Châu Âu loay hoay với khí đốt

Hà Anh 29/04/2022 11:06

Nga đã bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, thực hiện lời cảnh báo ngừng giao hàng cho các quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng Rúp.

Châu Âu thiếu hụt khí đốt khi Nga cắt nguồn cung. Ảnh: Getty Images.

Khả năng đối phó

Ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết, họ đã đình chỉ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước này từ chối trả tiền nhập khẩu khí đốt bằng đồng Rúp, thay vì Euro - một phần trong nỗ lực nâng đỡ đồng tiền của Nga khi nền kinh tế của nước này gặp khó khăn trước sức nặng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Động thái này đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây, đồng thời là phản ứng mạnh nhất nhất của Moscow đối với một số vòng trừng phạt của châu Âu kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 2.

Phản ứng gay gắt trước động thái trên của Nga, ngày 27/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, việc đình chỉ này một lần nữa cho thấy Nga sử dụng mặt hàng này như là một công cụ để đe dọa các nước. Bà Leyen cho biết, các nước thành viên EU đã có một cuộc gặp khẩn cấp hôm 27/4 và một số nước đã bắt đầu gửi khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria.

Tuy nhiên, dù châu Âu có khả năng đối phó với 2 trường hợp Ba Lan và Bulgaria nhưng nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp cho các nước EU khác, đặc biệt là Đức và Ý, thì các nước EU sẽ rất khó khăn. Đức và Ý đều cho biết, họ sẽ tiếp tục thanh toán khí đốt bằng đồng Euro hoặc USD.

Hiện EU phụ thuộc vào Nga với khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu.

Các nhà phân tích tại Berenberg dự đoán, châu Âu sẽ có thể tụt dốc trước khi bắt đầu cạn kiệt khí đốt nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung.

Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo EU đã cam kết giảm tiêu thụ khí đốt của Nga xuống 66% trước cuối năm nay và phá vỡ sự phụ thuộc của khối vào dầu khí của Nga vào năm 2027. Khối cũng làm việc với Mỹ để nhập khẩu nhiều hơn nữa lượng khí đốt hóa lỏng, khí tự nhiên (LNG) trong năm nay. Đức đang đẩy nhanh việc xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG và Ý đã ký các thỏa thuận với Ai Cập và Algeria trong tháng này.

Riêng với Ba Lan, mặc dù khí đốt của Nga chiếm khoảng 55% tổng lượng nhập khẩu của Ba Lan vào năm 2020, nhưng nước này đã xây dựng một nhà ga LNG và chuẩn bị mở một đường ống dẫn khí đốt đến Na Uy vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích Kaushal Ramesh và Nikoline Bromander của Rystad Energy khẳng định: “Chiến lược rời xa khí đốt từ Nga của Ba Lan đã được chứng minh”.

Theo số liệu của EU, Bulgaria đang phụ thuộc vào Nga với gần 75% lượng khí đốt nhập khẩu. Nhưng chính phủ nước này cho biết, họ đã thực hiện các bước để tìm nguồn cung cấp thay thế. Một đường ống dẫn khí đốt đến Hy Lạp đang được xây dựng.

"Hiện tại, không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng đối với việc tiêu thụ khí đốt ở Bulgaria" - đại diện Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết trong một tuyên bố.

Ảnh hưởng nặng nề nhất

Tuy nhiên, thiệt hại từ việc cắt nguồn cung khí đốt đột ngột của Nga là sự lo ngại lớn nhất đối với Đức. Theo Bộ Kinh tế nước này, nền kinh tế lớn nhất châu Âu thường nhập khẩu khoảng 55% lượng khí đốt từ Nga.

Mặc dù họ đã cố gắng giảm tỷ trọng nhập khẩu của Nga xuống 40% trong những tuần gần đây, nhưng việc ngừng đột ngột sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp nặng của Đức, vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

Việc cắt đứt nguồn năng lượng chính đột ngột có thể dẫn đến cắt giảm sản lượng và xuất khẩu, đồng thời đe dọa sự tồn tại của nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ của đất nước.

Ngân hàng Trung ương Đức tuần trước cho biết, việc ngừng hoạt động đột ngột sẽ đẩy nền kinh tế nước này vào một cuộc suy thoái sâu. Theo phân tích của các viện kinh tế hàng đầu của nước Đức, khoảng 550.000 việc làm và 6,5% sản lượng kinh tế hàng năm có thể bị mất trong năm nay và năm sau.

Ông Ole Hvalbye, nhà phân tích khí đốt tự nhiên tại ngân hàng Thụy Điển SEB, cho biết: “Nếu chúng tôi mất Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1, Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu) qua biển Baltic vào Đức, đó sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn”.

Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi xướng kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn đầu tiên có thể dẫn đến việc chia khẩu phần khí đốt, trong đó các hộ gia đình và bệnh viện được nhiều nhà sản xuất ưu tiên hơn.

Ông Henning Gloystein - Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Tập đoàn Eurasia, cho biết, dưới sự cắt giảm nguồn cung lớn của Nga, Đức và Ý - những quốc gia phụ thuộc vào Nga với khoảng 41% nhu cầu khí đốt khó có thể tránh được sự thiếu hụt vào mùa đông tới.

Ông Gloystein nói: “Đức và Ý cần cố gắng giảm tiêu thụ khí bằng cách thay thế các lò hơi gia đình bằng các hệ thống thay thế như máy bơm nhiệt nước và yêu cầu các hộ gia đình sử dụng ít khí đốt hơn để sưởi ấm hoặc làm mát”.

Ông này cũng cho biết thêm: Các công ty tiện ích châu Âu sẽ cần phải tham gia vào thị trường khí hóa lỏng LNG và đặt hàng càng nhiều tàu chở dầu càng tốt trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu loay hoay với khí đốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO