Cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất, không chạy theo số lượng

A. Anh 30/08/2018 23:00

Ngày 30/8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đề cập đến sáu vấn đề mà cử tri, nhân dân đang quan tâm. Qua đó cũng đưa ra những kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới.

Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018 tình hình kinh tế-xã hội duy trì theo hướng tích cực. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát trong tầm kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,45% so với những tháng trước. Các ngành kinh tế mũi nhọn tiếp tục phát triển, xu hướng tăng tốt hơn; thị trường tiền tệ tín dụng tương đối ổn định; thu chi ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng ở mức khá; tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

“Đặc biệt việc Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho 5.592 hộ không có nhà ở hoặc nhà tạm do lũ quét, sạt lở đất trong thời gian qua đã được dư luận, nhân dân hết sức quan tâm. Đây là việc làm kịp thời để các địa phương tiến hành xây dựng nhà ở cho người dân. Và Mặt trận các cấp sẽ có trách nhiệm giám sát việc xây dựng nhà ở tại các địa phương”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

6 kiến nghị lớn

Đề cập đến một số nội dung mà cử tri nhân dân quan tâm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đưa ra sáu kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành địa phương trong thời gian tới.

Thứ nhất, do hiện tượng mưa lũ kéo dài trong thời gian vừa qua dẫn đến tình trạng sạt lở đất đang xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng, xuống cấp, nhân dân đi lại rất khó khăn. Do đó đề nghị Chính phủ, và các địa phương sớm có giải pháp khắc phục để ổn định cuộc sống người dân.

Vấn đề thứ hai, từ hiện tượng giá một số mặt hàng nông sản trên thế giới đang giảm, dự kiến sẽ kéo theo một số mặt hàng nông sản ở nước ta giảm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo để nông dân yên tâm sản xuất, và tiếp tục tìm thị trường đầu ra cho hàng nông sản.

“Vừa qua Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hết sức tích cực, nhưng giá cả hàng hóa nông sản vẫn là vấn đề chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Vấn đề thứ ba, là hiện nay môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện, đạt được kết quả khá, chính vì vậy việc cải cách hành chính, những điều kiện kinh doanh (ĐKKD), các thủ tục về cấp phép kinh doanh và đăng ký kinh doanh cần được đơn giản hóa. Cử tri, người dân và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng về thời hạn Thủ tướng đặt ra (15/8) là hạn cuối cùng để các bộ ngành thực hiện, cắt bỏ 50% ĐKKD sớm thành hiện thực. Tuy nhiên tốc độ hiện nay đang diễn ra chậm, vì vậy đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo đảm bảo chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm đồng đều, đảm bảo không chạy theo số lượng, mà quan trọng nhất là thực chất và chất lượng.

Vấn đề thứ tư, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, dư luận xã hội thời gian qua lo ngại hiện tượng kinh doanh tiền ảo, đa cấp, tín dụng đen, việc thu giữ các kho vũ khí tại một số địa phương, bắt giữ nhiều vụ mua bán ma túy với số lượng lớn, gây hoang mang trong dư luận. Chính vì vậy đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Vấn đề thứ năm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện những bất cập từ các văn bản ban hành trái luật hiện nay khi có 5.600 văn bản trái luật thuộc các bộ ngành địa phương ban hành. Cho nên cần có giải pháp hữu hiệu để sớm khắc phục trong thời gian tới.

Đề cập đến tháng cao điểm Vì người nghèo, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2017, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình truyền hình trực tiếp Chung tay Vì người nghèo và đã vận động được trên 3 nghìn tỷ, riêng trị bệnh cho người nghèo không có điều kiện đến bệnh viện tuyến cao như mổ thận, gan, tim được trên 500 tỷ.

Từ những kết quả đáng khích lệ của năm 2017, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm các bộ ngành, tỉnh thành phố phối hợp với MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác vận động để chuẩn bị tổ chức tháng cao điểm vì người nghèo, đặc biệt vào ngày 17/10/2018, sẽ diễn tra Chương trình truyền hình trực tiếp Cả nước chung tay Vì người nghèo năm 2018.

“Do đó trong thời gian sắp tới đề nghị Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành tiếp tục cùng với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tiếp tục vận động, có nguồn quỹ giúp người nghèo trị bệnh, mua áo ấm cho người già và trẻ em, chăn ấm cho người dân…”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt giảm điều kiện kinh doanh cần thực chất, không chạy theo số lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO