Câu chuyện Israel: Làm cho sa mạc nở hoa

Hà Anh 24/09/2022 07:00

Trong khi nhiều nước từ châu Phi tới châu Á không có đủ nguồn nước để trồng trọt khiến người nông dân khốn đốn, có một quốc gia nằm trong khu vực khô hạn nhất trên thế giới đã hiện thực hóa viễn cảnh “khử muối nước biển” để “làm cho sa mạc nở hoa”- đó là Israel.

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp trong điều kiện khô hạn. Ảnh: The Guardian.

Chống chịu với tình trạng thiếu nước

Nhiệt độ cao như thiêu đốt và tình hình hạn hán do biến đổi khí hậu đang gây ra các vấn đề lâu dài cho nông dân và các cộng đồng ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Đây là thách thức đáng sợ và khó vượt qua khi tình trạng thiếu nước trở nên thường xuyên và ngày càng gia tăng, nhưng có những giải pháp có thể cứu chúng ta thoát khỏi khủng hoảng.

Tuy nhiên, Israel, một quốc gia nhỏ ở một trong những khu vực khô hạn nhất trên thế giới lại khắc phục được điều đó. Với việc hạn hán trở thành “bình thường mới”, đối với các nhà hoạch định chính sách, sẽ là khôn ngoan khi xem xét những gì Israel đã làm và bắt đầu quá trình tạo ra một xã hội có khả năng chống chịu với tình trạng thiếu nước của riêng họ, ít phụ thuộc vào lượng mưa có thể không bao giờ quay trở lại.

Mặc dù sử dụng gần như toàn bộ nước từ các nhà máy khử muối nước biển dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và một phần lớn nước cho nông nghiệp bằng cách lọc và tái sử dụng nước thải của quốc gia, nhưng Israel không bó buộc mình vào bất kỳ chiến lược hoặc công nghệ nào trong việc giải quyết nhu cầu nước của họ. Cách tiếp cận đồng nhất nhiều phương pháp mang đến khả năng tái tạo từ sự dư thừa có chủ ý, nó cũng mở ra cánh cửa cho sự đổi mới và chấp nhận rủi ro vốn thường dẫn đến những đột phá thay đổi thế giới.

Ở hầu hết các quốc gia, chủ đề về cơ sở hạ tầng và công nghệ nước thường nằm trong tay các quan chức cấp trung và nhiều thành viên nội các cấp cơ sở hơn. Nhưng ở Israel, nó là mối quan tâm hàng ngày của những vị lãnh đạo hàng đầu. Như trường hợp ông David Ben Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel, từ rất lâu trước khi quá trình khử muối diễn ra ở đất nước này, ông đã thường nhắc đến viễn cảnh “khử muối nước biển” để “làm cho sa mạc nở hoa”.

Những kinh nghiệm quý

Không phải mọi thứ Israel làm đều phù hợp ở mọi nơi. Do diện tích nhỏ, Israel có thể thực hiện mọi việc dễ dàng hơn các nước nghèo nước có diện tích rộng lớn. Tương tự như vậy, việc có một đường bờ biển dài và phần lớn dân số nằm trong khoảng cách tương đối dễ dàng đến các cơ sở khử muối của đất nước, mang lại những cơ hội mà không phải nước nào cũng có được. Nhưng một số điều Israel làm ai cũng có thể làm được - ít nhất là trên lý thuyết.

Đầu tiên, Israel áp dụng cách tính giá nước theo giá thị trường (chi phí vẫn được trợ cấp cho những người nhận phúc lợi xã hội, nhưng những người khác đều trả tiền đầy đủ). Và với biện pháp này, người tiêu dùng, nông dân và ngành công nghiệp luôn tìm cách tiết kiệm nước hoặc sử dụng công nghệ dẫn đến hiệu quả sử dụng nhất có thể.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nước được trợ giá sâu, dẫn đến tỷ lệ lãng phí nước rất lớn do sử dụng quá mức. Ví dụ, vì được tính theo giá thị trường nên việc sửa chữa các đường ống bị rò rỉ sẽ rẻ hơn so với việc thải nước, từ đó Israel có hệ số rò rỉ thấp một cách bất thường là khoảng 7-8%. Trong khi đó ở Mỹ, có những cộng đồng có hệ thống đường ống bị mất tới 50% lượng nước chảy qua đó.

Thành công của Israel trong lĩnh vực nước cũng gắn liền với quyết định đặt việc quản lý nước vào tay các nhà công nghệ phi chính trị. Công việc của họ là cung cấp nước chất lượng cao nhất cho số lượng người lớn nhất có thể. Giá cả là một yếu tố, nhưng không phải tất cả.

Để so sánh, ở một số thành phố của Mỹ, người dân chỉ phải chịu mức giá nước tăng khi thuế trên thực tế tăng. Điều này dẫn đến phí nước bị kìm hãm, từ đó không thể hiện đại hóa các cơ sở với thiết bị và phần mềm tốt nhất, cũng như khó thu hút và giữ chân các kỹ sư có tay nghề cao.

Israel cũng khác biệt so với phần lớn thế giới trong cách tiếp cận nông nghiệp. Nhiều thập kỷ trước, phương pháp tưới tiêu - làm ẩm đất bằng cách tưới nước ngập ruộng, đã được Chính phủ Israel khuyến khích chấm dứt. Trong khi đó, trên khắp thế giới, 85% các cánh đồng vẫn được áp dụng biện pháp tưới tiêu, một kinh nghiệm có từ thời Ai Cập cổ đại.

Ngay cả ở Mỹ, biện pháp tưới tiêu vẫn xuất hiện trên hàng triệu mẫu ở California, Texas và thậm chí ở vùng Tây Nam khô cằn. Nông dân có ít động lực để chuyển sang công nghệ tiết kiệm nước vì họ có thể tiếp tục sử dụng nước như thể nó dồi dào và không cạn kiệt như ánh nắng mặt trời hoặc không khí. Ở Arizona, 89% lượng nước tưới được sử dụng để tưới tiêu, trong khi nước ở các bang của lưu vực sông Colorado đang cạn kiệt nhanh chóng.

Một cách phù hợp, công nghệ của Israel có thể sẽ “giải cứu” được các bang ở phía Tây Nam nước Mỹ. Hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng trọng lực với chi phí thấp, do một nhà khoa học Israel phát triển, đã được triển khai trên hàng nghìn mẫu Anh ở Arizona và các nơi khác.

Công nghệ này tiết kiệm một nửa lượng nước so với phương pháp tưới tiêu, đồng thời cải thiện năng suất và giảm nhu cầu phân bón gây ô nhiễm nước. Cách tiếp cận mới này tương tự như hình thức tưới nhỏ giọt quen thuộc đã được phát minh ở Israel hơn 60 năm trước. Nhưng hệ thống này sử dụng lực hấp dẫn làm nguồn năng lượng chính, từ đó tiết kiệm được chi phí năng lượng đang tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện Israel: Làm cho sa mạc nở hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO