Cao tốc phải thực sự cao tốc

Nam Việt 01/10/2020 07:31

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, chưa có giai đoạn nào Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay.

Với riêng Bộ GTVT cũng chưa thời kỳ nào triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Hôm qua, ngày 30/9, cả 3 dự án nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đồng loạt khởi công thực sự là một sự kiện trọng đại trong đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ngay sau khi đất nước về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tầm quan trọng của sự kiện này được giới chuyên gia kinh tế so sánh với sự kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chính thức vào châu Âu (từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020).

Như vậy, nếu việc nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam là sự kiện quan trọng trong nước, thì EVFTA là sự kiện vươn ra biển lớn. Hai sự kiện như hai cánh bay của chim đại bàng, loài chim kiêu hãnh, khát khao làm chủ bầu trời.

Trong sự kiện khởi công 3 dự án cao tốc hôm qua (30/9), đáng chú ý đều là mới được chuyển đổi từ hình thức PPP (hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công...) sang đầu tư công.

Những năm qua, bằng rất nhiều nỗ lực, hệ thống giao thông đường bộ của đất nước dần hình thành theo hướng hiện đại. Nhiều tuyến cao tốc ra đời kéo gần lại sự cách trở, kích thích kinh tế - xã hội phát triển. Nếu như sau năm 1954, chúng ta đã vui vì được đi trên những con đường “thênh thang 8 thước”, thì nay đã có những con đường rộng gấp 4,5 lần.

Nhưng vấn đề rất quan trọng là làm sao hệ thống cao tốc với sự đầu tư lớn lao phải thực sự là cao tốc. Trước hết, nó phải “cao tốc” ở tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu nan giải, kéo lùi tiến độ thi công mà hầu như tuyến đường nào, công trình nào, dự án nào cũng gặp phải. Được biết, với 3 dự án kể trên, đã giải phóng mặt bằng được 97%. Nhưng với 3% còn lại chính là phần “boong-ke” không dễ gì giải tỏa. Chính quyền đẩy cho doanh , doanh nghiệp “đá” lại chính quyền. Lần này, liệu “miếng võ” đùn đẩy ấy có lặp lại?

Về tiến độ thi công, cũng chưa ghi nhận rõ ràng một tuyến cao tốc nào về trước thời hạn. Lần này, với tổng chiều dài hơn 260km cũng lại là thách thức lớn khi đích đến là cuối năm 2022. Với khoảng thời gian 2 năm, nếu cả 3 dự án đều hoàn thành thì sẽ là một kỳ tích. Và với tất cả niềm tin chúng ta chờ đợi đến thời điểm đó.

Còn về chất lượng công trình, cũng là một vấn đề, vấn đề quan trọng. Việc chọn nhà thầu năng lực yếu kém, lại có cả tình trạng ăn gian làm dối thì chất lượng công trình đương nhiên là không bảo đảm. Có thể lấy ví dụ tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, chiều dài toàn tuyến 139,2km, tổng vốn đầu tư khoảng 34,5 ngàn tỉ đồng. Tuyến cao tốc này mới đưa vào sử dụng 2 năm mà đã vá chằng, vá đụp, với 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi. Diện tích mặt đường cao tốc hư hỏng khoảng 1.663m2. Đó là hệ quả của việc mất kiểm soát chất lượng dự án, để nhà thầu thi công “băm nát” các gói thầu trước khi thuê lại thầu phụ kém chất lượng làm dự án.

Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty VEC, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt, dẫn đến công trình hư hỏng khi vận hành khai thác. Tính tới cuối tháng 8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hình sự 19 đối tượng liên quan tại VEC, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công.

Một điều nữa cũng cần phải nói, đó là vị trí và mức giá của những trạm thu phí BOT. Đành rằng đi trên cao tốc thì phải đóng tiền, nhưng thời gian qua đã có quá nhiều vụ người dân, doanh nghiệp giao thông phản ứng về những BOT này. Có những BOT án ngữ trên tuyến độc đạo, xe nào cũng phải qua, phải mất tiền, không khác nào cái nơm cá không cách gì thoát được. Rồi thì vé qua BOT quá cao, thời gian thu phí lại kéo dài, người bỏ tiền ra cũng không biết kêu ai.

Vậy nên, thật mừng trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn quyết tâm làm những tuyến cao tốc hiện đại, nhưng cũng không thể quá hoan hỉ vì phía trước đường còn dài lắm. Để cao tốc thật sự là cao tốc là chuyện không dễ dàng.

3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông bao gồm: Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây: Dài 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 12.577,5 tỷ đồng. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Dài 100,8 km đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.853,9 tỷ đồng. Đoạn Mai Sơn - QL45: Dài 63,37 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.

Thời gian thi công của cả 3 dự án trong 24 tháng, kết thúc vào cuối năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao tốc phải thực sự cao tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO