Dự án cầu vượt chữ C dự kiến hoàn thành vào thàng 6, song đến nay tiến độ dự án phải lùi đến quý 1/2023. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ phía nhà thầu Công ty CP tập đoàn Thành Long đang vướng mắc trong quá trình vận chuyển dầm thép.
“Nước đến chân mới nhảy”
Dự án cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) được triển khai từ tháng 10/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022, do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư.
Liên danh nhà thầu: Công ty CP tập đoàn Thành Long - Cienco1 - Công ty CP xây dựng kỹ thuật Việt Hưng đảm nhiệm thi công. Trong đó Công ty Thành Long thực hiện thi công kết cấu dầm thép phần trên, gồm chế tạo và lắp đặt 35 phiến dầm hộp thép liên hợp.
Đặc biệt, thời gian qua nhiều người dân, dư luận rất bức xúc do dự án cầu vượt chữ C chậm tiến độ. Vì vậy, việc rào chắn trên tuyến đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch gây cản trở, ùn tắc giao thông liên miên.
Để giải quyết vấn đề bức xúc này, chiều 1/11 Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tiến độ dự án cầu vượt chữ C.
Ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ công trình là do chưa được cấp phép vận chuyển dầm thép từ các xưởng gia công chế tạo đến công trường.
Để làm rõ vấn đề trên, bà Trần Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Thành Long thông tin, do dầm thép được sản xuất tại 3 xưởng (2 xưởng tại Hải Phòng và 1 xưởng tại Hưng Yên), quãng đường vận chuyển phải đi qua địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên khó khăn trong công tác phối hợp với chính quyền các địa phương nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển. Hiện toàn bộ 35 phiến dầm thép đã được chế tạo xong, tuy nhiên đơn vị chưa xin được giấy phép vận chuyển nên chưa đưa được về công trường để lao lắp.
“Quá trình vận chuyển dầm từ Hải Phòng đến Hưng Yên phải đi qua các trạm thu phí tại Km82+80 và Km18+100, trên Quốc lộ 5 cũ. Do kích thước bề ngang của dầm thép lớn từ 6,5 m trở lên, vượt quá khổ rộng của trạm thu phí nên phải làm thủ tục thoả thuận tạm tháo dỡ, mở rộng trạm cho xe qua, dẫn đến mất thêm nhiều thời gian”, bà Hiền cho biết.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, nếu nhà thầu đủ điều kiện đã không phải thuê thêm nhà xưởng để chế tạo dầm, dẫn đến gặp những khó khăn vướng mắc trong quá trình vận chuyển.
“Đặc biệt, ngay khi ký kết hợp đồng trọn gói từ chế tạo, vận chuyển đến việc thi công tại dự án, không có lý gì mà nhà thầu Thành Long lại không lường được những khó khăn khi vận chuyển các khối dầm này. Đặc biệt, việc chậm trễ này không thể đổ lỗi cho trạm thu phí, Công ty Vidifi hay Sở GTVT các tỉnh, TP trong quá trình cấp phép vận chuyển. Sự chậm trễ này chỉ đặt ra nghi vấn về năng lực và ý thức của nhà thầu”, Ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia giao thông đặt câu hỏi rằng, liệu nhà thầu Thành Long có đủ năng lực để thực hiện dự án? Đáng nhẽ việc xin cấp phép, vận chuyển dầm nhà thầu phải có tính toán trước chứ không thể chờ cấp phép như hiện nay. Bởi mỗi một ngày dự án chậm tiến độ là một ngày người dân sống trong ùn tắc khi di chuyển qua tuyến đường này.
Do đó, việc Công ty Thành Long đến nay vẫn chưa xin được giấy phép vận chuyển, chưa đưa dầm đến lắp đặt, trong khi chủ đầu tư đã bàn giao kết cấu phần dưới khiến dự án cầu vượt chữ C dậm chân tại chỗ nhiều tháng qua.
Tiếp tục lùi tiến độ sang quý 1/2023
Theo ông Cường, dự án được khởi công vào ngày 29/10/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công tình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch vào tháng 6/2022, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022. Song, do dự án tiếp tục gặp khó khăn nên sẽ được đề xuất điều chỉnh đến quý I/2023.
Nói đến khó khăn, vướng mắc, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Văn Duân cho biết, khi bào giao mặt bằng, chủ đầu tư không được tiếp nhận hồ sơ kỹ thuật về một số hạng mục dây cáp, ống cấp và thoát nước. Quá trình thi công mới phát hiện còn khoảng 30 sợi cáp quang của 11 đơn vị viễn thông cắt qua tim cọc. Cùng với đó là hệ thống thoát nước ngang đường tại vị trí cọc khoan nhồi T1 và T3.
Ngoài ra còn phát hiện hệ thống ống cấp nước sạch D315 cắt ngang đường tại vị trí khoan cọc T3. Rất may hệ thống này đã bỏ không sử dụng, chỉ cần đào, thải không gây ảnh hưởng đến công tác cấp nước sạch cho người dân.
Ông Phạm Văn Duân cho hay, hiện tất cả các công trình ngầm nổi phát sinh đã được xử lý hoàn tất, đủ điều kiện thi công lắp ghép cấu kiện dầm và xà mũ. “Chủ đầu tư đã có nhiều cuộc họp với nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ. Dự kiến hoàn thành lao lắp dầm thép trong tháng 12 tới, tháng 1/2023 sẽ hoàn thành công trình” - ông Phạm Văn Duân nói.
Cầu vượt chữ C được thiết kế kết cấu nhịp cầu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, tổng chiều dài 320,4 m, kéo dài từ đường Phạm Ngọc Thạch sang phố Chùa Bộc, kỳ vọng giải quyết ùn tắc giao thông cho nút giao này.