Châu Á chờ hậu Covid

N.Mai 25/07/2021 08:42

Do ảnh hưởng sâu rộng của Covid-19, năm 2020, kinh tế châu Á gặp rất nhiều khó khăn, không đồng đều giữa các quốc gia và giữa các lĩnh vực.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã đưa ra 3 khuyến nghị giúp châu Á phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Theo bà Victoria Kwakwa, đầu tiên khu vực châu Á nên mở rộng hợp tác để sản xuất và triển khai vaccine trong bối cảnh cần nguồn cung cấp vaccine lớn hơn. Một số quốc gia đang xem xét việc mở rộng năng lực sản xuất vaccine. Khi các quốc gia tăng cường hợp tác sẽ giúp nguồn cung vaccine dồi dào, đồng thời việc hợp tác này có thể mở rộng đến các nguồn cung cấp thiết yếu khác như thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm...

Với mục đích là nhanh chóng dập được dịch trên quy mô rộng. Quyết tâm nỗ lực chấm dứt đại dịch càng nhân rộng thì toàn bộ khu vực có thể mở cửa trở lại càng nhanh chóng.

Thứ hai, theo bà Kwakwa, các quốc gia châu Á cần chung tay hợp tác phục hồi kinh tế. Kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu hoành hành thì nghèo đói đã gia tăng ở châu lục cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đáng chú ý, dù rằng các chính phủ đã tăng cường các gói hỗ trợ, kích thích tài khóa nhưng những nỗ lực này dường như chưa đạt được hiệu quả khi các nền kinh tế tiếp tục phải vật lộn để đối phó với những đợt lây nhiễm mới.

Để có thể đạt được tiến độ hồi phục như mong muốn, ngay khi dịch Covid-19 lắng xuống, các quốc gia có thể xem xét mở lại ngành du lịch, kết hợp với các yêu cầu về tiêm chủng và xét nghiệm để hồi sinh ngành du lịch và khách sạn. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của châu Á sẽ phụ thuộc một phần vào sự hồi sinh của các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

“Việc kết hợp giữa khu vực tư nhân và nhà nước sẽ cải thiện kết nối khu vực, hậu cần để giảm chi phí chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả kinh tế” - theo bà Kwakwa.

Thứ ba, bà Kwakwa cho rằng, châu Á cần đẩy mạnh hội nhập khu vực sâu sắc hơn. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, việc hội nhập chặt chẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu đã làm giảm tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế Đông Á trong đại dịch.

Nếu các quốc gia có thể cùng nhau hợp tác cung cấp, phân phối vaccine và các vật tư y tế quan trọng khác, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế, các chính sách hội nhập sâu rộng trong khu vực, thì niềm tin quốc tế từng mất đi do đại dịch có thể được khôi phục.

“Cuộc sống sẽ an toàn hơn và sinh kế sẽ được đảm bảo. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể duy trì vị trí xứng đáng của mình như một trong những khu vực năng động, sáng tạo và kết nối nhất thế giới” - bà Kwakwa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều quốc gia Nam Á, Đông Nam Á vẫn chìm sâu trong đại dịch Covid-19. Sau Ấn Độ, Indonesia trở thành “tâm điểm dịch của thế giới”. Dịch Covid-19 càn quét hầu như khắp nơi trên đất nước này. Số người mắc SARS-CoV-2 gia tăng từng ngày và số ca tử vong cũng ở mức khủng khiếp. Giới quan sát cho rằng, tại châu Á, Indonesia là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của Covid-19, vì thế sự hồi phục kinh tế cũng sẽ hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, châu Á vẫn còn những “ngọn cờ” dẫn đường trong việc hồi phục kinh tế sau đại dịch. Trước hết là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng tới 8,1% trong năm 2021. Kế đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Người Nhật đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm với thế giới khi tổ chức Olympic và Paralympic, bất chấp bóng ma Covid-19 vẫn lởn vởn. Nền kinh tế Nhật bản cũng được dự báo tăng trưởng khá, ở mức từ 2% đến hơn 4% trong năm nay. Với Hàn Quốc, bằng việc “chung sống với Covid-19”, nền kinh tế cũng có nhiều điểm sáng đầy hứa hẹn.

Tóm lại, châu Á đang chờ đến thời kỳ “hậu Covid”, tuy nhiên sự hồi phục và phát triển của mỗi quốc gia sẽ không đồng đều. Nói như vị đại diện WB thì “chúng ta còn nhiều việc phải làm, mà trước hết hãy phối hợp chặt chẽ để đương đầu thành công với Covid-19”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á chờ hậu Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO