Cầu thủ Việt: Chuyên nghiệp vẫn còn xa

Khánh Vy 25/09/2020 19:00

Bóng đá Việt đang im lìm bởi đại dịch Covid-19. Thế nhưng, những ngày gần đây lại nóng lên sau những sự cố liên quan tới những trụ cột của đội tuyển là Đình Trọng, Tiến Linh và Quế Ngọc Hải. Những vụ việc xảy đến đều đưa lại một cái nhìn rõ nét về việc tính chuyên nghiệp vẫn là điều mà các cầu thủ Việt Nam vẫn còn quá thiếu.

Bi kịch chấn thương

Những ngày qua, thông tin về việc trung vệ CLB Hà Nội và các ĐTQG, Trần Đình Trọng, lần thứ 3 phải leo lên bàn mổ trong vòng hơn một năm, khiến giới truyền thông lại phải đi đào bới nguyên do. Lý do là bởi, Đình Trọng là “tài sản bóng đá quốc gia”, nhưng giờ lại đang đứng trước khả năng có thể phải giải nghệ vì chấn thương... Câu chuyện của Đình Trọng mang lại nỗi lo lớn cho người hâm mộ và giới chuyên môn. Những thông tin mới nhất cho hay, chấn thương của Đình Trọng nặng hơn tiên liệu khiến hậu vệ này buộc phải nghỉ hết năm 2020 thay vì trở lại vào tháng 10 như dự kiến ban đầu và khiến cho ngày trở lại sân cỏ của cầu thủ này một lần nữa bị gián đoạn.

Có thể nói sau những thành công cùng bóng đá Việt Nam, giờ đây khi nhắc tới Đình Trọng là người hâm mộ lại liên tưởng ngay tới những chấn thương nghiêm trọng của anh, thay vì là những màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ của cầu thủ trẻ sinh năm 1997. Trong hai năm qua đã có không ít lần hậu vệ trẻ người Hà Nội phải lên bàn mổ. Hồi đầu năm 2019, Đình Trọng sang Hàn Quốc thực hiện phẫu thuật gắp mẩu xương khỏi mu bàn chân, sau khi dính chấn thương rạn xương bàn chân và chấp nhận bỏ lỡ VCK Asian Cup 2019. Và tới tháng 6/2019, Đình Trọng tiếp tục dính chấn thương dây chằng chéo trong trận đấu giữa Hà Nội FC và HAGL ở vòng 12 V-League 2019. Ngay sau khi dính chấn thương trong trận hòa trên sân Pleiku, Đình Trọng đã sang Singapore thực hiện phẫu thuật và sớm kết thúc mùa giải 2019. Đình Trọng chỉ thi đấu trở lại từ VCK U23 châu Á vào đầu năm nay. Song việc “đốt cháy giai đoạn” để ra sân trở lại đã khiến “lá chắn thép” ở hàng thủ ĐT Việt Nam gặp phải chấn thương nặng hơn. Theo kết quả tái khám tại Singapore cho thấy Đình Trọng đã bị viêm sụn, giãn dây chằng nhẹ và cần nhiều thời gian hơn để bình phục. Trong suốt nửa năm nay, Đình Trọng đã nỗ lực tập luyện tại PVF để chờ ngày bình phục. Tuy nhiên, Đình Trọng đã phải phẫu thuật sụn chêm ở TP.HCM mới đây. Thông tin này được tiết lộ rất kín bởi CLB Hà Nội không muốn công khai để Đình Trọng có thể tập trung chữa trị chấn thương. Nguyên nhân bởi Đình Trọng không thể ra nước ngoài phẫu thuật thời điểm này nên anh phải tiến hành ca phẫu thuật bí mật tại TP HCM.

Với nghiệp cầu thủ, chấn thương là điều khó tránh khỏi. Nhưng với riêng hậu vệ đang khoác áo Hà Nội FC mức độ lo lắng cao hơn rất nhiều, khi ai cũng biết Đình Trọng quan trọng ra sao với tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Đáng lo bởi dường như chấn thương của Đình Trọng phức tạp lại không phải sai phương pháp điều trị mà rơi vào chuyện hậu vệ người Hà Nội dường như “đốt cháy” giai đoạn để sớm trở lại sân cỏ khi chưa thật sự sẵn sàng.

Hơn 1 năm kể từ thời điểm dính chấn thương ở V-League mùa 2019 rồi lên bàn mổ tại Singapore, kèm theo đó được tạo điều kiện hồi phục, chăm sóc tối đa lẽ ra Đình Trọng có thể hoàn toàn lành lặn và ra sân với 100% phong độ. Nhưng rốt cuộc việc cố gắng ra sân ở VCK U23 châu Á hồi đầu năm trong điều kiện đôi chân chưa hoàn toàn sẵn sàng khiến chấn thương của trung vệ đang khoác áo đội bóng Thủ đô nặng thêm, diễn biến xấu hơn. Trần Đình Trọng đã lên tiếng “Sau nhiều lần gặp phải chấn thương không đáng có, quay trở lại sớm để rồi tái phát, tôi đã rút ra nhiều bài học”. Đây được xem là lời tự nhận lỗi của trung vệ 23 tuổi khi vội vàng quay trở lại sân cỏ. Lỡ từ Asian Cup đến SEA Games 2019, Đình Trọng không muốn mất nốt VCK U23 châu Á 2020. Sự khao khát tạo nên động lực muốn ra sân cống hiến. Cuối cùng, U23 Việt Nam về nước sớm còn Đình Trọng mất cả năm 2020 để điều trị chấn thương. Giá như không vội vã tái xuất, Đình Trọng có lẽ không mất nhiều thời gian điều trị như vậy. Và đây cũng là một bài học xương máu mà các cầu thủ Việt cũng cần phải nhìn vào đó để rút kinh nghiệm và không rơi vào những bi kịch tương tự trong tương lai.

Đây không thể là một câu chuyện bình thường, cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên cầu thủ. Bài học không chỉ dành cho Đình Trọng mà còn dành cho các HLV khi vì áp lực thành tích đã đưa họ trở lại sân sớm. Việc Đình Trọng sẽ phải tiếp tục làm phẫu thuật lần thứ 2 trong một năm cũng là một lời cảnh báo chung tới các HLV về việc không thể “đốt cháy giai đoạn” để cho cầu thủ ra sân. Và trong sự việc này, HLV Park Hang Seo chắc chắn cũng có một phần lỗi khi vẫn để anh tham dự VCK U23 châu Á 2020 trên đất Thái. Trước đó, HLV Chu Đình Nghiêm từng bóng gió nói về việc nếu được quyết định ông sẽ không để Đình Trọng tham dự VCK U23 châu Á 2020. “Tôi lo cho Đình Trọng vì cậu ấy rất nóng vội”, HLV trưởng Hà Nội FC nói vào ngày 8/1/2020. Chấn thương dây chằng đầu gối sau khi mổ nối lại cần thời gian ổn định, nhưng tôi thấy Đình Trọng nóng vội. Khi trở lại tập trung với đội, cậu ấy chưa được 100%. Đó là điều tôi lo ngại nhất. Chắc chắn khi Đình Trọng trở lại CLB tôi sẽ không nóng vội, phải tìm thời điểm thích hợp để sử dụng”. Sự lo lắng của HLV Chu Đình Nghiêm khi ấy dường như bị chìm nghỉm.

Tiến Linh cần phải xin phép đơn vị chủ quản trước khi đồng ý “chuyển đến” một đội bóng phong trào nào đó.

Đến chuyện hình ảnh

Gần đây, trên trang cá nhân của mình, Quế Ngọc Hải đã đăng tải một đoạn clip quảng cáo cho một nhãn hàng game trên trang cá nhân. Đây lẽ ra bình thường, nếu chẳng muốn nói đáng mừng với đội trưởng tuyển Việt Nam khi kiếm được tiền từ thương hiệu của bản thân. Thế nhưng, đoạn quảng cáo dài hơn 3 phút mà cầu thủ người xứ Nghệ tung lên trang cá nhân lại sử dụng một số cảnh quay của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 và vòng loại World Cup 2022 khiến tất cả ngỡ ngàng. Đoạn quảng cáo này được cho là đã vi phạm bản quyền hình ảnh khi sử dụng một số cảnh quay liên quan đến các trận đấu của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 trong trận thắng Malaysia 1-0 và AFF Cup 2018. Cụ thể, trong clip trên, có những cảnh Quế Ngọc Hải kiến tạo cho Quang Hải ghi bàn, cảnh đội tuyển chào cờ, nâng cao cúp vô địch AFF Cup 2018, cầu thủ tập luyện, trong phòng thay đồ... Quế Ngọc Hải đóng quảng cáo có sử dụng những hình ảnh thuộc bản quyền của VFF, AFF và AFC. Vì thế, nếu chưa được sự đồng ý của VFF, AFF và AFC thì đồng nghĩa với việc đơn vị quảng cáo đã vi phạm bản quyền hình ảnh.

Sau vụ lùm xùm vi phạm bản quyền hình ảnh ĐTQG liên quan đến đóng quảng cáo và bị VFF “tuýt còi”, đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ trên trang cá nhân. Quế Ngọc Hải khẳng định mình luôn nhận thức rõ hình ảnh và giá trị của ĐTQG khi bản thân anh đeo băng đội trưởng. Do vậy, cầu thủ người Nghệ An đã rất chặt chẽ trong quá trình làm việc với tất cả các đối tác, nhưng vẫn xảy ra sự cố ngoài mong muốn. “Cũng có những trải nghiệm mà cá nhân Hải và các cộng sự chưa có nhiều trải nghiệm đa dạng, dẫn đến những thiếu sót không lường trước được. Do đó, bản thân Hải đã rút ra được bài học lớn liên quan đến việc chỉn chu đến mức tối đa về trang phục, cũng như phải chặt chẽ hơn nữa trong việc yêu cầu đối tác phải thật sự nghiêm túc trong vấn đề sử dụng nguồn hình ảnh hợp pháp, đúng quy định pháp luật”.

Ngay trước Ngọc Hải, câu chuyện của tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, một tuyển thủ khác đang khoác áo đội tuyển Việt Nam cũng là một ví dụ khác về chuyện cần phải học về cách hành xử chuyên nghiệp. Mới đây, CLB B.Bình Dương đã “tuýt còi” Tiến Linh sau khi anh tham gia đội bóng Nghệ Sỹ mà không hề xin phép. Trong khi nếu chuyên nghiệp, Tiến Linh cần phải xin phép đơn vị chủ quản trước khi đồng ý “chuyển đến” một đội bóng phong trào nào đó. Điểm chung của Tiến Linh và Ngọc Hải là đều không có ý thức chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp luôn có những nguyên tắc mà cầu thủ buộc phải tuân theo nếu muốn tồn tại.

Những vụ việc liên tiếp xảy đến với những tuyển thủ quốc gia nắm giữ vai trò quan trọng trong màu áo tuyển Việt Nam nhìn qua thì dường như là câu chuyện cá nhân đối với Quế Ngọc Hải, Tiến Linh hay Đình Trọng. Nhưng sâu hơn thì thực sự liên quan bởi nó rơi vào vấn đề khiến bóng đá Việt Nam không thể bay cao nhiều năm qua: Thiếu chuyên nghiệp. Nhìn rộng ra, hai sự việc trên cũng phản ánh chính xác, đầy đủ bản chất nền bóng đá Việt Nam, một sự chuyên nghiệp nửa vời. Những gì đang xảy ra với 2 cầu thủ ở tuyển Việt Nam dường như đã trả lời cho câu hỏi liệu rằng nền bóng đá của chúng ta đủ chuyên nghiệp để hướng đến World Cup hay nôm na vượt ra khỏi biển lớn hay chưa. Rồi những ồn ào chuyện Quế Ngọc Hải sẽ qua, chấn thương của Đình Trọng sẽ ổn, và có là bài học cho các cầu thủ còn lại hay như nào thì chưa biết. Nhưng chắc một điều bóng đá Việt Nam không thể bay cao nếu vẫn nghiệp dư hưởng lương cao như đã thấy...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu thủ Việt: Chuyên nghiệp vẫn còn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO