Chặn đứng lãng phí

Bắc Phong 01/06/2023 06:16

Hôm nay, ngày 1/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Nếu như công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực suốt thời gian qua được mọi tầng lớp trong xã hội đánh giá rất cao, với nhiều vụ trọng án, đại án bị phanh phui, xử lý nghiêm khắc thì việc lãng phí lại vẫn là vấn đề bức xúc khi mà tình hình chuyển biến còn chậm.

Hơn nửa năm trước, ngày 31/10/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành một ngày làm việc tại hội trường để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đại diện tiếng nói của cử tri và nhân dân, các ĐBQH đã góp ý, thảo luận thẳng thắn, sâu sắc, các nội dung vấn đề. Nhiều ĐBQH cho rằng từ việc thực thi chính sách "đầu voi, đuôi chuột", không quy rõ trách nhiệm cũng như áp chế tài xử lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí. Cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân.

Riêng về quy hoạch “treo”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) rất bức xúc khi cho rằng những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân. Đây là những lãng phí vô cùng lớn. Không chỉ lãng phí về nguồn lực đất đai mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Ông Thông đề nghị kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan. Chỉ có như vậy mới giảm được lãng phí trong vấn đề đất đai, quy hoạch.

Về việc chuyển đổi đất lúa sang làm khu công nghiệp cũng cho thấy sự lãng phí rất lớn. Nhiều nơi do nôn nóng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã dùng đất "bờ xôi, ruộng mật" để triển khai các dự án công nghiệp, dịch vụ, du lịch nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng, từ đó ngẫm thật thấm thía câu nói của người xưa để lại là "hết gạo chạy rông"...

Còn với ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn), chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau nếu không có các chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và phát huy tối đa tài sản, nguồn nhân lực để phát triển đất nước.

Tình trạng lãng phí kéo dài ai cũng thấy, vì vậy đòi hỏi phải có những quyết định mạnh mẽ, giống như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị mới có thể xử lý dứt điểm. Đặc biệt cần phải chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân nào, của tổ chức nào.

Trước khi khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 11/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, cơ quan thẩm tra ghi nhận công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có chuyển biến. Tuy nhiên, cần đánh giá, phân tích mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức và kết quả thực hiện. Đáng chú ý, bà Chinh nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy; còn diễn ra tình trạng lãng phí ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công còn lãng phí…

Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định lãng phí cũng như tham nhũng, gây hại rất lớn khi phung phí nguồn lực của đất nước. Đáng chú ý, thời gian qua nhiều đại án về tham nhũng đã bị xét xử, nhưng lãng phí thì không. Với những dự án chậm trễ gây ra lãng phí tiền bạc, lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội. Cơ hội khi đã đi qua thì không bao giờ có thể lấy lại được. Nhưng không nhiều người nhận thức được điều này khi cố tình né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận vấn đề này. Cử tri, nhân dân cùng hy vọng Quốc hội sẽ tìm ra được liều thuốc đặc hiệu chấn chỉnh nạn lãng phí khi xác định lãng phí gây họa cho dân cho nước cũng như tham nhũng. “Thuốc đắng dã tật”, điều đó đã được ông cha ta đúc rút từ lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đứng lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO