Cây tùng trên núi văn

Từ Khôi 21/07/2019 08:30

Anh hùng lao động, thương binh ¼, nhà văn Sơn Tùng nay đã 92 tuổi. Mỗi lần đến thăm ông, bà Phan Hồng Mai (vợ ông) và anh Bùi Sơn Định (con trai), nhiều khi lại vọng lên trong đầu tôi câu nói gần ba mươi năm trước của ông khi mới quen. Đó cũng là lời đề tặng cuốn sách “Con người và con đường” của ông cho tôi: “Vạn biến như lôi, nhất tâm văn đạo”.

Cây tùng trên núi văn

Nhà văn Sơn Tùng năm cuối 2009.

Mùa hè năm 2010, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến. Từ đó đến nay, ông nằm liệt gường. Ở viện về nhà, ông nằm trong căn phòng nhỏ, tứ bề là sách chất cao đến nóc nhà. Nơi đó là phòng văn của ông. Trên có bàn thờ các danh nhân: Đức thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Hàng ngày, bà Phan Hồng Mai và anh Định cơm nước, chăm sóc ông. Nhưng vài ba tháng nay, bà Mai bị đau khớp, lại thiểu năng tuần hoàn não nên cũng nằm một chỗ, ngồi dăm ba phút là chóng mặt. Mọi việc chăm sóc hai ông bà hàng ngày đổ dồn lên vai anh Định (cũng đã hơn 60 tuổi).

“Vạn biến như lôi, nhất tâm văn đạo”. Nghĩa là: Dù cho có trăm ngàn lần chịu sấm sét thì vẫn một lòng theo con đường văn chương. Câu này được cải biến từ câu “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” của vua Lý Thánh Tông căn dặn Nguyên phi Ỷ Lan trước khi đi đánh Chiêm Thành. Nghĩa là: Dù cho có trăm ngàn lần sấm sét thì cũng một lòng thiền định.

Và cuộc đời nhà văn Sơn Tùng trải qua bao nhiêu dâu bể. Đau đớn bao nhiêu, ông vẫn kiên gan chịu chứ không kêu ca phàn nàn. Ôi con đường văn chương mới cao quý và cay nghiệt làm sao!

Mấy chục năm sống ở phòng 22 nhà A1 tập thể Văn Chương, ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội, nhà văn Sơn Tùng đã viết nhiều tác phẩm, bài báo. Căn nhà ọp ẹp này đã chứng kiến biết bao nhiêu tao nhân mặc khách trong và ngoài nước, kể cả nhiều chính trị gia viếng thăm. Nếu tính đến thời điểm này, thì nhà văn Sơn Tùng cũng là nhà văn đầu tiên được phong Anh hùng Lao động từ công việc viết văn. Còn với cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”, đến nay đã tái bản vài chục lần, số lượng xuất bản trên một triệu bản.

Nổi tiếng, có nhiều mối quan hệ thân tình với nhiều nhà chính trị đương thời như: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe… và nhiều văn nghệ sĩ trí thức như: Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Trần Dần, Đặng Đình Hưng, nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai, GS Đào Duy Anh, GS Phan Ngọc… nhưng nhà văn Sơn Tùng và gia đình vẫn giữ nếp sống thanh bần. Nghèo tiền nhưng giàu tình bạn. Thông thường, với nhiều người nghèo, khi có cơ hội thì sẽ tìm cách để đổi đời, trở nên giàu có hay chí ít sung túc hơn. Nhưng cái tính ông đồ Nghệ ăn sâu trong cốt cách con người nhà văn Sơn Tùng. Thấy tình cảnh ông như vậy, không phải chính quyền cơ sở không quan tâm: Mấy chục năm trước, họ đã xây nhà tình nghĩa để tặng nhưng ông từ chối. Khi tôi gặng hỏi lý do, ông đi lấy ra quyển sổ nhà đất đứng tên ông tại nhà số 58 phố Nam Đồng (nay là phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội), nói: “Trước khi xung phong vào chiến trường miền Nam năm 1967, bác đã gửi nhà cho chính quyền cơ sở nhờ giữ. Nhưng năm 1971, bị thương quay trở lại Hà Nội thì người ta lại phân nhà cho người khác. Họ không trả lại nhà cho nhà bác, hay đổi nhà khác cho bác, hoặc cấp nhà cho bác theo tiêu chuẩn mà lại tặng nhà tình nghĩa kiểu thương hại. Bác không thể nhận được”.

Sinh hoạt chật chội khó khăn như vậy, nhưng khi được gặp một vị lãnh đạo cao cấp, ông lại kiến nghị nên có ý kiến để đại tá, nhà văn Siêu Hải - một người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - được cấp nhà theo đúng chế độ. Vậy là nhà văn Siêu Hải được cấp nhà ở khu Nghĩa Tân.

Cây tùng trên núi văn - 1

Vợ chồng nhà văn Sơn Tùng viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy tháng 6/1975.

Theo đuổi về đề tài danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng dành mấy chục năm trời tìm hiểu, sưu tầm, tích lũy tư liệu. Là người cùng quê và có mối quan hệ qua lại giữa hai dòng họ từ trước, nhưng đó chỉ là cơ sở bước đầu cho việc tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về Bác. Sau chiến thắng năm 1975, đất nước thống nhất, người ta đổ xô vào Nam để kiếm ăn thì vợ chồng nhà văn Sơn Tùng gom góp tiền để có lộ phí vào Nam lấy tư liệu. Tháng 6/1975, vợ chồng nhà văn Sơn Tùng đã tìm gặp bà Lê Thị Huệ (Út Huệ), bạn thời trẻ của Nguyễn Tất Thành (tên Bác thời trẻ) rồi được bà Lê Thị Huệ đưa về viếng thăm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sanh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) – thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đồng Tháp. Tôi có hỏi nhà văn Sơn Tùng: “Bác có tư liệu về cụ Lê Thị Huệ sớm thế sao không viết ngay mà để đến năm 1981 mới đưa xuất bản?”. Nhà văn Sơn Tùng nói: “Trước khi cung cấp tư liệu, bà Lê Thị Huệ nói bác hãy hứa không được viết bà còn sống, khi không muốn “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Bác đã hứa. Nên khi bà Huệ mất bác mới viết”.

“Búp sen xanh” là tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay khi vừa ra mắt, 100.000 bản đã bán hết. Nhưng sóng gió lại nổi lên. Một số tờ báo đua nhau “đánh”. Họ không tin Bác Hồ thời trẻ có người thương. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mời nhà văn Sơn Tùng lên hỏi chuyện. Sau đó, năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có viết lời tựa cho lần tái bản tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Nhưng, quả là tính của ông đồ Nghệ: Nhà văn Sơn Tùng chỉ cho trích in một phần của lời tựa. Mãi tận năm 2005, khi cuốn sách đang bán rất chạy và có tác giả đã chuyển thể thành trường ca thì lời tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới được đưa đầy đủ vào sách. Tôi hỏi: “Sao bác không đưa đầy đủ nội dung lời tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngay vào lần tái bản đầu tiên, mà những đoạn bác giấu đi lại là những đoạn rất hay, ca ngợi tác phẩm?”. Nhà văn cười đôn hậu, nói: “Sách do nhà văn viết ra, còn tiếp nhận phán xét thế nào là ở người đọc. Bác không muốn người ta tưởng bác cậy thế”.

Ngoài tính cách “gàn” đồ Nghệ, nhà văn Sơn Tùng còn nổi tiếng ở những cuộc nói chuyện về đề tài Hồ Chủ tịch và những câu chuyện thâm cung bí sử phòng chống tiêu cực. Bà Phan Hồng Mai có ghi lại những lần nhà văn Sơn Tùng được mời đi nói chuyện ở các nơi. Tiếc là nhiều cuộc nói chuyện “vo” như thế nay không còn băng ghi âm. Và cũng tiếc là nhà văn bị tai biến nên chuyện thế sự ngày hôm nay không được tỏ tường. Đôi khi tôi đến thăm, thấy anh Bùi Sơn Định mở đài chương trình thời sự để nhà văn nghe. Ông nghe có vẻ chăm chú. Có những tin về Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành xử lý những đảng viên giữ chức vụ cao. Không biết ông có nghe và hiểu được không? Nếu được chắc người đảng viên hơn 70 năm tuổi Đảng như ông vui mừng lắm! Vì trước đây, khi sinh hoạt trong Chiếu Văn, ông có nói việc xử lý mới chỉ “tắm từ vai trở xuống”.

Nhà văn Sơn Tùng cũng là người đầu tiên có kịch bản phim truyện được sản xuất về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (sản xuất 1990). Về bộ phim này, khi xem xong, nhà báo Tổng biên tập Nguyễn Kim Trạch và nhà báo Vũ Đình Thành của tạp chí “Truyền hình” có đặt tôi viết một bài báo in 2 kỳ. Bài báo của tôi đã vạch ra những “hạt sạn” về tư liệu và bối cảnh của bộ phim. Kết thúc bài viết, tôi có nêu sự việc bản gốc của bộ phim hiện vẫn nằm ở Thái Lan vì hãng phim chưa có tiền để lấy về. Lúc đó, ông Nguyễn Dy Niên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao có đến thăm nhà văn Sơn Tùng rồi đọc được bài báo và nói sẽ có ý kiến để đưa bản gốc bộ phim về.

Hai tác phẩm khác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng cũng khá quen thuộc với bạn đọc như “Bông sen vàng”, “Cuộc gặp gỡ định mệnh” (Mẹ về; Bác về). Hai tác phẩm này từng được báo “Văn nghệ” số 15 (2568) ngày 11/4/2009 công bố sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, ngày 19/4/2009, nhà văn Sơn Tùng đã có thư gửi GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị cho phép không nhận tặng thưởng. Lý do: Hai tác phẩm này sáng tác từ hơn 20 năm trước nên không phù hợp với quy chế của cuộc vận động mới ban hành.

Nhà văn Sơn Tùng như thế đó. Ông vất vả tìm tòi tư liệu và sẵn sàng chịu thiệt thòi vì đi theo con đường của văn chương. Trước khi thành danh, ông đã thành nhân. Một con người có tính cách cương trực… Và nếu ví bằng hình ảnh, tôi sẽ ví ông như một cây tùng trên ngọn núi văn chương, sẵn sàng hứng chịu mọi phong ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây tùng trên núi văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO