Cảnh giác với 'chuyên gia chứng khoán'

An Hà 29/09/2022 07:00

Việc hai người ở tỉnh Kon Tum tố cáo tới cơ quan chức năng việc bị tội phạm giả danh “chuyên gia chứng khoán” mời gọi đầu tư, thực chất là để lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hơn 1 tỷ đồng, một lần nữa cảnh tỉnh những ai nhẹ dạ cả tin. Dù các hành vi lừa đảo không mới nhưng vẫn có người mắc bẫy. Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… đánh vào sự thiếu hiểu biết và muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của một số người.

Thật đáng lo ngại là trong số những người nhẹ dạ tin vào những dụ dỗ ngon ngọt của các “chuyên gia chứng khoán”, nhiều người nghèo, phải vay mượn khắp nơi, kể cả vay nặng lãi tín dụng đen để “chơi” chứng khoán. Cuối cùng trắng tay, nợ nần chồng chất, gia đình tan nát.

Chứng khoán là một kênh huy động vốn, cũng là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đây là môi trường tài chính cao cấp, muốn đầu tư có lãi cần phải có sự hiểu biết, cảm quan nhanh nhạy. Đây là môi trường đầu tư không dành cho những người thiếu hiểu biết về tài chính. Với những người tham gia giao dịch trên sàn chứng khoán, không ai lạ gì từ “bán máu” - để chỉ những lần quyết định bán cổ phiếu để cắt lỗ.

Và cũng không ai còn lạ gì vụ lừa đảo sàn chứng khoán của “ông chủ” Trịnh Văn Quyết (Tập đoàn FLC), với những thủ đoạn, phương cách rất tinh vi để “lùa gà”, “bẫy gà” rồi úp sọt. “Gà” là để chỉ người đầu tư chứng khoán. Cho tới nay, khi vụ án mở rộng, lại càng cho thấy mức độ ghê gớm của nó khi “đại gia” này móc ngoặc với những thành phần tiêu cực trong Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE), Hà Nội (HNX), thao túng thị trường chứng khoán.

Để dẫn dụ người tham gia đầu tư chứng khoán, những đối tượng tự xưng là “chuyên gia chứng khoán” dùng thủ đoạn thường quen thuộc đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức, không mất nhiều thời gian và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn. Ban đầu đối tượng sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận, rồi tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Trong nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo còn tung tin là thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại. Chính vì tiếc tiền nên người bị hại đã đi vay thêm để tiếp tục đầu tư, rơi vào vòng luẩn quẩn cho đến khi khánh kiệt.

Giả danh “chuyên gia chứng khoán”, giả danh là người của công ty chứng khoán, các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại/nhắn tin mời tham gia các group về chứng khoán, sau đó dụ dỗ khách hàng mở tài khoản ảo và chuyển, nộp tiền dưới nhiều hình thức. Thậm chí chúng còn giả mạo cả sở giao dịch chứng khoán để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội 1 vốn 4 lời, thậm chí 1 vốn 10 lời thì bản thân nó cũng đã là dấu hiệu của sự lừa đảo, vì không một ngành nghề kinh doanh, đầu tư nào lãi suất lớn đến vậy.

Việc đầu tư vào chứng khoán luôn được cảnh báo là hạng mục đầu tư mạo hiểm, dù hứa hẹn khả năng sinh lời cao cho nhà đầu tư. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), để thực hiện hành vi lừa đảo, ban đầu đối tượng sẽ tạo niềm tin cho người bị hại thông qua các khóa đào tạo đầu tư chứng khoán miễn phí, sau đó lôi kéo vào hội nhóm đầu tư trên mạng xã hội, như Facebook, Telegram, Zalo... để theo dõi hoạt động đầu tư của các thành viên khác. Khi tham gia nhóm, người dùng sẽ thấy các “chuyên gia” đặt lệnh, hoạt động đầu tư nhộn nhịp, sinh lời hấp dẫn. Đây chính là lúc cái bẫy đã được giăng ra.

Đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho biết, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không phải là thành viên của sở giao dịch được nhập lệnh và chuyển lệnh trực tiếp vào sở giao dịch chứng khoán. Một trong những nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian. Các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán. Từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở và thực hiện khớp lệnh.

Nguyên tắc là như vậy, nên người đầu tư ngay từ đầu cần đặt dấu hỏi nghi vấn với các “chuyên gia chứng khoán”, không nên vì những lời dụ dỗ ngon ngọt, nhanh làm giàu để rồi bị “úp sọt”.

Trở lại vấn đề cảnh giác với những dụ dỗ của các “chuyên gia chứng khoán”, trước hết đòi hỏi sự hiểu biết và tỉnh táo của người có ý định tham gia đầu tư; nhưng cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng “lật mặt nạ” đối tượng lừa đảo, xử lý theo pháp luật, công bố rộng rãi để mọi người cùng biết, không dừng lại ở việc cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với 'chuyên gia chứng khoán'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO