Cạnh tranh thiếu lành mạnh

Th.Anh 27/09/2020 10:00

Chuyện cán bộ của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) gửi đi 900 thư nặc danh tới các phụ huynh, học sinh để “nói xấu” các trường trên địa bàn!... Nhiều người cho rằng đây là chiêu cạnh tranh bẩn, khó lòng chấp nhận.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa kết thúc chưa lâu. Hiện đang là thời gian để các thí sinh cân nhắc, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào trường và ngành mình yêu thích. Có lẽ bởi thế nên các nhà trường cũng tìm nhiều cách để thu hút thí sinh quan tâm, đăng ký học. Thế nên mới có chuyện cán bộ của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) gửi đi 900 thư nặc danh tới các phụ huynh, học sinh để “nói xấu” các trường trên địa bàn!

Được biết, sự việc xảy ra từ tháng 5/2020, hai cán bộ của Trường ĐH Duy Tân khi tham gia công tác tuyển sinh đã bàn bạc, thống nhất soạn thảo các bài viết, gửi bằng hình thức nặc danh qua đường bưu phẩm với nội dung không đúng sự thật, hạ thấp uy tín các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Động cơ, mục đích của hai người này là nhằm quảng bá cho trường đại học nơi mình công tác.

Theo thông tin của các lá thư này thì “điểm trừ” của Trường ĐH Duy Tân cũng sẽ được hiểu như là điểm cộng: “học hơi căng, không lo là bị thi lại ngay, trường nhiều cơ sở (hầu hết ở trung tâm thành phố) nên di chuyển hơi nhiều”. Trong khi đó, điểm trừ của các trường đại học khác, kể cả đại học công lập đều là học phí cao, không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành…

Những lá thư ít nhiều đã tác động, gây tâm lý hoang mang cho các phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào đại học. Trên các trang mạng xã hội, nhiều cán bộ, giảng viên đã phản đối, thể hiện sự không đồng tình với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong môi trường giáo dục.

“Cạnh tranh trong giáo dục không nên như trong thương mại. Trong khi đó, ngay trong quảng cáo thương mại cũng có quy định chỉ được nói tốt và phải nói đúng về sản phẩm của mình chứ không được nói xấu sản phẩm khác. Thậm chí, logo của sản phẩm khác cũng không được xuất hiện trong video quảng cáo”, một vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Mặc dù sau vụ việc, hai cán bộ của nhà trường đã bị xử phạt. Song, việc làm của hai người này đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục; gây tâm lý hoang mang đối với phụ huynh, học sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển tại các trường đại học. Nặng lời hơn, nhiều người cho rằng đây là chiêu cạnh tranh bẩn, khó lòng chấp nhận.

Có thể nói, chất lượng và niềm tin ở mỗi một ngôi trường không thể đo đếm chỉ trong một vài ngày, một vài tháng. Nó cần thời gian tính bằng năm, thậm chí nhiều năm. Thế nên, chiêu trò quảng cáo kia chắc chắn không thể nào phát huy được tác dụng. Và dư luận có quyền đặt nhiều câu hỏi xung quanh chiêu thức truyền thông kém tinh tế ấy. Để xảy ra những việc làm như vậy thì trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên và xã hội ở đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh thiếu lành mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO