Chấn chỉnh, củng cố VFF

Thanh Hà 28/09/2017 08:35

Những “lùm xùm” với vô vàn lời chỉ trích, đổ trách nhiệm với hàng loạt vấn đề dư luận nêu ra về tình hình nội bộ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong thời gian qua đã khiến tổ chức này lập tức nhận “yêu cầu” phải báo cáo và có đề án củng cố VFF trước thềm Đại hội VIII.


Nhiệm kỳ VII VFF để lại nhiều câu hỏi về sự đoàn kết.

Thời điểm khó khăn

Đây là thời điểm BĐVN bị xem là khủng hoảng nhất, sau thất bại tại SEA Games 29. Việc U22 Việt Nam không qua được vòng bảng SEA Games 29 theo cách bi kịch nhất không chỉ khiến nhiều kế hoạch, dự định bị ảnh hưởng, lần lượt HLV Hữu Thắng từ chức, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức rút lui mà còn kéo theo hệ quả quá nặng nề. Nó tạo thêm những cơ hội đấu đá, tranh giành quyền lực trong lòng bóng đá Việt Nam.

Thất bại của U22 VN là cái cớ không thể tốt hơn để người ta quay sang bắt lỗi, chỉ trích và quy trách nhiệm. Nó đã làm bùng phát đốm lửa “đoàn kết chưa cao” ở thượng tầng VFF và tạo ra một “cuộc chiến giành quyền lực” trước thềm Đại hội VFF khóa VIII. Cùng với đó, một kế hoạch với những lời hô hào đao to, búa lớn yêu cầu “chấn hưng bóng đá” cũng được tung ra đúng thời điểm này. Những đơn kiện hay những chuyện ồn ào được công bố rộng rãi trong thời gian qua đều có mục đích nhằm làm giảm uy tín, thậm chí hạ bệ những đối tượng được nhắm đến. Và bất luận những thông tin được đưa hay có căn cứ hay không thì nó cũng đang khiến thượng tầng VFF bất an.

Thực tế, trong nhiệm kỳ VII cũng không thiếu những chuyện kiện cáo, chỉ trích. Còn nhớ hồi tháng 8-2016, cả trăm cựu danh thủ bóng đá Việt Nam cùng nhau ký vào một lá đơn, gửi lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc chấn chỉnh VFF. Nội dung lá đơn này là tố cáo những sai phạm, nghi ngờ liên quan tới VFF trong thời gian qua. Trong đó có cả việc những lãnh đạo bị cáo buộc nhận hối lộ, các giải bóng đá ngày càng ít CĐV, 4 CLB chung 1 ông chủ… Đình đám nhất có lẽ là vụ ông Nguyễn Văn Chương- nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, nguyên Phó phòng bóng đá phong trào VFF - tố cáo 2 quan chức đứng đầu VFF nhận hối lộ từ năm 2015. Sau quãng thời gian ồn ào cùng sự vào cuộc của cơ quan điều tra, C45 kết luận là không có căn cứ, không có việc phạm tội.

Dù không đạt được mục đích cao nhất nhưng ông Chương sau đó vẫn đưa được VFF ra toà. Lần này không phải là chuyện kiện quan chức VFF nhận hối lộ mà là tranh chấp lao động. Ông Chương kiện VFF với lý do chấm dứt hợp đồng lao động sai luật. Cuối cùng, qua phiên toà phúc thẩm, TAND thành phố Hà Nội kết luận VFF đã cho ông Nguyễn Văn Chương thôi việc theo đúng quy định pháp luật lao động.

Tuy nhiên, xét thấy ông Nguyễn Văn Chương đã từng kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Công đoàn VFF khóa V nên yêu cầu hỗ trợ ông Chương 9 tháng tiền lương. Dù kết thúc vụ kiện, VFF giành được phần thắng, nhưng với việc kéo dài vụ việc cũng như thông tin qua lại từ dư luận giữa các bên, uy tín của các lãnh đạo VFF phần nào bị ảnh hưởng, nhất là khi sự việc đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và gây ra sự hoang mang nhất định.

Đừng phủi sạch những việc làm được

Trong quá khứ, cũng đã nhiều lần bóng đá Việt Nam đứng trước những yêu cầu đòi tổ chức những hội nghị “Diên Hồng”; “Đổi mới”... để “cứu” bóng đá nước nhà và nó thường diễn ra trước những lần “thay máu” ở VFF. Ở lần này khi sắp Đại hội nhiệm kỳ VIII thì một cụm từ mỹ miều “chấn hưng” lại được tung ra cũng chung mục đích đó. Những vụ việc được lợi dụng từ phát ngôn của HLV Hữu Thắng và cả giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede vô tình bị trở thành công cụ để một số cá nhân lợi dụng công kích VFF. Nhiều người đã nhận ra rằng đằng sau đó là cả kế hoạch lẫn động cơ không chắc đã vì chấn hưng bóng đá.

Thực tế trong nhiệm kỳ VII của VFF từ năm (2014-2018) bóng đá Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định đặc biệt là bóng đá trẻ. Cụ thể, lần đầu tiên tất cả các đội tuyển cấp độ trẻ quốc gia, từ U16, U19 cho đến U23 đều giành quyền tham dự vòng chung kết châu Á; đội tuyển giành HCĐ tại AFF Cup 2014 sau 4 năm không có thành tích tại đấu trường này. Ở cấp độ U22 cũng lần đầu tiên sau 6 năm gặt hái được thành tích tại SEA Games với tấm HCĐ; đội Olympic xuất sắc lọt vào vòng tứ kết trên cương vị nhất bảng tại Đại hội thể thao châu Á Incheon; đội tuyển Futsal quốc gia đi vào lịch sử với tấm vé tham dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2016. Bên cạnh đó, U20 lọt vào VCK U20 World Cup. Hay bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 29... và mới đây nhất, VFF đã được AFF trao giải LĐBĐ xuất sắc nhất năm 2017 của khu vực Đông Nam Á. Nhiều người tin rằng, nếu không có cú ngã đau ở SEA Games 29 thì những danh hiệu được nhận vừa qua của VFF sẽ được người hâm mộ đón nhận một cách tích cực hơn.

Báo cáo đề án củng cố VFF

Sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, chất lượng V-League chưa cao cùng những luồng dư luận cho rằng, nội bộ VFF thiếu đoàn kết trong thời gian qua nên Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo ngành phải khẩn trương ổn định, kiện toàn bộ máy thượng tầng VFF. Theo lịch đã định, hôm nay 28-9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các thành viên của Bộ và Tổng cục TDTT sẽ có cuộc báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình của VFF. Buổi làm việc này là theo công văn chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 18-9 vừa qua.

Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ VHTTDL chuẩn bị đề án củng cố LĐBĐ Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2017. Trong công văn hỏa tốc gửi Bộ VHTTDL ngày 18-9-2017 có nội dung “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Bộ VHTTDL chuẩn bị đề án củng cố Liên đoàn BĐVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2017”. Yêu cầu chấn chỉnh VFF là cần thiết nhưng chắc chắn Chính phủ và Bộ VHTTDL không thể can thiệp quá sâu bởi nếu làm điều đó chắc chắn sẽ vi phạm quy định của FIFA. Cụ thể, Điều 17 Luật FIFA quy định “Nếu bất cứ LĐBĐ nước nào để Chính phủ can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ sẽ bị cấm tham gia các sự kiện thể thao quốc tế và bị cắt mọi nguồn hỗ trợ về tài chính từ FIFA”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh, củng cố VFF

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO