Châu Âu đối mặt nguy cơ dịch bùng phát trở lại

Khánh Duy 27/06/2020 05:52

Châu Âu hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát số ca nhiễm mới Covid-19, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng dịch vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp châu Mỹ.

Châu Âu có nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Châu Âu có nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Trước đó, trong một cảnh báo đưa ra ngày 25/6, WHO nói rằng hệ thống y tế ở một số nước châu Âu có nguy cơ bị quá tải, tuy nhiên giới chức các nước này vẫn tiếp tục gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế vốn được áp dụng để ngăn chặn đà lây lan của virus. Gần đây nhất, Pháp đã mở cửa Tháp Eiffel cho du khách, lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua.

Mặc dù vậy thì khu vực châu Âu có tình hình dịch đỡ nghiêm trọng hơn nếu so với châu Mỹ, nơi mà Brazil và Mỹ ghi nhận tới gần 80.000 ca nhiễm mới trong hôm thứ Tư vừa qua. Trong khi một số bang của nước Mỹ bắt đầu áp dụng lại các lệnh hạn chế, thì ở Brazil, chuyên gia y tế Domingos Alves cảnh báo rằng đất nước ông đang gửi người dân vào “lò mổ” khi mở cửa trở lại quá sớm.

Chính phủ nhiều nước hiện vẫn đang chật vật trong việc cân bằng nhu cầu ngành y tế công trong cuộc chiến chống virus Corona chủng mới - hiện đã lây nhiễm cho gần 10 triệu người và gần 500.000 người chết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là tổ chức mới nhất đưa ra báo cáo về mức độ tổn hại kinh tế do đại dịch gây nên - dự báo rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay, tổn hại 12 nghìn tỷ USD trong vòng 2 năm.

Cho đến khi một chủng vaccine hoặc cách điều trị mới xuất hiện, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng lệnh hạn chế có thể trở thành điều bình thường ở nhiều nước. Một số loại thuốc hiện đã được thử nghiệm và Liên minh châu Âu (EU) cũng rất kỳ vọng vào thuốc Remdesivir - loại thuốc đầu tiên được “bật đèn xanh” ở châu Âu để điều trị Covid-19.

Niềm hân hoan của người dân khi các địa điểm du lịch được mở cửa trở lại đã lập tức bị dập tắt bởi một cảnh báo mới mà WHO đưa ra, rằng virus corona ở châu Âu vẫn chưa bị tiêu diệt. Khoảng 30 quốc gia châu Âu đã chứng kiến mức tăng số ca nhiễm mới trong vòng 2 tuần qua, theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge.

“11 trong số các quốc gia này, sự tăng tốc trong truyền nhiễm đã dẫn tới tình trạng virus trỗi dậy, mà nếu không được kiểm soát ngay có thể đẩy các hệ thống y tế công vào chỗ quá tải một lần nữa”- ông Kluge nói.

WHO thời gian qua đã liên tục hối thúc Chính phủ các nước không quá hấp tấp trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục mở cửa trở lại do nhiều ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 và cần hoạt động trở lại để phục hồi, đặc biệt như ngành hàng không.

Hãng Qantas của Australia mới đây tuyên bố rằng họ sẽ cắt giảm 6.000 nhân viên, trong khi hãng Lufthansa của Đức sắp nhận được khoản tiền cứu trợ 10 tỷ USD sau khi kế hoạch này được EU phê chuẩn.

Chính phủ ở nhiều nước châu Âu cũng ra sức giữ cho các công ty không cắt giảm nhân viên. Trong hôm thứ Năm vừa qua, Tây Ban Nha đã phải kéo dài thời gian thực hiện chương trình cứu trợ doanh nghiệp cho tới hết tháng 9, tức thêm 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Châu Mỹ hiện vẫn là khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất do đại dịch Covid, với tổng số ca tử vong ở Mỹ Latin và vùng Caribbea vượt quá con số 100.000. Số ca nhiễm mới hiện cũng tăng mạnh ở miền Nam và miền Tây của nước Mỹ, trong đó cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo rằng 2 tuần tới sẽ là khoảng thời gian “sống còn”.

Thị trưởng Texas Greg Abbott cho hay bang của ông, một trong những bang muốn mở cửa trở lại nhất, có thể áp dụng trở lại các lệnh hạn chế. “Nếu dịch không được kiểm soát trong vòng vài tuần tới, nó sẽ hoàn toàn vượt tầm kiểm soát, và Texas sẽ chịu tổn thất nặng”- ông Abbott nói.

Trong khi tình hình dịch ở châu Âu và châu Mỹ tiếp tục thu hút sự quan ngại của toàn thế giới, các ổ dịch mới ở châu Á và Trung Đông cũng đang dấy lên hồi chuông báo động.

Số ca tử vong do Covid-19 ở Iran đã vượt mốc 10.000 trong hôm thứ Năm vừa qua, và giới chức nước này đã ghi nhận hơn 100 ca tử vong trong 7 ngày liên tiếp. Quốc gia láng giềng Iraq cũng ghi nhận hơn 100 ca tử vong trong cùng ngày, mức cao kỷ lục. Trung Quốc, nơi dịch bệnh lần đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm ngoái, trong khi đó tuyên bố rằng đã kiểm soát được đợt bùng phát ở Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu đối mặt nguy cơ dịch bùng phát trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO