Châu Á - Thái Bình dương: Gập ghềnh con đường tăng trưởng

Thanh Đức 18/01/2023 07:05

Khu vực châu Á - Thái Bình dương (APAC) dù được kỳ vọng là một cực tăng trưởng nhưng cũng không hẳn đã dễ dàng trong năm 2023. Công bố mới đây của Công ty phân tích Moody’s (thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s) cho rằng năm 2023, kinh tế APAC phục hồi nhưng không đồng đều và vẫn “gập ghềnh”.

Xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình dương được dự báo khả quan trong năm 2023.

Các chuyên gia của APAC cho rằng, về tổng thể năm 2023 khu vực này sẽ tránh được suy thoái, mức tăng trưởng dự báo từ 3,2% trong năm 2022 lên 3,5% vào năm 2023. Khu vực APAC bao gồm: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hồng Công), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Guinea, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nga, Peru.

Dân số chiếm 59% dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc dân các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình dương là 14.469 tỷ USD, chiếm 57% GDP toàn cầu.

Với những con số ấn tượng như vậy, APAC luôn được coi là “niềm trông chờ” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các định chế tài chính quốc tế cho rằng APAC sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 do phải đối mặt với những thách thức toàn cầu. Đặc biệt, các nền kinh tế xuất khẩu của khu vực phải đối mặt với nhu cầu ít hơn từ châu Âu và Mỹ do khả năng suy thoái vào năm 2023.

Tuy nhiên, theo Moody’s, nửa đầu năm 2023 kinh tế khu vực APAC tăng trưởng chậm nhưng nửa sau của năm sẽ “bứt phá” khi Covid-19 thực sự chấm dứt và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân bước vào giai đoạn tăng tốc. Theo Moody’s, kinh tế Trung Quốc năm 2023 có thể sẽ tăng trưởng 4,5% so với năm 2022.

Trong khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhu cầu trong nước tăng vững chắc. Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã thúc đẩy các ngành cung cấp dịch vụ và đầu tư kinh doanh. Mặc dù giá cả tăng cao và lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình. Với sự giảm bớt lạm phát gần đây và sự tăng giá của đồng Won, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất cơ bản, giúp tiêu dùng mạnh hơn ngay trong quý 1/2023.

Với Nhật Bản, Moody’s kỳ vọng sẽ đạt mức “tăng trưởng vừa phải” vào năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại và sự thiếu hụt nguồn cung sẽ thách thức triển vọng. Nhu cầu nội địa Nhật Bản đang tăng lên, nhưng GDP vẫn ở dưới mức đỉnh trước đại dịch, nên sự phục hồi còn tiếp tục. “Nhu cầu bị dồn nén, việc nới lỏng các hạn chế trong thời kỳ đại dịch và việc nối lại hoạt động du lịch quốc tế sẽ giúp Nhật Bản tránh được suy thoái kinh tế trong gang tấc” - nhận xét của Moody’s.

Cho tới tháng 4/2023, nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản của ông Haruhiko Kuroda sẽ kết thúc, nên có nhiều suy đoán về một chính sách xoay trục bởi người kế nhiệm. Nhưng dẫu thế thì nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn được cho là tăng trưởng khả quan trong năm nay.

Trong khi đó, dự báo nền kinh tế Singapore năm 2023 lại không mấy sáng sủa, do sự phụ thuộc vào ngoại thương trong khi tăng trưởng toàn cầu suy giảm sẽ gây khó cho hàng hóa xuất khẩu của đảo quốc sư tử.

Với Singapore, lạm phát sẽ vẫn là một rủi ro trong năm 2023 dù đã qua khỏi mức đỉnh, đặc biệt là giá cả hàng hóa nhập khẩu. Giá thực phẩm tươi sống dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do điều kiện thời tiết khó lường, trong khi Singapore gần như nhập tất cả thực phẩm tươi sống do có rất ít nguồn cung trong nước. Nhiều khả năng, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore tăng cường chính sách thắt chặt ngay trong tháng 2/2022.

Các nước còn lại của khu vực APAC như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... cùng nhận được những dự báo tăng trưởng “rụt rè” trong năm 2023.

Vậy, còn nền kinh tế đầu tàu là Mỹ thì sao?

Suốt cả năm 2022, người Mỹ bi quan về kinh tế khi lạm phát tăng cao, lo ngại về suy thoái lan rộng và lãi suất tăng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2022, việc làm phục hồi, lạm phát kéo giảm mạnh đã khiến người dân hy vọng rằng năm 2023 có thể sẽ mang đến những thay đổi.

Giới chuyên gia kinh tế dự báo rằng Mỹ có thể sẽ xảy ra suy thoái nhẹ vào năm 2023. Nhưng thời gian suy thoái có thể tương đối ngắn và mức độ không quá nghiêm trọng. Nhìn tổng thể thì những khó khăn không “làm khó” được nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, dự báo lạm phát cũng sẽ giảm bớt khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tác động và tiếp tục lan rộng khắp nền kinh tế. Lạm phát đã bắt đầu chậm lại: Vào tháng 12/2022, lạm phát dưới 7%, tuy rằng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và tiền thuê nhà vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Với mức giảm lạm phát như hiện nay của Mỹ, các dự báo cho rằng năm 2023 sẽ ở mức 3,6%, “có thể chấp nhận được”.

Tiến sĩ Kathy Bostjancic - nhà kinh tế trưởng tại Nationwide dự báo một cuộc “suy thoái vừa phải” đối với nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra vào khoảng giữa năm nay và lạm phát sẽ giảm xuống 2,8% vào cuối năm 2023. Trong khi đó, các quan chức FED cho biết họ đang hướng tới mục tiêu “hạ cánh mềm”, tức là tăng lãi suất và nền kinh tế chậm lại vừa đủ để giảm lạm phát nhưng không làm xảy ra suy thoái. Bà Erica Groshen - cố vấn kinh tế cấp cao tại Đại học Cornell, tin rằng “hạ cánh mềm” hoặc suy thoái vừa phải là hai kết quả dễ xảy ra nhất với nền kinh tế Mỹ năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á - Thái Bình dương: Gập ghềnh con đường tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO