Chặn điện thoại 'giải cứu'

Thế Tuấn 23/09/2022 06:43

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký ban hành công văn về tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chở hàng hóa quá tải trọng, quá kích thước, tự ý cải tạo phương tiện... Đáng lưu ý, công văn nhấn mạnh: Nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Đây là động thái quyết liệt chấn chỉnh tình trạng can thiệp nhằm “giải cứu” những trường hợp vi phạm Luật Giao thông; gây rối việc xử lý của lực lượng chức năng và cũng là hành vi tiếp tay cho sai phạm, trái pháp luật.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Cần Thơ mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã xảy ra tình trạng không ít người lợi dụng chức vụ, quen biết can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm Luật Giao thông, có khi chỉ bằng một cú điện thoại. Cảnh người vi phạm trên đường bị giữ lại chờ xử lý đã rút điện thoại “cầu cứu” ai đó không ít. Và nhiều trường hợp đã “thoát nạn”.

Trước Cần Thơ, còn có thể kể đến trường hợp tỉnh cà Mau. Đó là ngày 21/2 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã có công văn về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức can thiệp dưới mọi hình thức làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng, dẫn đến hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ. Phương châm xử lý vi phạm là “không nể nang, không có vùng cấm”.

Tai nạn giao thông do vi phạm các quy định về an toàn giao thông (đặc biệt là đường bộ) ở nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng. Con số thương vong là rất lớn, trong đó có không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc cướp đi sinh mạng hàng chục người. Vấn nạn lái xe uống rượu bia, kể cả sử dụng ma túy vẫn diễn ra đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không xuể. Phải chăng cũng là do có sự “can thiệp” của ai đó?

Xin được nhắc lại: Khoản 4, Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về nghĩa vụ của công chức: "Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước". Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật giao thông tức là không chấp hành pháp luật, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, còn phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, Nhà nước. Việc Cảnh sát giao thông khi xử lý hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ đối với cán bộ công chức, viên chức còn phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định, đây không phải là quyền của Cảnh sát giao thông mà còn là trách nhiệm của họ.

Từ quy định này cho thấy rất cần thiết phải áp dụng đối với cán bộ công chức viên chức can thiệp nhằm “giải cứu” cho những đối tượng người nhà, quen biết khi họ vi phạm trật tự an toàn giao thông, bị lực lượng chức năng xử lý. Cũng chính vì không có chế tài đối với hành vi này nên việc can thiệp, làm rối mà thực chất là hành vi tiêu cực vẫn diễn ra, càng làm cho tai nạn giao thông diễn biến phức tạp.

Cán bộ công chức, viên chức, nhất là với những người có chức có quyền, hoặc vị trí công việc quan trọng lại càng phải nêu gương, càng phải tuân thủ triệt để quy định của pháp luật. Cần nhận thức rằng việc can thiệp, nhờ vả, gây sức ép vào việc xử lý sai phạm của lực lượng chức năng là điều không được làm. Những hành vi ấy (nếu có) cần phải bị lên án. Nếu nặng, còn cần phải được cơ quan chủ quản đưa ra mức kỷ luật thích đáng.

Cũng thật đáng tiếc là khi lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý sai phạm thì đa số người vi phạm đều né tránh việc khai chính xác nghề nghiệp, nơi làm việc của mình trong biên bản vi phạm hành chính. Lại càng giấu kín việc ai can thiệp để tác động “bỏ qua” hành vi vi phạm. Do đó, Cảnh sát giao thông cũng khó có thể tiến hành xử lý những bước tiếp theo. Phải chăng đây cũng là lỗ hổng để hành vi can thiệp, kể cả vi phạm Luật Giao thông vẫn diễn ra?

Trở lại công văn của UBND TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau về việc chấn chỉnh tình trạng can thiệp nhằm “giải cứu” những trường hợp vi phạm Luật Giao thông; gây rối việc xử lý của lực lượng chức năng - là rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Chỉ có như vậy mới chặn được những cú điện thoại “giải cứu” vô lối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn điện thoại 'giải cứu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO