Chặn xăng giả: Không chỉ vì nguồn thu mà còn vì an toàn

M.Loan 29/11/2019 19:02

Làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng xăng giả, xăng kém chất lượng? Làm thế nào để người dân biết cách lựa chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng cho mình?

Chặn xăng giả: Không chỉ vì nguồn thu mà còn vì an toàn

Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP.

Nhân dịp kỉ niệm ngày chống hàng giả, hàng nhái, ngày 29/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” với sự tham dự của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn; ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam PVOIL.

Tác hại khôn lường

Tại tọa đàm, các khách mời đều khẳng định tác hại khôn lường của xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng. Vẽ lên bức tranh về việc buôn bán xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng, ông Trần Hữu Linh cho biết: Trong những năm qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với những mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến tương đối phức tạp, và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và nó gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu.

Cụ thể tháng 10/2017, chúng ta đã phát hiện vụ pha chế và tiệu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn Nghệ An. Gần đây nhất, năm 2019, công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và E5 bán ra thị trường.

Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho nhà nước.

Trước tình trạng này, “từ đầu năm 2018 trở lại đây, lĩnh vực quản lý thị trường nói chung đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu, khoảng 5.000 vụ việc và và xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng. Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến là một số địa phương khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực Trung bộ và lác đác một số tỉnh khu vục phía Bắc. Qua công tác kiểm tra trong 2 năm qua, chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm điển hình như sau: Thứ nhất, bán xăng dầu ngoài hệ thống. Thứ hai, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là sơ bộ về bức tranh chung về buôn lậu xăng dầu trong thời gian qua”, ông Linh cho hay.

Nhưng nói thì nói, quản lý việc buôn bán xăng xầu cũng không hề dễ dàng, người chịu trách nhiệm quản lý thị trường của Bộ Công Thương cho rằng, khó là do lĩnh vực xăng dầu chịu sự quản lý của nhiều nhiều đơn vị nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp.

Chính vì vậy, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn được việc nhập lậu. Bên cạnh đó, do chưa có nguồn tin tốt, chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào trong nội địa. Riêng về công tác kiểm tra chất lượng, hiện nay cũng có nhiều đơn vị chịu trách nhiệm tuy nhiên do hạn chế về cơ ở vật chất, nguồn thông tin, quy chế cách thức phối hợp với nhau cho nên đối khi chúng ta không phát hiện kịp thời các vi phạm về chất lượng xăng dầu”, ông Linh nói.

Tìm giải pháp xử lý

Từ góc độ nhà sản xuất, ông Bùi Minh Tiến bày tỏ lo lắng: Tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi. Điều này ảnh hướng đến nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Chúng tôi nghĩ về lâu dài, khách hàng sẽ là những người lựa chọn sản phẩm một cách thông minh thì hàng giả, hàng gian về lâu dài sẽ bị đào thải.Và các nhà sản xuất, các nhà cung ứng các sản phẩm có chất lượng sẽ tồn tại lâu dài.

Chúng tôi là nhà sản xuất, chúng tôi luôn cam kết đưa ra thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, về quy chuẩn. Đồng thời, chúng tôi có hệ thống thí nghiệm cũng như các kỹ sư để đảm bảo các lô hàng xuất ra khỏi nhà máy luôn được kiểm tra đảm bảo đúng theo các công bố, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, ông Tiến nói.

Phân tích căn nguyên, ông Nguyễn Anh Toàn cho rằng, đó là do quản lý hệ thống; trông đó sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối, của cả quản lý chất lượng.

Về phần PVOIL, ông Toàn khẳng định: “Chúng tôi luôn cam kết với tiêu chí xăng dầu đủ tiêu chuẩn mới lưu thông. Việc của chúng tôi là chứa trong kho của mình, xuất ra cho khách hàng, vận chuyển đến tận địa điểm bán hàng là khách hàng kiểm tra, kiểm soát.Chúng tôi có những quy trình rất chặt chẽ như lưu kho, lấy mẫu, kiểm tra, niêm phong và bàn giao, và chúng tôi luôn kiểm tra trước khi cấp hàng.Tại các cửa hàng, chúng tôi khuyến cáo các đại lý phải thường xuyên kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đầy đủ để nếu có rủi ro gì xảy ra thì xác định được trách nhiệm. Nói chung, đối với những doanh nghiệp uy tín trên thị trường thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể tin tưởng chất lượng xăng dầu tại các cây xăng có treo biển doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là mặt hàng rất nhạy cảm nên tôi cũng đề nghị người tiêu dùng nên lưu ý hơn các thương hiệu trong quá trình mua hàng.

Từ góc độ công tác quản lý, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định: Xăng dầu nhập khẩu chính ngạch và đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các cơ sở sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu thì xăng dầu đó đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn tình trạng xăng dầu kém chất lượng, thậm chí là xăng dầu giả do tình trạng gian lận trong kinh doanh và pha chế trái phép diễn ra trên thị trường.

Cái khó là, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục khi mà phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật.Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.

“Nhưng trong khi chờ điều chỉnh, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì và thường xuyên hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu”, ông Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn xăng giả: Không chỉ vì nguồn thu mà còn vì an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO