Châu Á vật vã với Covid-19

Thế Tuấn 02/08/2020 08:00

Tới nay, dịch bệnh Covid-19 đã không chừa bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên Trái đất. Châu Á, nơi tập trung đông dân nhất cũng không ngoại lệ. Cuộc chiến với Covid-19 ở châu lục này là cuộc chiến gian nan nhưng “mang theo nhiều hy vọng”- nói như truyền thông Âu - Mỹ. Tuy nhiên, tại 3 quốc gia tiêu biểu (đứng trên một số phương diện nhất định) là Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc thì tại thời điểm này cuộc chiến vẫn rất cam go.

Kiểm tra y tế tại Ấn Độ (Nguồn: Bloomberg)
Kiểm tra y tế tại Ấn Độ. (Nguồn: Bloomberg).

1. Ngày 28/7, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận số ca Covid-19 kỷ lục với hơn 17.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người nhiễm virus corona lên hơn 500.000 người. Cũng trong 24 giờ của cái ngày khốc liệt ấy, có tới 385 người dân Ấn Độ chết vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở nước này lên 15.685 người- theo hãng tin AFP.

Trong khi đó, theo Reuteus, số ca nhiễm được dự đoán sẽ còn tăng đều ở Ấn Độ. Hãng tin này dẫn lời bác sĩ Manoj Murhekar, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Ấn Độ, rằng: Chúng ta nên tập trung vào việc ngăn chặn thêm người chết và không nên sa lầy vào những con số. Các con số này sẽ tiếp tục tăng lên”. Thật đáng ngại khi theo giới Y tế Ấn Độ, quốc gia này vẫn chưa tới đỉnh dịch, ít nhất là trong nửa đầu tháng 8. Nhóm nghiên cứu dịch Covid-19 do GS Bhramar Mukherjee của ĐH Michigan dẫn đầu, dự đoán Ấn Độ con số 2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Ấn Độ là “có thể trong thời gian ngắn”.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng tại các thành phố lớn, trong đó có cả thủ đô New Delhi, đã đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải. New Delhi có khoảng 20 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 13.200 giường cho bệnh nhân Covid-19. Chính quyền thành phố đã phải gấp rút xây dựng những bệnh viện dã chiến để có thêm 20.000 giường bệnh, nhưng con số này cũng không phải là quá nhiều khi mà thủ đô Ấn Độ đã ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm.

Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt từ ngày 25/3, tuy nhiên sau đó buộc phải dần dần nới lỏng vì những thiệt hại kinh tế quá lớn.

Tình hình có vẻ sáng lên khi mới đây khi Thủ tướng Modi phát biểu trên sóng phát thanh quốc gia rằng tỉ lệ hồi phục Covid-19 của Ấn Độ tốt hơn các quốc gia khác, tuy nhiên mối đe dọa của đại dịch vẫn còn đó. “Chúng ta cần phải cảnh giác. Chúng ta phải nhớ rằng virus Corona vẫn nguy hiểm như lúc ban đầu” - ông lưu ý.

Nhắc lại, Ấn Độ đã phong tỏa cả nước từ ngày 25/3 khi ghi nhận 519 ca mắc Covid-19 và 10 ca tử vong. Tuy nhiên, động thái này dẫn tới tình thế khó khăn khi hàng nghìn người lao động phổ thông phải rời đi trong tình trạng không việc làm hoặc thực phẩm. Nhiều người đã đi bộ đường dài để trở về nhà ở các tiểu bang xa xôi.

Đường phố Tokyo (Nhật Bản) mùa CovidẢnh: AFP.
Đường phố Tokyo (Nhật Bản) mùa Covid Ảnh: AFP.

2. Nếu như Ấn Độ với số dân quá lớn (hơn 1,3 tỉ người), hệ thống y tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn thì việc chống chọi với Covid-19 cũng khó khăn- được xem là điều dễ hiểu; thì với quốc gia giàu có, nền kinh tế thứ ba thế giới là Nhật Bản- nơi tuổi thọ trung bình của người dân cao nhất thế giới - thì cũng đang phải vật lộn với con virus chết người này.

Trong ngày 28/7, Y tế nước này ghi nhậnsố ca mắc Covid-19 mới đã tăng cao nhất từ trước tới nay, với 981 trường hợp. Số ca Covid-19 mới tại Tokyo quay trở lại mức trên 266 người (tăng gấp đôi só với ngày trước đó, 131 ca); trong khi các tỉnh Osaka, Aichi đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, lần lượt là 155 và 110 tường hợp. Thủ đô Tokyo đã được coi là tâm dịch của Nhật Bản. Theo Mainichi, tổng số ca Covid-19 ở Tokyo đã lên tới mức 11.861 ca, với khoảng một nửa trong số này được ghi nhận trong tháng 7. Chính quyền Tokyo đã nâng mức cảnh báo đại dịch lên mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp, điều này có nghĩa là “lây nhiễm đang lan rộng”.

Trước đó chính quyền Osaka đã yêu cầu người dân không tụ tập ăn uống quá 5 người ít nhất cho tới ngày 20/8. Con số thống kê cho thấy 30% số ca nhiễm mới tại địa phương này có nguồn gốc từ các khu phố đêm. Trong khi đó, chính quyền Aichi đánh giá tình hình dịch tại địa phương là “rất nghiêm trọng” và kêu gọi người dân tự kiềm chế tránh các hoạt động không quá khẩn thiết.

Tại một cuộc họp trực tuyến khẩn bao gồm thống đốc 6 đô thị lớn, trong đó có Yokohama và Kyoto, Bộ trưởng phục hồi kinh tế Nishimura cho rằng chính quyền các địa phương cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với các cơ sở giải trí về đêm. Một số thị trưởng cho rằng đã đến lúc phải thực hiện các biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp không hợp tác với chính quyền.

Chính phủ Nhật Bản cho rằng chưa phù hợp để tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại nhưng cho biết sẽ thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất để cho phép chính quyền địa phương thực hiện các bước nghiêm ngặt hơn chống dịch bùng phát.

Tuy nhiên, mặc dù hệ thống y tế của Nhật Bản rất tiên tiến, nhưng cũng gặp khó khăn khi số bệnh nhên Covid-19 nhập viện tiế tục gia tăng. Tại Tokyo, tính đến ngày 27/7, có ới 1.260 người phải nhập viện, tăng gấp 5 lần so với thời điểm đầu tháng 7/2020. Giới chức thành phố cho biết, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh Covi-19 nhanh hơn bao giờ hết trong tháng 7, chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân trên toàn Nhật Bản.

Điều đáng lo ngại là đối tượng lây nhiễm tập trung ở người trẻ tuổi, người ở độ tuổi từ 20 - 30 chiếm tới 60%. Thị trưởng Tokyo đã kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà trong trường hợp không cần thiết. Thực tế thì trên các đường phố hay ga tàu điện ngầm tại Tokyo, khá thưa người và ai nấy đều đeo khẩu trang.

Tại một trạm kiểm dịch cộng đồng ở Đại Liên, Trung Quốc.

3. Ngày 29/7, Trung Quốc có thêm 101 ca nhiễm Covid-19, con số cao nhất kể từ ngày 13/4 (với 108 trường hợp, chủ yếu là ca bệnh “nhập khẩu”). Trong số các ca nhiễm mới, 98 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu ở khu vực Tân Cương. Một ổ dịch phát hiện đầu tháng 7 ở khu vực này đã kéo theo các biện pháp hạn chế và xét nghiệm hàng loạt.

Trung Quốc, quốc gia đầu tiên phát hiện Covid-19 (tại thành phố Vũ Hán) được cho là đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh thông qua việc phong tỏa, hạn chế di chuyển và xét nghiệm. Tuy nhiên, tại thời điểm này diễn biến của dịch bệnh cho thấy là rất phức tạp, không chỉ đối với các ổ dịch lẻ tẻ xuất hiện trở lại.

Tình hình căng thẳng nhất tới thời điểm này là thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, buộc nhà chức trách Trung Quốc phải tập trung xử lý ổ dịch tại một nhà máy chế biến thực phẩm khi mà công nhân ở đó tiếp xúc với bao bì có virus đựng hải sản nhập khẩu. Trong số 52 trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận tại thành phố Đại Liên chỉ trong vòng 1 tuần thì có tới có 30 nhân viên tại nhà máy thực phẩm kể trên.

Lập tức, hơn 3 triệu người ở Đại Liên đã được xét nghiệm, trong mục tiêu đầu tháng 8 này sẽ xét nghiệm được cho 6 triệu người. Zhao Lian- người đứng đầu Ủy ban Y tế của thành phố này cho biết từ ngày 29/7 các địa điểm công cộng - bao gồm thư viện, phòng tập thể dục, quán bar, bảo tàng, nhà hàng và spa - sẽ bị đóng cửa. Còn trong ngày 28/7, trong chuyến đi kiểm tra ở Đại Liên, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường giám sát hàng hóa nhập khẩu, cũng như bất kỳ người nào rời khỏi Đại Liên-Tân Hoa xã đưa tin. “Nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát vẫn còn gian nan, và không được sơ suất”- bà Tôn nói.

Trên thục tế, “ổ dịch Đại Liên” đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Mới đây, chính quyền tỉnh Phúc Kiến thông báo thành phố Phúc Châu sẽ bắt đầu “chế độ thời chiến”, sau khi phát hiện một ca nhiễm không triệu chứng đến từ Đại Liên. Bắc Kinh cũng ghi nhận một ca nhiễm không triệu chứng từng đi qua Đại Liên. Đây là ca nhiễm nội địa đầu tiên được phát hiện tại thủ đô Trung Quốc sau khi đợt lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối được kiểm soát vào đầu tháng 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á vật vã với Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO