Châu Á, vùng đất ‘chịu thử thách’

BẢO THƯ 10/07/2022 07:08

Từ những gì đã và đang diễn ra, các nhà dự báo thời tiết cảnh báo lượng mưa kỷ lục và nguy cơ thiên tai cao ở nhiều quốc gia châu Á vào mùa hè này.

Sơ tán người dân bị lũ lụt ở Panitan (Capiz, Philippines) trong bão Megi, tháng 4/2022. Ảnh: AFP.

Hôm 2/7, Trung Quốc đã đón cơn bão đầu tiên trong năm nay mang tên Chaba. Bão Chaba di chuyển theo hướng Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/giờ sau khi đổ bộ tỉnh Quảng Đông, gây mưa to và gió lớn tại các khu vực bờ biển phía Nam.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc Gao Shuanzhu cho biết, dù chỉ là cường độ trung bình nhưng bão Chaba vẫn gây ra lượng mưa kỷ lục, làm lở đất, ngập úng, lũ lụt ở nhiều tỉnh phía nam, trong đó có Quảng Đông.

Quảng Đông là 1 trong 7 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận lượng mưa cao hiếm thấy và lở đất nghiêm trọng. Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, lượng mưa trung bình ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 đạt 621mm, cao nhất kể từ năm 1961.

Như vậy là kể từ đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã hứng chịu nhiều trận mưa, với cảnh báo sẽ xuất hiện những trận lũ lịch sử.

Trong khi đó, tại Ấn Độ và Bangladesh, ít nhất 116 người thiệt mạng vì lũ lụt, sét đánh và lở đất kể từ khi mưa lớn bắt đầu trút xuống trong tháng 6. Hàng trăm ngàn người đã được sơ tán nhưng hoạt động cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thiên tai làm ngập đường sá, phá hỏng hệ thống điện và liên lạc.

Riêng ở Ấn Độ, giới chức bang Assam cho biết, lũ lụt hoành hành tại toàn bộ 33 huyện của bang này và khiến ít nhất 73 người thiệt mạng. Bang lân cận Assam là Meghalaya cũng chứng kiến các trận mưa lớn chưa từng có trong nhiều năm qua, làm ít nhất 5 người thiệt mạng và khiến nước láng giềng Bangladesh bị ảnh hưởng.

Ông Tarekul Islam - Viện Quản lý nguồn nước và lũ lụt thuộc Trường Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh) cho biết, mưa lớn đã làm nước sông Brahmaputra và các con sông khác tràn bờ, hơn 4 triệu người mất nhà cửa, trong đó có 1,6 triệu trẻ em.

Vì sao mùa hè năm nay châu Á lại xuất hiện nhiều trận mưa lớn?

Đó là câu hỏi rất khó mà bất cứ lời giải thích nào cũng không làm thỏa mãn người dân cũng như giới khoa học. Khu vực Nam Á và Đông Nam Á là khu vực có mưa nhiều nhất trên thế giới, do hầu hết giáp biển, đón nhiều gió biển, dễ mưa. Các vùng phía Nam của dãy Himalaya do độ cao và hướng của các dãy núi tạo nên những sườn đón gió Tây Nam và Đông Nam nên các vùng này có lượng mưa rất lớn, đặc biệt là vùng Đông Bắc, lượng mưa lên tới 11000 mm/năm.

Nhưng đó là điều đã diễn ra từ hàng triệu năm nay, do cấu tạo địa lý. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng chứng kiến những đợt mưa rất lớn và kéo dài ở khu vực Nam Á. Điều này được cho rằng đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu gây ra hình thái thời tiết cực đoan.

Thực tế thì từ đầu mùa hè tới nay, nhiều vùng của châu Á không chỉ có mưa to mà còn có những đợt nắng nóng dữ dội kéo dài, với nền nhiệt lên tới hơn 40 độ C, có nơi ở Pakisstan trong ngày nóng đỉnh điểm còn lên tới 51 độ C.

Như vậy, châu Á đang được coi là vùng đất “chịu thử thách” của biến đổi khí hậu, khi vừa chịu nắng nóng vừa chịu mưa lũ.

Giới khoa học khí hậu cho rằng, từ nay cho tới tháng 9, rất có thể châu Á còn phải trải qua những đợt nắng nóng cũng như những đợt mưa kéo dài, những trận bão cường độ mạnh. Vì rằng, với châu Á, nhiều quốc gia từ giữa tháng 7 cho tới giữa tháng 8 mới là đỉnh của mùa hè cũng như mùa mưa bão.

Marine Lee - nhà khí tượng học Philipppines đưa ra cảnh báo, trong sự biến khí hậu đổi chung của toàn cầu, thì châu Á - nhất là khu vực Nam Á “cần chuẩn bị cho mình tinh thần đương đầu với thiên tai. Trong 10 năm trở lại đây, khí hậu khu vực này ngày càng cực đoan, thất thường.

Điều đó thấy rõ nhất là vào thời điểm 6 tháng đầu năm nay khi đầu tháng 5 bất chợt lại có những ngày mát mẻ như đầu mùa Đông. Nhưng chỉ nửa tháng sau đó, nắng đã như đổ lửa. Điều đó cho thấy có sự xung đột rất lớn về khi hậu ở khu vực này”.

Cũng vào thời điểm nhiều quốc gia châu Á mưa lớn xối xả do bão Chaba thì một cơn bão khác đã gây mưa giông lớn ở khắp miền Nam vùng Caribbean, đổ bộ vào Trung Mỹ. Nó đã gây ra lượng mưa từ 75-125 mm trên khắp miền Bắc Colombia, 125-250 mm ở Nicaragua và Costa Rica, lũ quét xuất hiện, hàng trăm ngàn người dân đã phải bỏ cửa nhà di dời lên vùng đất cao để tránh nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á, vùng đất ‘chịu thử thách’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO