Cảnh giác với việc làm online

Đức Sơn - Tuấn Minh 21/12/2021 07:12

Dịch Covid-19 phức tạp kéo theo hệ lụy nhiều người mất việc, mất thu nhập nên nhu cầu tìm việc làm online để phù hợp với hoàn cảnh rất cao. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã tung ra “mồi nhử” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tìm việc. 

Dù ngành chức năng đã đưa ra cảnh báo nhiều lần, song gần đây vẫn không ít người “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo khi tìm việc online mùa dịch, vậy nguyên nhân vì đâu...?

“Ma trận” lừa tuyển CTV kinh doanh online

Nếu như những năm trước, trào lưu làm việc online vẫn chưa quá phổ biến thì hơn một năm trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài thì trào lưu này có dịp nở rộ. Nắm bắt được nhu cầu kiếm việc online là rất lớn, nên trên không gian mạng cũng xuất hiện các chiêu thức lừa đảo việc làm online hết sức tinh vi.

Chỉ cần gõ cụm từ khóa “việc làm online”, “tuyển dụng online”… người sử dụng mạng sẽ tiếp cận được với hàng nghìn đường link, hội nhóm công khai tuyển dụng công việc online, các nhóm kiếm tiền trực tuyến trên Zalo, Face book…

Với những lời giới thiệu “có cánh” đại loại như “ngồi nhà kiếm ngàn đô mỗi tháng”, “Mỗi ngày kiếm 3-10 triệu không chỉ là giấc mơ nữa”.., song thực chất phần lớn đó là những “cái bẫy” được các đối tượng lừa đảo giăng ra lừa tiền của người dân thiếu hiểu biết.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức lừa tuyển cộng tác viên kinh doanh online, cho thấy thực trạng lừa đảo nêu trên rất đáng báo động.

Nhan nhản các hội nhóm tuyển việc làm online, tuyển cộng tác viên kinh doanh online trên mạng xã hội.

Điển hình, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online chiếm đoạt số tiền “khủng” do 2 đối tượng Lê Huy Nhật (28 tuổi, trú tại tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (28 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) cầm đầu.

Đường dây này có hàng trăm đối tượng tham gia, hoạt động theo phương thức lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.

Những kẻ lừa đảo này tung ra “mồi nhử” rất hấp dẫn như cần tuyển 100 cộng tác viên bán hàng trên phạm vi toàn quốc, lương mỗi tháng 10-15 triệu đồng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì cộng tác viên nhập hàng từ công ty về bán cho khách. Mỗi sản phẩm cộng tác viên bán ra được hưởng chênh lệch số tiền lớn.

Khi cộng tác viên đăng bài bán hàng, chính những người nằm trong đường dây lừa đảo này sử dụng Facebook ảo, sim rác đóng giả làm người mua hàng để đặt hàng. Tuy nhiên, khi hàng đã đến tay của cộng tác viên, những người đặt mua hàng trước đó tự “mất tích”, không để lại dấu vết. Hàng cũng không hoàn lại vì địa chỉ các đối tượng cung cấp hoàn toàn là giả. Các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã lừa hàng nghìn người với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đối tượng Lê Huy Nhật - cầm đầu đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên kinh doanh online ở Hà Tĩnh.

Tại Hà Nội, vừa qua Công an quận Đống Đa đã khởi tố các đối tượng Nguyễn Thành Đại, Đào Thị Thu Hà, Đào Tiến Anh, Nguyễn Kim Tuyền về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, Đại lập Fanpage bán hàng “Hanmi’s shop”, “Kiera shop” rồi đăng tải các bài viết bán hàng túi xách cao cấp, giá từ 8-12 triệu đồng.

Thực chất, Đại không bán hàng mà chủ yếu tuyển cộng tác viên bán hàng và quảng cáo, nếu cộng tác viên nhập hàng về bán sẽ được chiết khấu cao. Nếu cộng tác viên hỏi lấy hàng thì sẽ được chiết khấu từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng cho 1 sản phẩm. Đại giao cho Đào Tiến Anh cùng một số người khác sử dụng các tài khoản Facebook ảo để đặt mua hàng của cộng tác viên. Sau đó, Đại sẽ giao túi xách giá rẻ từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng để chuyển cho cộng tác viên. Với loại túi xách kém chất lượng này, cộng tác viên phải trả từ 6-10 triệu đồng. Khi gửi hàng cho cộng tác viên và lấy được tiền thì Đại sẽ cho các tài khoản Facebook đã đặt hàng chặn liên lạc với cộng tác viên.

Về thực trạng trên, theo Công an TP Hà Nội, hiện nay, nhiều người dân bị sập bẫy lừa đảo từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%... Nhiều người do không nhận thức được các chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng đã đăng ký làm cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không được nhận lại tiền.

Nhiều đối tượng tham gia đường dây lừa đảo do Lê Huy Nhật cầm đầu bị triệu tập, khởi tố.

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác

Trao đổi về thực trạng trên, Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo (Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, sở dĩ loại hình tội phạm trên vẫn còn “đất sống” là các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, trong khi đó nhiều người cũng có tâm lý hám lợi, thiếu cảnh giác nên vẫn bị mắc lừa.

Theo Tiến sĩ Bảo, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về các thủ đoạn lừa đảo để đông đảo người dân hiểu biết mà phòng tránh.

Về phía người dân, cần hết sức cảnh giác khi kiếm các công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi làm cộng tác viên kinh doanh online thì cần tìm hiểu địa chỉ và công ty, doanh nghiệp mình cộng tác. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để có thông tin chính xác. Đặc biệt, người dân cần tỉnh táo, hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho các khách lần đầu đặt hàng.

“Không có chuyện việc làm tại nhà, làm việc online nhẹ nhàng mà lương cao, đa số là bẫy lừa trên mạng mà thôi, người dân cần hiểu rõ điều này. Những người đã từng là nạn nhân của trò lừa đảo nêu trên mà chưa trình báo với các cơ quan chức năng cũng nên mạnh dạn tố giác để cơ quan chức năng điều tra, từng bước bóc gỡ các đường dây lừa đảo, trừ họa cho xã hội…” - Tiến sĩ Bảo nhấn mạnh.

Còn theo Đại tá, Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh nhận định, trong tình hình dịch bệnh, kinh tế đang rơi vào giai đoạn hết sức khó khăn, hành vi của các đối tượng lừa đảo này là hành vi vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất an toàn an ninh và trật tự xã hội. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội để đảm bảo an ninh và duy trì trật tự xã hội, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống người dân.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá được số lượng lớn những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn lớn hơn thế và có thể vẫn đang hoạt động trên cả nước, do đó, cần thiết có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.

Đại tá, Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công Ty Luật TNHH TGS: Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù chung thân

Không khó để có thể bắt gặp những tin tức tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội với mức chiết khấu hậu hĩnh. Nhưng trước những vụ việc xảy ra gần đây, Công an TP Hà Nội đã đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này. Người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội, bởi có thể ẩn sau đó là một kế hoạch lừa đảo có tổ chức và hết sức tinh vi. Những đối tượng phạm tội này thực hiện hành vi hết sức công phu, qua nhiều giai đoạn, thủ đoạn. Thủ đoạn lừa đảo này được nhân rộng ở các tỉnh, thành phố khác nhau thông qua mức độ lan truyền, phổ biến rộng rãi của các phương tiện thông tin đại chúng và đánh chủ yếu vào các đối tượng dễ bị lợi dụng và dễ lừa đảo.

Người dân cần phải thực sự tỉnh táo khi gặp những trường hợp tuyển cộng tác viên bán hàng như vậy, khi mà các trang thương mại điện tử đã là một kênh trung gian mua sắm hiệu quả, tại sao lại cần một bên trung gian khác? Và tại sao lại có mức chiết khấu cao đến như vậy?

Về chế tài xử lý, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì đối tượng thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với số tiền lớn đến hàng trăm tỷ đồng, cùng với các tình tiết định khung theo Điều 174 là “phạm tội có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp” và “dùng thủ đoạt xảo quyệt” thì các đối tượng này có thể phải chịu mức hình phạt theo khoản 4 điều này, mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Bên cạnh các biện pháp phối hợp truy vết tội phạm nêu trên, Nhà nước cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về loại tội phạm này để răn đe cũng như ngăn chặn những thành phần đang có ý định thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, phối hợp nhiều biện pháp cả tư tưởng lẫn hành động để đem lại hiệu quả cao nhất, ngăn chặn được tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong đời sống, xã hội.

Luật sư Tạ Văn Phú, Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt: Mạnh tay xử lý để tạo sự răn đe, ngăn chặn

Vụ việc lừa đảo tuyển nhân viên bán hàng online là một dạng mới cho thấy sự tinh vi, xảo quyệt và khó nhận biết của loại tội phạm công nghệ. Chúng lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người dân. Trên thực tế việc giao dịch mua bán online rất phổ biến hiện nay, do đó nếu không cảnh giác thì rất khó có thể phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo này.

Lợi dụng vào các đặc điểm này, nên tội phạm lừa đảo đã tung ra các chiêu thức tuyển dụng nhân sự bán hàng online, lấy lý do để đảm bảo cho giao dịch an toàn cả hai bên, chúng yêu cầu người bị hại (công tác viên) phải trả tiền cho sản phẩm hàng hóa trước, sau đó sẽ được công ty trả lại tiền sau khi nhận được tiền thanh toán của khách hàng.

Tuy nhiên, sau khi trả tiền cho món hàng xong, thì mọi liên lạc đều bị cắt đứt hoặc có trường hợp hàng được giao đến địa chỉ của chính người bị hại. Vô hình chính người bị hại lại là người phải mua sản phẩm với giá trên trời.

Vậy là từ vai trò cộng tác viên trở thành người mua hàng bị mất tiền hoặc trở thành người mua bất đắc dĩ với giá trên trời cho một sản phẩm mà đáng ra giá trị thực của nó thấp hơn rất nhiều lần.

Việc cơ quan Công an TP Hà Nội triệt phá thành công vụ án lừa đảo này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn và cảnh báo đối với người dân để tránh bị lừa đảo tương tự. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới và rất tinh vi mà người dân rất khó nhận biết.

Cơ quan bảo vệ pháp luật cần xem xét xử lý bằng hình sự nếu có đủ cơ sở, có như vậy mới đủ mạnh và đủ sức răn đe, ngăn chặn loại tội phạm này phát triển biến tướng.

Đây là loại hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dấu hiệu lừa đảo được thể hiện thông qua việc, các đối tượng đã sử dụng các thông tin gian dối để gây dựng lòng tin của bị hại, lợi dụng lòng tin của bị hại để chiếm đoạt tiền trái với ý muốn. Tùy theo giá trị tiền bị chiếm đoạt mà các đối tượng lừa đảo sẽ phải chịu các khung hình phạt khác nhau theo quy định của điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đức Sơn - Tuấn Minh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với việc làm online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO