cả tin vay tiền từ các trang web ảo, công ty tài chính trên mạng internet khi không biết rõ địa chỉ, nguồn gốc. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân hãy đến các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục để được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật, tránh các hình thức lừa đảo đáng tiếc như trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tình trạng lừa đảo khi vay tiền qua mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO