Chậm chạp cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long

An Hà 19/09/2022 14:00

Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc. Đây sẽ là động lực giúp các địa phương trong vùng cất cánh.

Tiến độ xây dựng đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện rất chậm chạp.

Tuy nhiên, tới nay ĐBSCL vẫn là điểm trũng về cao tốc so với cả nước. Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết xác định ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải. Theo đó, đến năm 2030 sẽ hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; Hồng Ngự - Trà Vinh. Như vậy đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc.

Chính vì hệ thông cao tốc đường bộ hạn chế, đặc biệt là nối TPHCM với miền Tây, nên tốc độ phát triển của khu vực đã bị hạn chế. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nam bộ giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 12% vào 2018; Đông Nam bộ từ 37% xuống còn 32% năm 2018. Hai khu vực này được xem là đầu tàu kinh tế nhưng lại phát triển chậm hơn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng việc thiếu đường cao tốc cũng khiến cho kinh tế đi chậm lại.

Theo Tiến sĩ Dương Như Hùng - Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, do hạ tầng giao thông vận tải kém phát triển nên doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi. Riêng chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% là mức cao hàng đầu trên thế giới nên doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Trong khi đó, ông Đỗ Văn Kiên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, giao thông chính là nút thắt khiến việc thu hút các nhà đầu tư cực kỳ khó khăn. Cụ thể là khi phải vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng trên quốc lộ, các đường cong, cua trên các công trường, làm gia tăng chi phí lớn cho nhà đầu tư.

Riêng với tỉnh Cà Mau, theo ông Nguyễn Đức Thánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó có cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Cảng Hòn Khoai và cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi.

Chung tâm trạng sốt ruột, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng các dự án hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao. Trong bối cảnh đó, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau khi hoàn thành sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển.

Được biết, tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, có chiều dài 109km, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, khởi công trong nay và hoàn thành năm 2025. Tuyến đi qua 5 địa phương là TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng. Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng 0,6km tuyến chính cao tốc và 9,6km tuyến nối, đạt 100% cho địa phương. Theo kế hoạch, các địa phương đảm bảo đúng tiến độ trong tháng 11 bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Tại ĐBSCL hiện còn một dự án cao tốc khác là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được triển khai. Dự án có chiều dài hơn 188km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng. Hiện Cần Thơ đã bố trí ngân sách 1.061 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến phục vụ nhu cầu vận tải tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm TP Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu dọc biên giới. Tuyến này cũng đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực.

Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166km bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với Đông Nam bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng, các cửa khẩu quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn về đầu tư các tuyến đường cao tốc trong vùng.

Theo ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tuyến cao tốc TPHCM -Trung Lương đã quá tải với trên 50.000 lượt xe/ngày đêm. Trong khi đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư giai đoạn 1 theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chưa có làn dừng khẩn cấp, đồng thời khi dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành nhưng trên tuyến không có các trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu… cũng là vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Khu vực ĐBSCL chiếm hơn 13% diện tích và gần 20% dân số của cả nước, tuy nhiên cả khu vực mới chỉ có được hơn 90km đường cao tốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm chạp cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO