Cây thạch đen cho hiệu quả kinh tế cao

Vỹ An 17/08/2021 08:00

Cây thạch đen còn gọi là cây sương sáo, hay lương phấn thảo, có tên khoa học là Mesona ChinensisBenth.

Những ngày này, người nông dân huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đang bước vào vụ thu hoạch cây thạch đen. Giá bán cây thạch (đã phơi khô) hiện nay là 40.000 đồng/kg, loại chất lượng tốt có thể được giá 80.000 đồng/kg. Dự báo năm nay, thạch đen tiếp tục được giá nên nông dân nơi đây rất vui mừng phấn khởi.

Cây thạch đen còn gọi là cây sương sáo, hay lương phấn thảo, có tên khoa học là Mesona ChinensisBenth. Đây là cây thân thảo, cao từ 40-60 cm, thân 4 cạnh, phân nhánh nhiều, tỏa ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Lá thạch đen thuộc loại lá đơn, mọc đối, dày, màu xanh nhạt, hình trứng hay trứng thuôn, mép có răng. Hoa mọc thành cụm dày đặc ở đầu cành, có cánh môi màu trắng hay hồng, cây ra hoa vào cuối thu, đầu đông. Cây ưa sáng và ẩm nhưng đòi hỏi thoát nước, cây phát triển tốt hơn khi được trồng ở nơi khô.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc thạch đen cực kỳ đơn giản, dễ làm. Chỉ cần nhân giống bằng con đường vô tính; nguồn giống chủ yếu bằng gốc thân cây của vụ trước. Cây ưa đất dốc nhẹ, đất ven suối ẩm thuộc loại đất thịt pha cát màu xám hoặc xám vàng có tầng sâu dày, không lẫn đá. Thường được trồng trên đất nương dãy trồng ngô hoặc lúa, đã bỏ hoá 2-3 năm. Trồng gần nhà có điều kiện chăm sóc tốt, cây phát triển mạnh, năng suất gấp đôi so với trồng ngoài đồi.

Nếu được chăm sóc và bón phân tốt, một năm có thể thu 2 lần (vào tháng 6 và tháng 10, 11). Thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn sẽ có năng suất cao nhất. Cần cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ 1 ngày sau đó đánh đống lại 1-2 ngày mới đem ra phơi tiếp khoảng 2-3 ngày là khô, bó lại cất dùng. Ruộng không bón phân để phát triển tự nhiên, một năm chỉ thu 1 lần vào tháng 10, 11. Thường 10 kg thân lá thạch tươi thì được 1 kg khô.

Theo anh Lý Văn Dương (xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), gia đình có hơn 5.000 m2 đất trồng cây thạch. Những năm trước đây, giá thạch bấp bênh, đầu ra không ổn định, mỗi năm thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng nên anh cũng không mấy chú ý đến việc phát triển. Khoảng 3 năm trở lại đây, giá bán thạch tăng nên gia đình anh mỗi năm gia đình anh thu được từ 50 - 60 triệu đồng.

Ông Nông Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trọng Con cho biết, cây thạch đã và đang góp phần trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân trong xã. Vài năm trở lại đây, việc phát triển cây thạch khá thuận lợi. Xã đề ra kế hoạch phát triển 50 ha cây thạch năm 2021 và hiện nay, người dân đã trồng được 83 ha. Cây thạch dễ trồng ở nhiều địa hình khác nhau, có thể trồng dưới ruộng, trên nương, bìa rừng hoặc xen canh với các diện tích trồng rừng khác. Hiện nay, đang có doanh nghiệp đến địa phương đặt vấn đề hợp tác, bao tiêu sản phẩm cho người trồng thạch. Nếu đầu ra cho cây thạch được đảm bảo, giá thạch ổn định thì chắc chắn diện tích trồng thạch của xã sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Cây thạch đen cũng đã được bà con ở nhiều nơi trồng, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế. Đơn cử như bà con ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai, Thái Nguyên) trồng cây thạch đen từ hơn chục năm nay. Cây thạch đen được ví như “cây thoát nghèo” của bà con nơi đây.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ thạch đen chủ yếu do tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân đã tổ chức chế biến cây thạch thành thạch ăn đóng hộp tiêu thụ ở một số tỉnh miền xuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây thạch đen cho hiệu quả kinh tế cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO