Cảnh giác khi mua xe ô tô giá rẻ 'mẹ bồng con'

Minh Thư 01/09/2021 18:07

Đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua, không ít đối tượng lợi dụng để bán ô tô "mẹ bồng con" theo nhiều hình thức tinh vi nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người sử dụng.

Hai siêu xe biển số "song sinh" chạm mặt tại khu đô thị Times City gây xôn xao dư luận hồi tháng 4/2021. Ảnh: MXH.

Hô biến xe lậu thành "hợp pháp"

Gần đây, tại nhiều nhóm trên chợ mạng như "Hội xe ngân - xe Lào-MBC", "Mua bán ô tô giá rẻ",... với hàng trăm nghìn thành viên, xuất hiện các bài đăng rao bán xe ô tô giá rẻ.

Một chiếc xe Vios 2014 đã được làm giả đăng kiểm chỉ có giá khoảng 145 triệu đồng, Mazda đời cũ được rao bán chỉ khoảng 90 triệu đồng.

Trong những hội nhóm này cũng có cả xe đời mới với giá rẻ giật mình, Mazda 3 hay Civic sản xuất năm 2017 chỉ có giá 200 - 300 triệu đồng.

Lời mời chào sở hữu một chiếc ô tô sang trọng đắt tiền nhưng giá chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/4 so với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã thu hút sự chú ý của không ít người mua xe.

Tìm hiểu kỹ hơn, những chiếc xe được rao bán hầu hết là các loại xe sang, giá bán khoảng vài trăm triệu, thường là xe được chủ cũ mua trả góp tại các ngân hàng hoặc xe nhập từ nước ngoài về nhưng không có giấy tờ được hợp thức hóa chủ yếu bằng cách đưa bộ hồ sơ của các xe khác (xe có đủ giấy tờ chính ngạch).

Ví dụ, trên thị trường có một chiếc xe Toyota Camry với giấy tờ, BKS cụ thể thì chiếc xe nhập lậu cũng được các đối tượng làm giả một bộ giấy tờ, bao gồm: Đăng ký xe, đăng kiểm và Biển kiểm soát giống hệt như vậy.

Dân trong "nghề" gọi đây là giao dịch theo kiểu "mẹ bồng con", tức là 2 xe giống hệt nhau, một xe chính thức và một xe lậu cùng chung biển số.

Trong trường hợp chủ xe muốn biển số đẹp, để trùng với xe khác cùng loại, thì phải mất thêm tiền.

Bên cạnh đó, xe ngân hàng sử dụng giấy tờ “mẹ bồng con” (hay còn gọi là MBC) cũng rất phổ biến trên thị trường.

Xe ngân là xe vay tiền ngân hàng để mua, nhưng khi không còn khả năng trả nợ thì chủ xe sẽ cầm cố, hoặc bán lại cho dân buôn, vì vậy, những xe này sẽ không có giấy tờ, biên nhận (vì chủ xe thế chấp tại ngân hàng).

Để có thể bán được xe ngân, người bán thường nhận "bao" giấy tờ biên nhận thế chấp ngân hàng lần đầu, có dấu xác nhận của ngân hàng. Cũng theo người bán, việc làm giấy biên nhận thế chấp rất đơn giản, có thể làm ở bất kỳ ngân hàng nào có quen biết, vì trên hệ thống không ghi rõ ngân hàng nào.

Một trong những thủ đoạn khác của giới buôn xe lậu là đánh tráo biển số xe giữa xe cũ trong nước và xe nhập lậu. Biển kiểm soát là thật nhưng được lấy từ một chiếc xe khác có thể là hư hỏng, hết niên hạn, sau đó gắn sang chiếc xe nhập lậu mới hơn. Thủ đoạn này nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Vì bản chất những chiếc xe này hoàn toàn bất hợp pháp.

Cẩn thận "tiền mất, tật mang"

Mặc dù biết những rủi ro về mặt giấy tờ, đi đường khi mua ô tô giá rẻ kiểu "mẹ bồng con", xe nhập lậu,.. không ít người vẫn chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu một xe hạng sang. Vì ngoài lý do ưu đãi về giá, người mua thường được các đối tượng bán xe dùng thủ đoạn dụ dỗ là mua chui thì có thể bán chui không mất giá. Thậm chí bán ngược trở lại ngay cho người bán trước đó.

Điều này khiến người mua dễ làm liều, qua mặt được cơ quan chức năng bằng giấy tờ giả, sử dụng con dấu giả và biển kiếm soát giả,…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ vào xử phạt vi phạm giao thông, việc sử dụng xe ô tô "mẹ bồng con" gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Cụ thể, trong trường hợp bị phát hiện xe nhập lậu hoặc mua bằng phương thức bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ tạm giữ phương tiện để xác minh. Nếu xác nhận được là xe vi phạm thì sẽ bán đấu giá và nộp lại tiền về ngân sách Nhà nước. Lúc đó, xe sẽ được đóng lại số khung số máy mới và làm đăng ký mới hoàn toàn.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật Đồng đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người bán biển số, giấy tờ để hợp thức hóa xe gian thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với vai trò là đồng phạm giúp sức.

Mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù giam nếu thu bất chính từ 300 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Với trường hợp sử dụng biển số, giấy tờ cấp lại để hợp thức hóa xe nhập lậu rồi bán cho những người chưa tìm hiểu kỹ thông tin xe thì có thể xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự mức hình phạt cao nhất là tù chung thân khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Đối với người mua xe lậu, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu không biết nguồn gốc tài sản, người mua có thể yêu cầu người bán xe cho mình hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận, bồi thường thiệt hại bởi hợp đồng mua bán xe vô hiệu do lừa dối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác khi mua xe ô tô giá rẻ 'mẹ bồng con'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO