Cáo mượn oai hùm

Tinh Anh 21/01/2021 06:50

Thời gian qua, có khá nhiều đối tượng “mượn danh” lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, địa phương để “đe” các cơ quan chức năng với mục đích vụ lợi cá nhân. Không ít đối tượng đã thành công trong việc “ra oai” cả với các cơ quan quản lý nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh vừa cảnh báo các sở, ngành, địa phương việc một số người mượn danh ông này với mục đích vụ lợi. Cụ thể, xuất hiện một số cá nhân tự xưng có “quen” với ông Danh để “ra oai”, “chém gió”, “xin xỏ”... khi làm việc với một số cơ quan, tổ chức. Họ có thái độ không chuẩn mực, động cơ, mục đích không trong sáng, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông.

Vì thế, ông Danh gửi thư nhắc nhở các sở, ngành, địa phương, đồng thời yêu cầu đề cao cảnh giác với số đối tượng này. Ông Danh khẳng định, Tỉnh ủy và các cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không có chuyện vì những mối quan hệ cá nhân mà can thiệp vào công việc của các cơ quan cấp dưới.

Câu chuyện trên thoạt nghe có vẻ... buồn cười, bởi ai đó lại dám “vuốt râu hùm”. Song, thực tế này lại cũng diễn ra ở một số địa phương khác. Các đối tượng không chỉ mạo danh bí thư, chủ tịch tỉnh, mà còn mượn danh của cả các bộ trưởng, cục, vụ, viện, thậm chí không ít kẻ còn “to gan” “chém” rằng có quen cả với một số lãnh đạo cấp cao.

Xét về mặt lý thuyết thì câu chuyện nực cười trên không thể diễn ra, hoặc có kẻ “chém gió” như vậy cũng chẳng có tác dụng gì, nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vậy nhưng trên thực tế lại xảy ra khá nhiều trường hợp các đối tượng đã “thành công” trong việc mượn danh để ra oai, đe dọa các cơ quan chức năng nhằm xin xỏ, vụ lợi cá nhân.

Lẽ ra, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ không cần phải gửi thư cảnh báo đến các sở, ngành, địa phương trên địa bàn về thực trạng cáo mượn oai hùm, nếu không có một số cá nhân, tổ chức đã vì nể, vì sợ, vì muốn nịnh lãnh đạo tỉnh, có các “động tác” “du di” trái quy định của pháp luật. Song, xét cho đến cùng cũng phải thông cảm cho họ, bởi ai chẳng muốn lấy lòng các lãnh đạo tỉnh, nhất là bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh.

Hầu hết cấp dưới đều có tâm lý “bắt nhầm hơn bỏ sót”, thôi thì cứ coi đối tượng tự xưng người quen của bí thư tỉnh ủy là thật đi, còn hơn “đắc tội” để rồi sau này sẽ khó thăng quan tiến chức, hoặc sẽ bị trù dập không ngóc đầu lên được. Nếu đối tượng đó là người thân quen của lãnh đạo tỉnh thật, mình giúp được có khi họ lại nói tốt cho vài lời trước mặt sếp, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó sẽ được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm.

Ngoài ra, cũng còn một nguyên nhân khá căn bản, cốt lõi dẫn đến thực trạng “cười bể bụng” trên, đó là cơ chế “liên thông” giữa các sở, ngành, địa phương với các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung ương còn một số “nút thắt”. Cỡ như giám đốc sở, lãnh đạo ngành ở địa phương còn có thể gọi điện cho lãnh đạo tỉnh để check thông tin thật giả về người quen, nhưng không thể gọi được cho bộ trưởng, hay lãnh đạo cấp cao.

Còn cỡ trưởng, phó phòng của sở, ngành địa phương thì rất khó gọi điện cho bí thư, chủ tịch tỉnh, nếu không muốn nói là đừng có mơ tưởng đến chuyện đó. Vậy thì làm sao có thể check được thông tin ông A, bà B có thực sự là người quen của lãnh đạo tỉnh hay không để mà biết cách “cư xử”. Không giúp mà là người quen của lãnh đạo thật thì chỉ có “toi”, còn giúp mà không biết thật giả thế nào cũng ấm ức.

Nói như vậy sẽ có ý kiến cho rằng, việc gì phải quan tâm đến việc người quen của lãnh đạo tỉnh, bộ, ngành Trung ương là thật hay giả, cứ “căng dây bật mực” theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là được. Vâng, đúng là như vậy. Song, đó chỉ là trên lý thuyết thôi, còn trên thực tế là sao có chuyện “làm mặt lạnh” với người thân của lãnh đạo? Chỉ trừ trường hợp sắp về hưu, hoặc hết tuổi cơ cấu chức vụ.

Chính vì thế mà thời gian qua đã có không ít đối tượng “chém gió” rằng có quen biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ trưởng này, tư lệnh nọ, bí thư tỉnh ủy kia... Và không ít đối tượng đã “thành công” trong việc hù dọa, “bắt vía” một số cá nhân thực thi công vụ tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc một số lĩnh vực nóng như đất đai, quản lý dự án... để vụ lợi cá nhân không trong sáng.

Nếu các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chịu khó nghe điện thoại, không quá “cầu kỳ” “chọn số” để nghe, thì có lẽ mọi sự giả mạo cũng dễ dàng bị phanh phui, vạch trần. Nếu mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là mỗi cá nhân thực thi công vụ cũng không có động cơ vụ lợi cá nhân để nịnh bợ sếp, chuẩn chỉ làm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lẽ sẽ không ai muốn mượn danh, cũng không dám mượn danh các lãnh đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cáo mượn oai hùm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO