Chặn trục lợi từ dịch bệnh

Miên Thảo 22/02/2022 06:49

Tối ngày 18/2,, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Hoàng Văn Đức- Giám đốc và Hà Thúc Nhật- Kế toán trưởng CDC Thừa Thiên - Huế; bắt tạm giam về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222, Bộ luật Hình sự 2017.

Như vậy, tính tới thời điểm này đã có 5 Giám đốc CDC các tỉnh bị bắt tạm giam, liên quan tới việc thông đồng với Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Đó là: Phạm Duy Tuyến- Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương (bị bắt tạm giam ngày 19/12/2021); Nguyễn Văn Định- Giám đốc CDC Nghệ An và Nguyễn Thành Danh- Giám đốc CDC Bình Dương (cùng bị khởi tố vào ngày 31/12/2021); Lâm Văn Tuấn- Giám đốc CDC Bắc Giang (bị bắt tạm giam ngày 21/1/2021); Hoàng Văn Đức- Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế (bị bắt tạm giam ngày 18/2/2022).

Trở lại vụ án, ngày 19/12/2021, sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt - người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á); bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy, ông Tuyến chính là Giám đốc CDC đầu tiên bị bắt liên quan đến vụ bắt tay với Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, “hưởng hoa hồng” gần 30 tỉ đồng.

Được biết, trong vụ này Công ty Việt Á đã “cung cấp” kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC, các cơ sở y tế 62/63 tỉnh thành toàn quốc, với doanh số gần 4.000 tỉ đồng.

Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, dư luận đã đặt vấn đề về CDC các tỉnh và hầu hết các vị giám đốc đều nhanh chóng phủ nhận và cam đoan không thông đồng với Công ty Việt Á để trục lợi. Có vị giám đốc cho đến trước ngày bị bắt vẫn lớn tiếng khẳng định “không cầm một đồng nào của Công ty Việt Á”.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, như đã nói ở trên, đã có 5 Giám đốc CDC bị khởi tố, bắt giam phục vụ công tác điều tra và chờ ngày hầu tòa. Diễn biến vụ việc cũng cho thấy, vụ án vẫn tiếp tục được mở rộng. Cũng cần nói thêm rằng, cùng bị bắt với lãnh đạo Công ty Việt Á, một số Giám đốc CDC và thuộc cấp liên quan còn có Nguyễn Minh Tuấn- nguyên Vụ trưởng vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đây là một vụ án có sự bắt tay, thông đồng nhằm trục lợi trên phạm vi rộng, trong đó có sự “góp mặt” của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở y tế địa phương và doanh nghiệp. “Liên minh ma quỷ” này đã trục lợi số tiền lớn khi nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 lên gấp nhiều lần, được coi là hành vi “móc túi” người dân một cách trắng trợn.

Trong lúc cuộc chiến chống Covid-19 hết sức căng thẳng và cam go, mọi ưu tiên đều dành cho y tế để bảo vệ sức khỏe người dân, dập dịch, khôi phục sản xuất thì việc một số cá nhân thông đồng trục lợi là không thể chấp nhận. Số tiền trục lợi từ dịch bệnh của những cá nhân nay chỉ qua vụ Công ty Việt Á thôi cũng đã cho thấy là rất lớn. Người dân thực hiện xét nghiệm đã phải trả tiền một cách vô lý cho hành vi ấy. Chỉ cần xem số tiền “lại quả” của Công ty Việt Á cho Giám đốc CDC Hải Dương cũng đủ thấy rõ: Thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng, số tiền phần trăm ngoài hợp đồng là gần 30 tỉ đồng.

Thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực trong ngành y tế đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ, xử lý bước đầu. Với riêng vụ Việt Á, động thái mới nhất (bắt tạm giam Giám đốc CDC Thừa Thiên-Huế) cho thấy pháp luật rất nghiêm minh, không một khuất tất nào bị bỏ qua, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Điều đó cũng thêm một lời cảnh báo nghiêm khắc với tất cả những kẻ tà tâm, thông đồng trục lợi bất chính. Người xưa nói: Lưới trời lồng lồng, thưa mà khó lọt và điều đó đã và đang tiếp tục được chứng minh trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn trục lợi từ dịch bệnh