Chậm chạp gói hỗ trợ lãi suất 2%

Ngọc Mai 13/01/2023 07:40

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc này một phần do doanh nghiệp chưa mặn mà và e ngại việc bị thanh tra, kiểm toán.

Doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% không dễ dàng.

Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành Tài chính năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu triển khai nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh và các bộ, ngành bởi đây là biện pháp hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Để gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 2% thực sự tạo động lực giúp DN phục hồi tăng trưởng nhanh, nhất là khi chi phí đầu vào và áp lực lạm phát gia tăng đang đè nặng các DN vừa và nhỏ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nếu có vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, phải báo cáo và chủ động đề xuất ngay để Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Theo các ngân hàng thương mại, năm 2022, dư nợ của nhóm khách hàng thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất ký kết thỏa thuận cho vay giải ngân khoảng 850.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 750.000 khách hàng. Trong số đó có tới 650.000 khách hàng (87%) không đáp ứng được điều kiện; trên 100.000 khách hàng (13%) đáp ứng điều kiện vay thì có 7% khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất, 26% khách hàng chưa phản hồi và 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.

Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình tổng hợp, nhận thấy bản thân DN chưa mặn mà và e ngại rằng, nếu nhận tiền hỗ trợ, sau này bị thanh tra, kiểm toán có thể xảy ra sai sót trong quản lý và sử dụng vốn vay, sẽ rất khó cho DN trong giải trình và vay vốn trong các lần tiếp theo.

Vì rằng, theo quy định, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn nhận được khoản vay hỗ trợ lãi suất phải không có nợ xấu; có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận. Cùng đó, các DN được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, việc đánh giá khả năng phục hồi như thế nào thì vẫn không ràng, hay nói cách khác là khá cảm tính.

Năm 2022, các ngân hàng thương mại lên kế hoạch dành khoảng 800.000 tỷ đồng cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm mới chỉ giải ngân được hơn 78 tỷ đồng. Như vậy là tiến độ cho vay rất chậm.

Vì sao ít doanh nghiệp được vay vốn rẻ?

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) nói: “Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các DN là giảm lãi suất. Nghe gói hỗ trợ lãi suất 2% thì mừng lắm nhưng để tiếp cận được thì xa quá”.

Ông Hưng cũng cho biết, từ khi có thông tin gói hỗ trợ, nhiều thành viên trong hiệp hội đã tìm cách tiếp cận nhưng phía ngân hàng đều từ chối với lý do chung là chưa có quy định cụ thể. Do đó, ở góc độ DN, việc làm rõ quy trình ngân hàng là yêu cầu cấp thiết. Việc triển khai đang chậm có thể ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất của DN vì thời hạn hỗ trợ chỉ 2 năm nên DN càng “khát” vốn rẻ.

Cũng cần nhắc lại, ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện. Tuy nhiên, cũng phải hớn 2 tháng sau cũngchỉ mới có một số ngân hàng công bố triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhất là khối ngân hàng tư nhân.

Trước sự “kêu ca” của DN, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng, ngành ngân hàng đã sẵn sàng cho vay. Các DN có nhu cầu có thể đến ngân hàng để tham vấn thông tin, nếu đúng đối tượng, cần có đơn đề nghị hỗ trợ lãi suất. DN không cần quá lo lắng việc chậm chân vì khoản hỗ trợ lãi suất này được thực hiện dựa trên khoản vay bắt đầu từ đầu năm 2022 cho đến hết năm 2023. Trong trường hợp không áp dụng cho khoản vay cũ, khách hàng cũng có thể vay khoản vay mới được ưu đãi lãi suất.

Tuy nhiên, sự “trấn an” ấy không làm giới DN bớt lo lắng. Ngay cả nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, ngoài việc chờ phê duyệt hạn mức và hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý, ngân hàng còn phải xây dựng quy trình nội bộ riêng, sau đó phải đào tạo, tập huấn cho nhân viên nắm kỹ quy định để tránh làm sai. Vì thế, việc cho vay vốn hỗ trợ 2% mới chậm trễ.

Mà cũng không phải DN nào cũng có thể được vay. Cụ thể là tại một buổi lễ ký kết vay vốn ưu đãi giữa một số chi nhánh của các ngân hàng Sacombank, BIDV và Vietcombank ở TPHCM, có khoảng 102 DN ký biên bản ghi nhớ với 3 ngân hàng này để tiếp cận khoảng hơn 4.900 tỷ đồng vốn ưu đãi. Nhưng cũng chỉ có một số DN “lọt” vào danh sách sẽ tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, nếu DN đăng ký 10 ngành nghề kinh doanh, trong đó có 9 ngành nghề nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ lãi suất thì làm sao để kiểm soát tiền hỗ trợ không đi vào lĩnh vực còn lại của DN đó. Còn phía các ngân hàng cũng không ít “tâm tư” khi triển khai hỗ trợ 2% lãi suất, rằng lấy lại khoản tiền đã chi như thế nào, chưa nói đến thủ tục giấy tờ và quy trình để nhân viên tín dụng thực hiện khi triển khai gói hỗ trợ.

Tuy nhiên, nói như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thì “trách nhiệm của ngân hàng là phải tư vấn cho khách hàng nắm rõ thông tin, nếu không vay được thì cũng phải giải thích cụ thể. Thủ tục nào còn phiền hà thì báo cho chúng tôi để cùng tháo gỡ”.

Nghị định 31/2022 của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 20/5/2022, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay. Khoản vay được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian 1/1/2022 đến 31/12/2023. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (20/5/2022) đến ngày 31/12/2023. Nghị định nêu rõ, ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng. Việc hỗ trợ lãi suất phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.

Gói hỗ trợ lãi suất có quy mô 40.000 tỷ đồng, nằm trong chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt hồi đầu năm với nhiều giải pháp, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực với tổng quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm chạp gói hỗ trợ lãi suất 2%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO