Chặn dịch để Tết bình yên

Nam Việt 16/01/2021 06:30

Chiều 14/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết về việc đưa công dân về nước trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương cũng như các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết về nước nhằm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh cũng như năng lực cách ly trong nước.

Đã có 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

“Tôi xin nhắc lại là những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết”- bà Hằng nhấn mạnh và cho biết, trong suốt thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Việc đưa công dân về nước phải phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra trên thế giới, ở trong nước và năng lực cách ly trong nước.

Trước tình hình chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện và lây lan nhanh ở một số nước trên thế giới, ngày 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản ban hành yêu cầu hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam cho đến Tết Nguyên đán. Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải thông báo, thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Được biết, hiện có rất nhiều người Việt Nam đăng ký về nước từ nay đến Tết Nguyên đán. Đó cũng là điều bình thường vì cái Tết đối với người Việt Nam là rất quan trọng. Đây là thời điểm đoàn viên, được về quê, về nhà gặp gỡ người thân và hưởng một cái Tết ấm cúng. Đó là truyền thống trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam ta.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc “về quê ăn Tết” lại được đặt ra, do tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, cho dù vaccine ngừa Covid-19 đã chính thức được tiêm chủng trên diện rộng, nhưng số người mắc SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tăng cao; số người tử vong do Covid-19 cũng chưa có dấu hiệu giảm.

Gần với Việt Nam ta hơn, là châu Á và Đông Nam Á, thì tình hình dịch bệnh cũng căng thẳng. Tại Trung Quốc, tỉnh Hà Bắc, chính quyền đã phải áp dụng khẩn cấp những biện pháp phòng chống lây lan dịch (để không xuất hiện một đợt lây nhiễm mới trên diện rộng). Đã có thêm 1 người tử vong do Covid-19 sau 8 tháng Trung Quốc không có ca tử vong. Tại Nhật Bản, Thủ tướng nước này đã phải ban hành lệnh giới hạn chặt chẽ với Thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Hầu hết các địa phương đã tăng số giờ giãn cách, giảm các hoạt động từ chiều tối hôm trước cho tới sáng hôm sau. Tình hình này được cho là sẽ áp dụng tới đầu tháng 2, nếu như không có những diễn biến xấu phát sinh.

Tới thời điểm này, tại châu Á, Ấn Độ và Indonesia vẫn đang rất căng thẳng vì Covid-19. Nhiều hạn chế đã được đưa ra, đòi hỏi người dân cũng như các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm ngặt.

Với Thái Lan, nước láng giềng với Việt Nam, chính quyền đã phải ban bố “tình trạng đỏ” với 28 địa phương, trong đó có thủ đô Bangkok.

Việt Nam ta với những chủ trương, biện pháp đúng đắn, quyết liệt tới thời điểm này đã hạn chế được ở mức thấp nhất các ca lây nhiễm SARS-CoV-2 cũng như số ca tử vong do Covid-19. Chặn dịch từ bên ngoài,dập dịch từ bên trong là chủ trương nhất quán được áp dụng suốt từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Về việc “chặn dịch từ bên ngoài”, trên toàn tuyến biên giới Bộ đội Biên phòng cũng như các địa phương, các cơ quan chức năng đã lập nhiều lán trại dã chiến, khu cách ly tập trung. Kể cả các đường mòn, lối mở ẩn khuất trong núi rừng cũng được khép chặt. Thực tế thì chúng ta dã dựng được một lá chắn vững chắc trên toàn tuyến biên giới.

Các loại hình vận chuyển khách khác, như đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy, thì việc triệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng được tăng cường.

Khi có bất cứ ca nghi nhiễm Covid-19 nào thì lập tức tiến khành khoanh vùng, điều tra, truy vết, xét nghiệm và cách ly tập trung. Đây là biện pháp cực kỳ cần thiết và đã cho thấy hiệu quả rất cao.

Trở lại với việc công dân từ nước ngoài về đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, nếu như đường hàng không có điều kiện để kiểm soát chặt chẽ, kể cả người đáp xuống sân bay thì cũng ngay lập tức được xét nghiệm, cách ly theo đúng quy định, trình tự y tế. Nhưng, cũng rất cần lưu ý đến những người về nước bằng đường bộ, có nghĩa là nhập cảnh (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) qua biên giới. Có thể nêu dẫn chứng tại tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh Cao Bằng, chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây đã tiếp nhận, thu dung khoảng 2.000 công dân trở về từ Trung Quốc, gây ra tình trạng quá tải cho các khu cách ly trên địa bàn. Trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi ngày Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tiếp nhận, bắt giữ khoảng 80-100 công dân nhập cảnh trái phép, cá biệt có những ngày lên tới gần 220 người. So với các tháng giữa năm, con số này đã tăng hàng chục lần. Trong đó phần lớn là trái phép qua các đường mòn, lối mở.

Thực tế đó cho thấy càng gần Tết thì lại càng phải siết chặt kiểm soát, kiên quyết không để lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trong nước. Để cho gần 100 triệu người Việt Nam được đón một cái Tết an lành sau suốt cả năm ròng chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn dịch để Tết bình yên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO