Cảnh báo từ những vùng dịch mới

Hà Anh 08/05/2021 08:00

Trong khi Ấn Độ đang vô cùng khó khăn phải đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19, thì các quốc gia láng giềng cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành các vùng dịch mới, đặc biệt là Nepal. Cùng với đó, châu Phi cũng nhận được cảnh báo nguy hiểm trước nguy cơ bùng phát Covid-19 do thiếu nguồn cung vaccine.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ làm việc tại một lò hỏa táng ở Bhaktapur, Nepal. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ từ Nepal

Nepal, quốc gia Nam Á với 26 triệu 800 nghìn dân, đang trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 mạnh hơn làn sóng đầu tiên và tỷ lệ lây nhiễm hiện đã lên tới 20/100.000 dân mỗi ngày.

Với tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 lên tới 44% và số ca nhập viện tăng gấp 57 lần, Nepal đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ do giáp biên giới với Ấn Độ và sự buông lỏng cảnh giác của người dân.

Ngày 7/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục với 414.188 ca, trong khi số ca tử vong là 3.915 trường hợp. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ hiện là 21,49 triệu, trong đó ghi nhận 234.083 ca tử vong. Như vậy, chỉ tính riêng tuần này, Ấn Độ đã tăng 1,57 triệu ca mắc và gần 15.100 ca tử vong.

Ngày 6/5, Bộ Y tế và dân số Nepal thông báo nước này đã ghi nhận 9.070 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ trước đến nay dù rằng đa số người dân Nepal tuân thủ nghiêm tục các quy định phòng địch nghiêm ngặt. Số ca tử vong cũng vượt mốc 50 ca trong ngày thứ ba liên tiếp, với 54 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Thậm chí, các ca dương tính với Covid-19 còn được phát hiện ở khu vực cắm trại trên đỉnh Everest khi Nepal vừa cho phép nối lại hoạt động du lịch, leo núi ở nơi được coi là “nóc nhà thế giới” này.

Tuy nhiên, giới chức y tế Nepal nhận định, thống kê về số ca mắc mới chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh bởi đây mới chỉ bao gồm những người đã xét nghiệm Covid-19 sau khi có triệu chứng bệnh. Do vậy, nếu tiến hành xét nghiệm cả một cộng đồng dân cư, số ca mắc thực tế sẽ cao hơn nhiều.

Theo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, những gì đang diễn ra tại Ấn Độ cũng có thể xảy ra tại Nepal nếu nước này không thể kiềm chế được làn sóng lây nhiễm hiện nay. Hệ thống hạ tầng y tế sẽ trở nên mất kiểm soát khi số bác sĩ tính trên đầu người tại Nepal ít hơn so với Ấn Độ, quốc gia cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Ngoài ra, tỷ lệ dương tính cao hiện nay cho thấy khả năng nhiều ca bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Giáo sư Binjwala Shrestha thuộc Viện Y khoa của Đại học Tribhuvan nhấn mạnh, chừng nào Nepal chưa chấm dứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, nước này không thể dập dịch chỉ bằng cách bổ sung giường bệnh và cơ sở y tế.

Người phát ngôn Bộ Y tế Nepal Samir Ashikari mới đây cũng thừa nhận, tình hình đang xấu đi mỗi ngày và có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát. Nepal đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại những khu vực chịu tác động mạnh nhất, đồng thời tạm dừng mọi chuyến bay quốc tế ít nhất cho đến ngày 14/5 và đóng cửa biên giới với Ấn Độ.

Trong khi đó, Sri Lanka, một nước khác cũng có đường biên giới với Ấn Độ, cũng ghi nhận 1.895 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 119.424 ca, trong đó có 734 ca tử vong.

Ngày 6/5, Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường không. Cơ quan hàng không dân dụng Sri Lanka (CAASL) cho biết quyết định này được đưa ra nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ xâm nhập vào Sri Lanka.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 mới ở châu Phi

WHO vừa đưa ra cảnh báo, châu Phi có thể bùng lên làn sóng Covid-19 mới vì thiếu vaccine, chậm triển khai tiêm chủng và biến chủng mới xuất hiện.

“Chậm cung cấp vaccine từ Viện Huyết thanh Ấn Độ tới châu Phi, chậm triển khai vaccine và nhiều biến chủng mới xuất hiện, đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới ở châu Phi là rất cao”, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi cảnh báo hôm 6/5.

Cơ quan y tế của Liên hợp quốc nói thêm các biến chủng mới như biến chủng xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi có thể tạo ra “làn sóng thứ ba” trên lục địa này.

“Thảm kịch ở Ấn Độ không nhất thiết xảy ra ở châu Phi, nhưng chúng ta phải đặt cảnh báo ở mức cao nhất có thể”, ông Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói. “Trong khi chúng ta kêu gọi công bằng vaccine, châu Phi cũng nên tích cực làm điều tốt nhất với những gì đang có. Chúng ta phải tiêm mọi liều vaccine đang có cho người dân”.

WHO cho hay, một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong triển khai vaccine, nhưng không nêu tên cụ thể. Tuy nhiên, tổ chức này cho hay, dù đã triển khai, chỉ “một nửa trong số 37 triệu liều vaccine mà châu Phi nhận được mới được sử dụng tới nay”.

Số vaccine tới châu Phi chỉ chiếm 1% tổng số liều vaccine trên toàn cầu, theo WHO, giảm so với 2% cách đây vài tuần, trong khi những khu vực khác đang triển khai vaccine với tiến độ nhanh hơn nhiều.

Đợt chuyển giao vaccine đầu tiên cho 41 quốc gia châu Phi theo chương trình Covax bắt đầu từ tháng 3 nhưng 9 quốc gia cho tới nay mới triển khai được 1/4 số liều nhận được, trong khi 15 quốc gia triển khai chưa tới 50% số liều được phân bổ.

WHO cho biết, tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi thấp nhất thế giới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là 150 liều trên 1.000 người, nhưng tại khu vực châu Phi hạ Sahara, tỷ lệ này chưa đầy 8 liều trên 1.000 người.

Trước những nguy cơ tiềm tàng trên, Liên hợp quốc đã kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hy vọng các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine ngừa Covid-19 mà họ sở hữu bản quyền.

Quan điểm này được Tổng Thư ký LHQ Guterres đưa ra giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine ngừa Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.

Người phát ngôn Tổng Thư ký, ông Stephane Dujarric, nhấn mạnh, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các hãng chuyển giao công nghệ, chia sẻ bản quyền cũng như giấy phép sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Các thành viên WTO đang đánh giá những tiến triển sau 7 tháng đàm phán liên quan đến đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc miễn trừ bản quyền sáng chế đối với các loại vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, những quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận, vì vậy phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo từ những vùng dịch mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO