Cầu vốn tăng, lãi suất khó giảm

H.Hương 17/06/2021 07:27

Cầu vốn trên thị trường vẫn rất lớn, bất chấp dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên dư địa giảm lãi suất được nhìn nhận rất hạn hẹp.

Ngân hàng - doanh nghiệp vẫn chưa gặp nhau.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 21/5 đạt 4,67%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 khi tính tới ngày 29/5/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 2%.

Dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, nhưng nhờ việc tiêm vaccine đang triển khai rộng rãi trên cả nước, nên phần nào tạo sự yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như của các doanh nghiệp (DN). Do vậy, tín dụng vẫn tăng trưởng.

NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 quay trở lại lần thứ 4, song nhu cầu vốn trên thị trường là rất lớn.

Hay tại Vietcombank, đến ngày 20/5, ngân hàng đã hoàn thành 53% kế hoạch tín dụng cả năm và nếu được NHNN giao chỉ tiêu 14% vẫn có thể thực hiện.

Tuy nhiên theo phân tích của giới chuyên gia, động lực khiến tín dụng tăng mạnh đến từ phần cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dòng vốn đầu tư FDI, quy mô xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, không thể không kể đến việc giải ngân đầu tư công - những đồng vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2021.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều DN ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.

Cầu tín dụng tăng, và dư địa giảm lãi suất cũng không còn lớn. Đặc biệt đặt trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng; cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh. NHNN cũng đang thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Phần lớn các nhận xét đưa ra đều cho biết một số dấu hiệu về tín dụng, lãi suất khiến nhiều người lo ngại lãi suất có thể tăng. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại vài tháng qua sau khi chạm đáy.

Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán VnDirect đánh giá, áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

Đồng thời, VnDirect kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định đến hết năm 2021. Với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phục hồi.

Trong khi đó, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ tuần từ 7-11/6/2021, ghi nhận lãi suất tiền gửi trong tuần tiếp tục ổn định ở mức 2,9-4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng; 4,6- 6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng nhưng mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhẹ (10-30 điểm cơ bản) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.

SSI cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1 và 2/2021 là rất thấp. Bởi vậy, trong tháng 7 và tháng 8 tới, một lượng tiền lớn sẽ được bơm ra thị trường, lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu vốn tăng, lãi suất khó giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO