Cảnh giác ‘phác đồ’ điều trị Covid-19 trên mạng

Việt Hà 11/08/2021 08:00

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những “phác đồ” hướng dẫn điều trị Covid-19 tại nhà với đông tây y kết hợp. Cả việc thổi phồng tác dụng của một số thuốc có thể chữa Covid-19. Không ít người đã tin, chia sẻ các thông tin này. Vậy ngành Y tế khuyến cáo gì?

Những thông tin lượm lặt gom lại thành “phác đồ”

Trên một trang mạng Facebook có chia sẻ thông tin như này: “Chẳng có gì phải sợ virus cả. Nó là một loại virus nấm, nó bu trong cổ, trong lỗ mũi... nó sống bằng oxy cho nên nó thèm phổi, oxy trong máu, phòng trị nó rất đơn giản. Đầu tiên là xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cafe giấm (con virus nấm nó sợ chua); tiếp theo là...”.

Có tài khoản mạng xã hội nhận định rất hồn nhiên rằng, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị Covid-19 như bác sĩ chuyên khoa vậy.

Rồi không ít người lại bày cách sử dụng Đông - Tây y kết hợp như ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin…Lại có “bài thuốc” điều trị Covid-19 bằng cách xông 7 ngày liên tục kết hợp với uống paracetamol. Và cứ theo phác đồ chia sẻ này thì paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê đơn, khi có biểu hiện đau đầu, sốt thông thường thì có thể tự mua về uống. Liều dùng từ 2-3 viên/ngày. Trong khi theo các bác sĩ, lạm dụng paracetamol có thể dẫn tới co mạch, xuất hiện cơn tăng huyết áp, đau tim, gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim...

Đọc một số “phác đồ” điều trị trên mạng xã hội, có thể nhìn ngay ra đó là những thông tin lượm lặt, chắp vá và cả những lỗi sơ đẳng của người không có chuyên môn. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cụ thể đối với người nhiễm Covid-19 (F0) hoặc người tiếp xúc gần (F1) không triệu chứng và không có bệnh nền khi cách ly tại nhà. Khi áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, và Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không tự điều trị hoặc nghe theo các bài thuốc trôi nổi trên mạng xã hội.

Những loại thuốc được “thổi phồng” công dụng

Hẳn mọi người còn chưa quên “cơn sốt” xuyên tâm liên trong những ngày qua. Ngay sau khi Bộ Y tế có thông tin nêu Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc này trong hỗ trợ điều trị Covid-19 làm dấy lên làn sóng tìm mua và sử dụng xuyên tâm liên trong một bộ phận người dân với hy vọng thuốc sẽ giúp họ trong việc phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, xuyên tâm liên không phải là “thần dược” để điều trị Covid-19. Đây chỉ là một trong các vị thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 do Bộ Y tế đưa ra. Để kết hợp điều trị Covid-19 còn rất nhiều vị thuốc và các bài thuốc khác, không chỉ riêng xuyên tâm liên.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số thông tin rao bán các loại thuốc trị sốt rét có thể uống để phòng Covid-19 khiến người dân hiểu lầm về tác dụng của các loại thuốc này. Cùng với thuốc trị sốt rét, Corticoid, rồi đến Tylenol được thổi bùng lên thành “thần dược”, có khả năng điều trị Covid-19. Và trong sự lo sợ về dịch bệnh, nhiều người đã tự ý mua các loại thuốc này về trữ trong nhà để đề phòng.

Thực ra không riêng tại Việt Nam, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chưa có loại thuốc nào được chính thức khẳng định điều trị hiệu quả Covid-19 thì tại một số quốc gia lại xuất hiện thông tin về các loại thuốc đặc hiệu, coi như “thần dược” có thể chữa trị Covid-19. Và những thông tin này chủ yếu lan tràn trên các mạng xã hội, hoặc người nọ truyền người kia.

Thời công nghệ 4.0, việc mọi người tự tìm hiểu về bệnh tật và các kiến thức liên quan đến bệnh trên mạng internet là điều tốt. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh các thông tin tích cực, những kinh nghiệm, những khuyến cáo từ Bộ Y tế thì cũng là những thông tin fake nhằm câu like, câu view. Vì vậy, mỗi khi tiếp nhận thông tin rất cần sự tỉnh táo, sáng suốt, nhất là trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Mỗi người dân nên tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, hoặc liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng bất kỳ một bài thuốc hoặc một loại thuốc nào mà được quảng cáo “chữa khỏi Covid-19”, tránh tiền mất tật mang.

“Người dân không tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ Y tế. Không chỉ người từ vùng dịch về mà bất kỳ ai khi có triệu chứng ho, sốt... nên liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời”.
(Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác ‘phác đồ’ điều trị Covid-19 trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO