Châu Á lại căng thẳng vì Covid-19

Hà Anh 06/04/2021 06:30

Sau hơn 1 năm đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều nước châu Á đã đạt được những thành công nhất định trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn  một số nước vẫn đang phải đối mặt với những làn sóng mới, khiến cuộc chiến lại trở nên cam go.

Người dân Ấn Độ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: ANI.

Làn sóng mới và phong tỏa

Bắt đầu từ ngày 5/4, bang Maharashtra ở Tây Nam Ấn Độ áp dụng các lệnh giới nghiêm và phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng liên tục tại bang này.

Theo đó, chính quyền bang Maharashtra áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm từ 20h hôm trước tới 7h sáng hôm sau. Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa toàn diện cũng sẽ được thực thi trong 2 ngày cuối tuần trên toàn bang.

Bang Maharashtra vẫn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất vì dịch Covid-19. Ngày 3/4, bang này ghi nhận hơn 49.400 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, con số cao nhất trong 24h kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trước đó, ngày 4/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc họp trực tuyến với Thủ hiến các bang để bàn các biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại ở nước này. Tại cuộc họp, ông Modi nhấn mạnh, cần phải thực hiện nghiêm chiến lược gồm 5 bước gồm xét nghiệm, truy vết, điều trị, đảm bảo giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống phù hợp và tiêm chủng. Đây là biện pháp duy nhất để cắt đứt chuỗi lây nhiễm hiện tại.

Cùng với đó, Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày vượt ngưỡng 500 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp.

Trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể rải rác trên quy mô toàn quốc trong những ngày gần đây, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đang kêu gọi người dân cùng hợp tác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/4 ở thủ đô Seoul, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok-chul đưa ra cảnh báo rằng số ca nhiễm hàng ngày có khả năng sẽ tái vượt ngưỡng 1.000 ca đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường giữa việc đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng và liệu có phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 hay không khi các ổ lây nhiễm tập thể đang tăng nhanh tại các cơ sở khác nhau”.

Trong những ngày tới, cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ việc tuân thủ quy tắc phòng dịch tăng cường ở một số doanh nghiệp và công sở. Bắt đầu từ ngày 4/4, các quy tắc phòng dịch tăng cường sẽ chính thức có hiệu lực trên toàn quốc.

Đông Nam Á diễn biến phức tạp

Tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan vẫn diễn biến phức tạp khi tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới cũng như các ca tử vong do Covid-19.

Ngày 4/4, Philippines ghi nhận thêm 11.028 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên là 795.051 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên 13.425 ca.

Cùng ngày, thị trưởng Manila Francisco Domagoso cũng đã được tiêm vaccine Covid-19 sau khi chính phủ cho phép tiêm chủng cho các thị trưởng và thống đốc tại vùng đô thị Manila và những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao. Vùng đô thị Manila và 4 vùng phụ cận hiện vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt thêm 1 tuần do số ca mắc mới vẫn tăng.

Cũng trong ngày 4/4, Thái Lan ghi nhận thêm 96 ca mắc mới, hầu hết là các ca lây nhiễm trong nước. Cụ thể, theo Trung tâm Giám sát đại dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA), trong số các ca mắc mới có 87 ca lây nhiễm trong nước, với 35 ca ghi nhận tại thủ đô Bangkok, 13 ca ở tỉnh Samut Sakhon, 9 ca ở tỉnh Samut Prakan và 7 ca ở Chonburi.

Đáng chú ý, giới chức Thái Lan phát hiện tại một ổ dịch tại nhà tù ở tỉnh Narathiwat có tổng cộng 112 ca nhiễm được ghi nhận. Nhà tù Narathiwat có hơn 2.300 tù nhân và giới chức lo ngại vẫn còn người mắc bệnh trong số các tù nhân chưa được xét nghiệm. Các xét nghiệm tới nay cho thấy hầu hết các ca bệnh đều không có triệu chứng.

Giới chức đã cho thiết lập một bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân và gửi thông báo khẩn tới Bộ Nội vụ Thái Lan về tình hình. Hiện nhà tù tạm cấm người tới thăm trong một tháng từ ngày 5/4.

Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 6.731 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên là 1.534.255. Trong khi đó, tổng số ca tử vong cũng tăng lên 41.669 ca, cao hơn 427 ca so với một ngày trước đó. Dịch đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, mặc dù công tác tiêm chủng đang được triển khai rất khẩn trương tại Indonesia song nước này vẫn chưa sử dụng thuật ngữ “hộ chiếu vaccine”.

Một trong những lý do mà Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno đưa ra là do việc phân phối và tiêm chủng vaccine trong nước vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, quốc gia này được cho là đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong do đại dịch.

Theo nhà quan sát quan hệ quốc tế Hikmahanto Juwana của Indonesia, dù có đồng ý với thuật ngữ “hộ chiếu vaccine” hay không thì Chính phủ Indonesia cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng cho các công dân Indonesia ra nước ngoài, kể cả trong các vấn đề thờ cúng như đi hành hương.

Mục tiêu của COVAX

Ngày 4/4, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung vaccine, cũng như hạn chế về khả năng tiếp cận đang gây cản trở các nỗ lực tiêm chủng ngừa Covid-19 trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) hi vọng số quốc gia được triển khai vaccine ngừa Covid-19 sẽ tăng từ 84 hiện nay lên hơn 100 trong vài tuần tới.

Ông Seth Berkley, Giám đốc Điều hành của Liên minh Gavi, một đối tác trong cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu cho biết, một trong những mục tiêu lớn nhất hiện nay là có thể tiếp cận được với các cơ sở sản xuất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu vaccine Covid-19 ở những nước nghèo.

Trong khi Mỹ và một số nước phát triển đã sẵn sàng để cung cấp vaccine cho những người trưởng thành trong thời gian sắp tới, thì hàng chục quốc gia nghèo nhất vẫn chưa thể tiêm chủng cho người dân, trong đó có phần lớn các quốc gia châu Phi.

COVAX, chương trình tiêm chủng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử đã đặt hàng hơn 2 tỷ mũi tiêm. Tuy nhiên, hầu hết sẽ chỉ có thể được đáp ứng vào cuối năm nay. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, một trong những lý do của sự chậm trễ này là sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine giữa các nước phát triển và đang phát triển hay sâu xa hơn chính là “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á lại căng thẳng vì Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO