Chặn thú chơi phá rừng

Nguyên Khánh 19/01/2021 10:30

Vài năm trở lại đây, nhất là dịp cận Tết đã rộ lên thú chơi cây cảnh cổ thụ được khai thác từ rừng. Ban đầu, đây chỉ là trào lưu nhỏ lẻ của một bộ phận người đam mê cây cảnh, nhưng dần dần nó đã lan rộng trở thành “cơn lốc” triệt hạ, tàn phá cây rừng.

Để thỏa mãn thú chơi của độc và lạ của các đại gia, nhiều cánh rừng ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên bị đào bới, khai thác trái phép, gây tác hại đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học nhằm phục vụ thị hiếu sưu tầm các loại cây rừng có dáng và hoa đẹp, quý hiếm nằm trong danh mục sắp bị tuyệt chủng

Ngoài việc chơi cây cảnh cổ thụ, hiện nay, có nhiều đại gia còn đam mê thú chơi đồ mỹ nghệ bằng gốc cây rừng quý hiếm. Những gốc cây to, sần sùi, tua tủa rễ, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ chạm khắc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, lập tức hóa thành bộ bàn ghế sang trọng, được chạm trổ tinh xảo có giá hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Thế nên, vô hình trung cây rừng cứ thế bị triệt hạ không thương tiếc.

Có thể nói, từ nhiều năm qua, phong trào chơi cây cảnh được khai thác từ cây rừng tự nhiên diễn ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước. Nắm bắt thị hiếu này, nhiều người đã lên các cánh rừng ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên tìm kiếm, đào bới các loài cây có nguồn gốc tự nhiên như lộc vừng, thiên tuế, bông trang, sim, ngũ sắc, đỗ quyên, thông tre, lan rừng... về bán. Đặc biệt, có cầu ắt có cung, những ngày giáp Tết số lượng cây rừng bị tàn phá vận chuyển về thành phố ngày càng nhiều.

Cụ thể, cách đây chưa lâu, Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện 2 đối tượng đi trên ôtô chở 235 kg hoa phong lan đựng trong 8 bao tải lớn. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, 2 đối tượng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số phong lan trên.

Tại tỉnh Tuyên Quang, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện Đặng Quý Vinh (ngụ xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa) vận chuyển 40 kg phong lan. Toàn bộ số phong lan này, Vinh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật.

Không chỉ là hoa phong lan, đào rừng, còn nhớ hồi đầu năm 2018, vụ việc 3 cây khủng như “quái thú” được vận chuyển nghênh ngang dọc Quốc lộ 1 gây bức xúc dư luận, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phải có văn bản gửi chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý cây cảnh, cây bóng mát và cây cổ thụ…

Những cây này, nhìn bề ngoài chỉ là những gốc cây tưởng không là vấn đề gì to tát, nhưng chỉ vì sở thích của một số người nào đó là tìm mua một số loại cây cảnh cổ thụ về trồng thì lập tức có người vào rừng để ‘lùng’ loại cây này, và rồi, họ tàn phá rừng một cách không thương tiếc. Theo đó, nhiều cánh rừng đã bị cày nát đầy các hố sâu do khai thác cây cảnh. Điều đáng nói là để lấy được một cây cảnh cổ thụ to cỡ hai người ôm, người ta phải triệt hạ hàng trăm cây khác chung quanh. Kiểu phá rừng tìm cổ thụ còn đáng sợ hơn lâm tặc phá rừng lấy gỗ.

Điều đáng nói là các hành vi chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng đã có quy định nghiêm cấm trong Luật Bảo vệ rừng thế nhưng vì sao những hành vi này chưa bị chặn đứng? Đó là do nhận thức của một bộ phận người dân tự huyễn hoặc rằng đây là một thú chơi tao nhã, là yêu thiên nhiên theo kiểu: Mình thích thì mình mua chơi, lại giúp cho đồng bào trên ấy có tiền tiêu tết. Hay mình cũng chỉ chơi một nhành lan, một cành đào, sao có thể suy diễn thành chặt phá rừng! Nhưng ai cũng suy nghĩ đơn giản như vậy mà rừng bị tàn phá lúc nào không hay kéo theo hạn hán lũ lụt và nhiều hệ lụy khác chính chúng ta đang phải gánh chịu.

Tại Hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm cấm việc chặt cây rừng, đào rừng tự nhiên mang về xuôi bán. “Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc, mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay, tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm” - Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.

Việc phá rừng chỉ để đáp ứng “thú chơi” của một số người rất cần phải phê phán. Muốn giải quyết tận gốc tình trạng này, ngoài việc mỗi người cần nâng cao ý thức văn hóa, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ rừng. Bởi lẽ, các cành đào, các cây cảnh cổ thụ sẽ không thể ra khỏi rừng, nếu có biện pháp kiên quyết để ngăn chặn kịp thời, tại chỗ. Theo đó cần sự vào cuộc của nhiều cấp chính quyền chứ không chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm hay quản lý thị trường được. Hy vọng trước yêu cầu của Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt để chặn đứng hành vi chặt phá, vận chuyển, buôn bán cây rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thú chơi phá rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO