Cha tôi

Nhà văn Nguyệt Tú 09/03/2021 14:30

LTS. Cuối năm 2020, một con đường đẹp gần hồ Linh Đàm và chùa Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã được mang tên danh họa Nguyễn Phan Chánh - người nổi tiếng thế giới với bức tranh lụa thủa sơ khai thời mỹ thuật hiện đại Việt Nam “Chơi ô ăn quan”. Nhân dịp này Tinh hoa Việt trân trọng giới thiệu hồi ức của nhà văn Nguyệt Tú, con gái đầu của danh họa - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, phu nhân cố Chủ tịch Lê Quang Đạo.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh (đứng giữa) và con gái Nguyệt Tú, con rể Lê Quang Đạo.

Kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học tôi đã đỗ đầu cả tỉnh Hà Tĩnh. Vốn là đất hiếu học, họ hàng tôi rất vui và tự hào vì lần đầu tiên người đỗ đầu tỉnh là con gái. Bà con quen biết sang nhà mang cho mít, bưởi...

Đi vẽ ở Đức Thọ về, cha tôi rất vui. Nhưng đến bữa cơm nghe mẹ tôi bàn cho tôi ra Hà Nội hay vào Huế để học tiếp Trung học thì ông cắt ngang:

- Thôi con gái học rứa là đủ rồi! Mình mẹ nó trông lo 3 em nhỏ sao nổi!

Tôi không giận cha vì biết ông rất thương tôi. Cha chính là thầy dạy tiếng Pháp đầu tiên của tôi. Chiều chiều, dưới chân dàn hoa thiên lý, cha tôi dậy tôi những đọan văn hay của nhà văn Pháp Alphonse Daudet.

Ông nội tôi là thầy đồ Nho. Hồi nhỏ cha tôi đã được học chữ Nho hơn 10 năm. Ông viết chữ Nho rất đẹp, nhất là kiểu chữ Thảo. Từ sau hòa bình lập lại ở miền Bắc cho tới lúc ra đi, ông sống trong một căn phòng nhỏ 14 m2 ở “ngôi nhà các nghệ sĩ” 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Căn phòng này cũng là “xưởng vẽ” của ông, nơi đã tạo nên những bức tranh nổi tiếng, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, như tranh “Sau giờ trực chiến”. Năm nào Tết đến các gia đình hàng xóm trên gác dưới nhà đều đến xin ông viết câu đối chữ Nho.

Năm 1922 lúc 30 tuổi, ông tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm của trường Quốc học Huế Sau đó cha tôi làm giáo viên tiểu học Đông Ba (Huế) được vài năm. Nhưng rồi ông vẫn bị “duyên nghề” với hội họa cuốn hút vì từ hồi 10 tuổi ông đã vẽ tranh dân gian cho bà nội tôi mang ra chợ Tết bán. Vào lúc “tam thập nhi lập”, đã yên bề nghề nghiệp, vợ con, ông vẫn quyết định thôi dậy học và thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa đầu tiên 1925-1930. Ông là thí sinh đỗ vào trường duy nhất của toàn Trung Kỳ.

Cha thường mua cho tôi những quyển “sách hồng” (Livres roses). Ông dạy tôi làm thơ tứ tuyệt, Cha gieo vần cho những từ cuối của câu đầu, câu hai, câu bốn là “xuân”, “vần”, “nhân”. Đến nay tôi vẫn còn nhớ câu cuối bài thơ tôi làm:

“Hỡi ai là mặc khách, tao nhân”.

Hay nghe cha ngâm thơ nên tôi viết “mặc khách, tao nhân” nhưng cũng không hiểu hết nghĩa. Mỗi buổi tối sáng trăng, cha dậy tôi tập đặt câu bằng tiếng Pháp đến tận khuya. Cha không bằng lòng với tính sợ ma, sợ bóng tối của tôi. Ông để chiếc ghế ra sau vườn cây rậm rạp. Đến khuya cha bảo tôi mang ghế vào. Đi qua khu vườn tối om, tôi run lên, trống ngực đập thình thịch. Nhưng tôi không dám cãi lời cha. Dần dà như vậy tôi không còn sợ bóng tối nữa. Cha dậy chúng tôi học thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ như “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Trăm năm bia đá thì mòn, trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Cha kể chuyện chúng tôi nghe:

- Ngày xưa có người học trò nghèo đi thi, trưa nghỉ ở quán. Anh ta mơ thấy mình thi đỗ, vào làm quan trong triều với áo mũ cân đai, vinh hoa phú quý. Lúc tỉnh giấc thì chủ quán vừa nấu chín nồi cháo kê. Bởi vậy mới có câu “Giấc mộng hoàng lương”.

Kết thúc câu chuyện, cha nói đời người thật ngắn ngủi, vinh hoa phú quý qua nhanh như giấc mộng kê vàng là vậy đó.

Cha vẽ mười hai người con có hiếu trong truyện Nhị thập tứ hiếu vào từng tờ tranh. Có người con đứng giữa trời mùa đông giá rét, cầu Phật cho măng mọc để có cho mẹ ăn.... Tôi xem tranh suốt đến thuộc tên các nhân vật trong tranh lúc nào không biết. Cha hay kể về ông nội tôi. Năm cha lên 5 tuổi ông nội tôi cầm roi hỏi:

- Có hai mâm cơm. Một mâm đặt trên phản, bát đũa đẹp đẽ sạch sẽ nhưng chỉ có rau dưa. Một mâm đặt dưới đất, bát đũa xấu xí bẩn thỉu nhưng có thịt quay cá rán. Con chọn ngồi mâm nào?

Vì nhớ ông nội tôi vẫn thường dạy “Sống không phải vì miếng ăn” nên cha xin chọn mâm trên. Ông nội tôi rất hài lòng, đem roi cất đi. Qua câu chuyện tôi hiểu cha muốn truyền lại cho chúng tôi những bài học ông nội đã dậy cha.

Nhờ cha dậy thêm tiếng Pháp, tôi đã đọc và hiểu dược chuyện “Những người khốn khổ” của nhà văn Victor Hugo ngay từ lớp Nhất. Tôi vẫn nhớ rất rõ đoạn văn về người mẹ Fantine và con gái nhỏ Cosette. Lần nào đọc đến đoạn Fantine phải bán răng bán tóc để nuôi con, tôi cũng khóc. Cũng nhờ được cha dậy kèm nên một năm sau đó vào Huế thi, tôi đã đỗ đầu trong số 300 thí sinh thi vào trường Nữ học Đồng Khánh và được cấp học bổng toàn phần cho cả cấp học. Nhờ vậy tôi đã theo học được cả 4 năm học. Nhà tôi lúc đó rất nghèo do Đại chiến thế giới thứ 2 đã xẩy ra nên tranh cha tôi vẽ không bán được.

Sau 4 năm học, tôi thi đỗ và có được bằng Thành chung (tức Cấp 2) vào năm 1944…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cha tôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO