Châu Á được và mất

Thế Tuấn 02/02/2021 17:32

Khép lại năm 2020 đầy sóng gió, tờ Japan Times đã đưa ra nhìn nhận về những gì được và mất tại châu Á trong suốt một năm qua.

12 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên được xác định ở Trung Quốc và sau đó lây lan ra toàn thế giới, lấy đi mạng sống của hơn 1,6 triệu người thì người ta vẫn hy vọng vào năm 2021 tốt đẹp hơn.

Trên tờ Japan Times, Giám đốc công ty tư vấn RiverPeak Curtis S.Chin cùng nhà phân tích và tư vấn dự án khu vực Đông Nam Á của công ty RiverPeak Jose B.Collazo đã chỉ ra những được và mất tại châu Á trong năm 2020, được cho là một năm “rất đặc biệt”.

Đầu tiên, các tác giả cho rằng cũng như ở rất nhiều nơi khác, những người nghèo và dễ bị tổn thương ở châu Á là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Các tác giả dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Á đã phải hứng chịu cùng lúc 3 cú sốc: đại dịch, tác động kinh tế do phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, và cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo đó.

Trong bối cảnh ngành du lịch lao dốc và xuất khẩu bị suy yếu, nạn đói đã gia tăng, khả năng tiếp cận việc làm, công nghệ và giáo dục cũng bị thu hẹp. Theo WB, Covid-19 có thể đã đẩy thêm 160 triệu người trên khắp châu Á rơi vào cảnh đói nghèo. Đây là lần đầu tiên số người gia nhập đội ngũ người nghèo tại châu Á cao nhất, kể từ năm 2000.

Trong khi đó, điểm sáng được coi là “rực rỡ” cũng đã lóe lên trong màn đêm của dịch bệnh. Không chỉ đối với Amazon của Mỹ mà một loạt các “gã khổng lồ” thương mại điện tử của châu Á cũng nhận thấy năm 2020 là một năm thực sự tốt đẹp.

Thương mại điện tử ở châu Á đã phát triển tốt trước khi dịch Covid-19 bùng phát. GoJek của Indonesia và Grab của Singapore từ lâu đã thiết lập những nền tảng thanh toán kỹ thuật số vận hành trơn tru. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng khích lệ mạnh mẽ hơn tốc độ phổ biến hóa thương mại điện tử khi các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng đặc biệt ưu tiên sử dụng hình thức mua bán trực tuyến.

Các “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Trung Quốc là Alibaba và JD.com đã đạt mức doanh thu kỷ lục 15 tỷ USD chỉ trong một ngày. Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company dự đoán thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ vượt qua mức 100 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 38 tỷ USD hồi năm 2019. Đây là tin tốt trên toàn châu Á đối với các nền tảng thương mại điện tử như Tokopedia, Taobao, Shopee, Shopify, Lazada, Bukalapak và Sendo.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2020 đối với thị trường lao động châu Á - Thái Bình dương là một năm đầy khó khăn. Thông cáo báo chí ngày 15/12/2020 của ILO cho biết, mức sụt giảm thời giờ làm việc bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập ở châu Á và Thái Bình Dương. Theo đó, khoảng 81 triệu người mất việc làm trong năm 2020. Nhìn chung, ước tính thời giờ làm việc ở khu vực này đã giảm 15,2% trong quý 2 và 10,7% trong quý 3 năm 2020 so với mức trước khủng hoảng.

Tổn thất về thời giờ làm việc cũng bị ảnh hưởng bởi hàng triệu người rời bỏ lực lượng lao động hay rơi vào tình trạng thất nghiệp khi không tạo được việc làm mới. Theo bà Chihoko Asada Miyakawa - Phó Tổng Giám đốc ILO kiêm Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động của khu vực, và không nhiều chính phủ trong khu vực có khả năng sẵn sàng giải quyết. Diện bao phủ an sinh xã hội thấp và năng lực thể chế hạn chế của nhiều quốc gia khiến cho họ khó có khả năng giúp doanh nghiệp và người lao động đứng vững trên đôi chân của mình, tình hình này trở nên phức tạp hơn khi còn quá nhiều người lao động hiện vẫn làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Những điểm yếu tồn tại từ thời kỳ tiền khủng hoảng này đã khiến quá nhiều người phải gánh chịu nỗi đau do mất an ninh kinh tế khi đại dịch bùng phát và gây nên tổn thất về thời giờ làm việc và việc làm”.

Theo bà Sara Elder - chuyên gia Kinh tế cao cấp thuộc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả chính của báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội châu Á - Thái Bình Dương 2020: Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm”, thì trong cuộc khủng hoảng, phụ nữ và thanh niên châu Á - Thái Bình dương bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tỷ trọng thanh niên trong toàn bộ số việc làm mất đi cao hơn trong tổng số việc làm 3 đến 18 lần. Và điều đó phải mất đến hàng năm trời để người trẻ và phụ nữ khắc phục được.

Trước mắt cũng như về lâu về dài, cần khôi phục việc làm và tăng thu nhập trong đó phải lấy con người làm trung tâm - theo bà Elder.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á được và mất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO