Câu chuyện Mường Xia

Nguyễn Chung 18/02/2019 08:00

Mỗi khi ánh chiều buông, người dân Mường Xia lại thấy mây trắng vờn mây hồng bay ngang đỉnh Pha Dùa. Vầng sáng toả ra, lời ca từ trong hang núi cũng ngân lên, hòa vào tiếng sông rì rào không ngớt. Người trong mường kể với nhau rằng: Đó là tiếng thì thầm yêu nhau của đôi trai gái từ câu chuyện tình Mường Xia.

Câu chuyện Mường Xia

Người dân nô nức tổ chức lễ hội Mường Xia.

Mường Xia (tên gọi cũ là Mường Chu Sàn) thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) ngày nay. Xưa kia, Mường Xia vốn là một vùng đất rộng lớn, được tính từ khu vực xã Điền Trung, huyện Bá Thước lên đến xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, cho đến tận xã Tén Tằn của huyện Mường Lát ngày nay. Vùng đất nơi biên cương này còn lưu lại cho đời sau những câu chuyện đã khắc ghi vào đá núi. Ở đó có dòng suối Xia ngọt lành ôm lấy chân núi Lá Hoa thơ mộng rồi hợp với dòng sông Luồng tạo thành vùng ngã ba sông hiền hòa. Đất đai trù phú, con người nhân hậu, đoàn kết tạo nên đất Mường Xia có giá trị văn hóa lâu đời và vô cùng đặc sắc...

Vào khoảng thế kỷ 17, tướng quân Hai Đào sau khi đánh tan giặc nơi biên cương đã chọn Mường Xia làm nơi sinh sống đến cuối đời. Từ khi tướng quân Hai Đào lập thủ phủ tại đây, hằng đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái lại nhịp nhàng tiếng chày khua luống, những lời khặp của đôi lứa trao duyên nơi thượng nguồn. Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại ấm no, phồn thịnh vùng đất này, sau khi ông mất, bà con các dân tộc trên địa bàn lập đền thờ để hương khói thờ phụng và coi ông như một người giữ vía cho cả Mường Xia.

Cũng như người Mường, đối với đồng bào Thái ở vùng đất Mường Xia này, âm thanh của cồng chiêng là thứ âm sắc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Khi tiếng cồng, chiêng được vang lên cũng là lúc phần hội chính được bắt đầu, hoà chung với tiếng cồng chiêng là tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng reo hò cổ vũ cho những đội chơi làm rung động cả một vùng thượng ngàn.

Hoà với giai điệu của cồng chiêng, các chàng trai cô gái háo hức tham gia vào các trò chơi như: Ném còn, khua luống, kéo co, đẩy gậy… Đối với người Thái nơi đây, trò chơi tung còn là trò chơi hấp dẫn nhất trong lễ hội Mường Xia, bởi theo quan niệm của người Thái, tung còn là trò chơi mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hòa âm dương, mùa màng tươi tốt. Mở đầu cho các cuộc chơi bao giờ cũng là các cặp thanh niên nam nữ. Trong khi chơi, các chàng trai cô gái có dịp để giao lưu, kết bạn và tìm cho mình một bạn đời.

Văn hoá Mường Xia, trải qua bao đời đã trở thành tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Như là một sự nhắc nhở cho con, cháu muôn đời hãy biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những giá trị lịch sử về một vùng đất với những con người đã trở thành một tượng mẫu để thế hệ sau noi gương. Văn hoá Mường Xia được xem như là cơ sở để mỗi làng, bản xây dựng nên những quy ước, hương ước trong việc xây dựng nếp sống văn hoá mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện Mường Xia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO