Cắt tóc gió ở Sài Gòn

Đoàn Xá 20/03/2016 09:35

Nằm rải rác ở một số tuyến đường như Chu Mạnh Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM), nghề cắt tóc gió từng một thời nhộn nhịp. Ở đó, dưới những hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, đối diện với tấm gương, trong làn gió nhè nhẹ, người ta không chỉ được đắm mình giữa êm đềm của thiên nhiên. Từ lâu, cắt tóc gió dường như một nét văn hóa riêng biệt của mảnh đất này.

Cắt tóc gió ở Sài Gòn

Một góc nhỏ của người thợ cắt tóc.

Buồn vui bên chiếc tông đơ

Có thể nói, với nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi, thú vui cắt tóc gió, tức cắt tóc ở ngoài trời, là một thú vui khá giản dị và khác biệt. Ở đó, không phải là những sa-lông tóc với hàng trăm kiểu dáng, mẫu mốt có máy lạnh, nhạc du dương mọc nhan nhản ở khắp các con đường thành phố mà chúng ta vẫn thấy. Đơn giản hơn, chỉ là chiếc ghế bành, tấm khăn voan mỏng, chiếc gương đơn sơ cùng một khoảng không gian nho nhỏ, thường là dưới cội cây già, dưới mái hiên cũ… là có thể hình thành một tiệm hớt tóc rồi. Cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, dù chỉ là một góc nhỏ, dưới những tán cây, bên lề đường nào đó cũng đủ mang đến những phút giây thư thả đến lạ lùng. Nó như tách ra khỏi cuộc sống, trút bỏ những muộn phiền xô bồ như những sợi tóc dài vướng víu để làm mới mình. Rồi bước ra, như một người khác, để bước tiếp trong vòng quay mới.

Giữa những ồn ào tất bật của thành phố buổi trưa nắng, chúng tôi ghé tới một tiệm hớt tóc ở đường Chu Mạnh Chinh, dưới một gốc cây khá lớn. Bác Thiêm, 56 tuổi, chủ tiệm hớt tóc cười nhẹ, kể về nghề làm bạn với tông-đơ, kéo và dao cạo. “Tôi không nhớ mình đã cắt tóc cho bao nhiêu người nhưng từ khi chưa lấy vợ, tôi đã mang kéo, mang gương ra vỉa hè mưu sinh rồi. Cái nghề này tuy vất vả nhưng giúp tôi nuôi lần lượt 4 người con, cả trai lẫn gái trưởng thành. Đến nay, cậu con trai út cũng chuẩn bị cuối năm là tốt nghiệp đại học mà mình vẫn ngày ngày đứng ở đây. Với tôi, cắt tóc không chỉ là cái nghề, mà còn là một phần của cuộc đời, bỏ không nổi”.

Nhìn qua, nghề cắt tóc có vẻ khá đơn điệu và nhàm chán nhưng thực tế, như người thợ cắt tóc già này tâm sự thì nó lại ẩn chứa rất nhiều điều thú vị, mới mẻ. Vì “cái răng cái tóc là góc con người”. Mỗi người người lại có một kiểu tóc riêng, hoặc một người nhưng lúc trẻ thì kiểu tóc khác, lúc trung niên phải kiểu tóc khác mới hợp. Khi khách bước vào tiệm, ngoài việc cắt theo ý định của khách, thợ phải có những hình dung trong đầu, xem gương mặt ấy, dáng người ấy sẽ cắt kiểu tóc nào thì mới hợp. Kiểu như người có gò má cao thì nên để tóc mai dài hay người mặt tròn thì nên để tóc ngắn. Người gầy tóc phải tỉa thưa, người mắt buồn nên để tóc ngôi lệch…

Nói về khách, bác Thiêm bảo, có nhiều khách, không biết vì lý do gì, hầu như chỉ cắt tóc ở tiệm mình, không bao giờ đi đâu hết. “Như một ông giáo già dưới quãng cầu Thị Nghè, cắt tóc ở đây từ hồi trẻ, đến nay đã nghỉ hưu vẫn đều đặn hai, ba tháng một lần đến. Có bận, ông theo con cháu sang bên Thụy Sỹ ở đâu chừng nửa năm rồi cứ nằng nặc đòi về nước bởi còn bận phải đi…cắt tóc. Hỏi sao, ổng bảo bắt buộc phải về Sài Gòn đi cắt tóc gió, ngồi bên lề đường, nhìn lên bầu trời mới được chứ vào phòng máy lạnh, cảm giác người khác đặt con dao cạo sắc lẹm lên cổ, lên ót mình cứ lành lạnh, không sao chịu thấu”, bác cười chia sẻ thêm.

Dường như, cắt tóc gió không chỉ là thói quen, là sở thích mà với nhiều người, đó còn là nếp sống, là một chút văn hóa, dù nhỏ bé nhưng còn sót lại ở phố phường này.

Cắt tóc gió ở Sài Gòn - 1

Nhiều người luống tuổi vẫn có sở thích cắt tóc ngoài trời.

Những tay kéo cuối cùng

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay tại một số con đường ở khu vực này chỉ còn chưa đến mười tiệm cắt tóc gió. Họ đều là những người thợ cuối cùng, có thâm niên gắn bó với nơi này hàng chục năm. Dường như, những tiệm cắt tóc với tuổi đời có khi cả nửa thế kỷ này đang ngày càng thu mình bé đi, bên cạnh những gốc cây cổ thụ đang ngày một lớn hơn. Nhiều thợ hớt tóc lâu năm bảo, giờ nhiều tuyến đường bị cấm, nhiều người chuyển qua nghề hớt tóc dạo. Nghĩa là, ngày ngày trên chiếc xe, họ rong ruổi qua khắp các ngóc ngách của Sài Gòn với tiếng kêu lách tách của chiếc kéo để tìm khách.

Một trong những người như vậy, anh Tuệ, 53 tuổi ở đường 3 tháng 2 cho biết. “Tôi quê miệt Cần Giuộc nhưng từ bé đã theo cha mẹ lên Chợ Lớn kiếm sống. Hồi trẻ mê mấy người cắt tóc dạo, cứ thấy ai cắt tóc là nhìn theo. Lớn chút chút, tôi xin theo nghề hớt tóc của một ông thợ người Hoa chỗ vòng xoay Cây Gõ. Trước, mấy chục năm trời mình đứng lề đường bên đó hớt tóc. Sau này lề đường bị cấm, mình chuyển sang nghề hớt tóc dạo, đi loanh quanh. Vợ chồng đứa con gái bảo về trông kho hàng cho chúng dưới An Lạc mà mình nhớ nghề cầm kéo, không bỏ được”.

Theo nhiều người khách, anh Tuệ có biệt tài cắt tóc rất đẹp, được coi là “thiên hạ đệ nhất kéo” bởi anh luôn cầm kéo tay trái, khác biệt với tất cả mọi người. Anh bảo, trời sinh mình thuận tay trái mà hồi mới nhập môn cắt tóc, thầy bắt phải cầm tay phải. Cuối cùng, do không cầm tay phải được, tôi học cách sử dụng bằng tay trái. Đây là việc làm rất khó khăn nhưng sau một thời gian dài khổ luyện, không những cầm kéo mà tôi còn cắt tóc thuần thục bằng tay trái. Cũng vì sự lạ lùng ấy, nhiều khách hàng thích được tôi cắt.

Nhìn từng lọn tóc rơi đều xuống đất và vướng víu trên tấm khăn choàng màu trắng bay bay nhè nhẹ, chúng tôi có cảm giác rằng, cả khách và thợ cắt tóc gió như đang sống cùng nhau trong một không gian. Một không gian nhỏ bé, bên lề cuộc sống ồn ào mà tý nữa, khi bước xuống lòng đường, họ sẽ mang một diện mạo mới, hoàn toàn khác như chính gương mặt, cái đầu mới cắt xong của mình vậy. Một gương mặt mới mẻ, lạ lẫm với chút buồn loáng thoáng bởi có thể ít lâu nữa, thành phố này sẽ không còn ai cắt tóc ngoài trời nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt tóc gió ở Sài Gòn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO