Châu Âu mở cửa

Thanh Đức 08/03/2022 08:26

Italy là nước châu Âu bị Covid-19 tấn công dữ dội trong đợt dịch đầu năm 2020. Các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng, kể cả việc huy động quân đội tham gia kiểm soát nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đến nay, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, phải nới lỏng và “mở lại mọi thứ càng nhanh càng tốt”.

Milan (Italy) đang trở lại nhịp sống bình thường. Nguồn: Reuters

Cho dù xung đột Nga - Ukraine đang diễn biến phức tạp thì Chính phủ Italy cũng vẫn quyết định dỡ bỏ nhiều hạn chế chống dịch Covid-19. Kể từ ngày 31/3 người Italy sẽ không còn phải cách ly nếu họ tiếp xúc với bệnh nhân bị mắc Covid-19, trong khi việc đeo khẩu trang sẽ không bị bắt buộc ở các trường học. Nghĩa vụ xuất trình “thẻ xanh” để tham dự các sự kiện ngoài trời cũng được xóa bỏ.

“Tình hình dịch bệnh đang được cải thiện rõ rệt nhờ vào thành công của chiến dịch tiêm chủng” - Thủ tướng Mario Draghi thông báo, cho dù biến thể Omicron vẫn có thể gieo rắc các ca mắc mới trên phạm vi rộng. Vaccine đã ngăn chặn độc lực của Omicron. Truyền thông Italy nói rằng những hoang mang lo sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo không còn nữa.

Andrea Napoli, luật sư, cũng là một trong những bệnh nhân nặng trong đợt dịch Covid đầu tiên vào tháng 3/2020, chia sẻ: “Tôi vẫn sợ hãi khi nhớ về việc mắc Covid-19 và phải nằm trong phòng điều trị tích cực. Vào thời điểm đó, đây là đợt lây nhiễm đầu tiên, các bác sỹ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với đại dịch nghiêm trọng ở cấp độ đó. Nay tình hình đã khác hẳn, chúng ta đủ vũ khí chống lại SARS-CoV-2 cũng như số người phải nằm viện đã giảm xuống với tỉ lệ không cao hơn số người mắc các bệnh cúm khác”.

Sau hai năm, bác sĩ Elisabetta Teti, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết bà và các đồng nghiệp đã có cái nhìn lạc quan hơn. Tiêm vaccine và những phương pháp điều trị mới đã cho bác sỹ và bệnh nhân kết quả tốt hơn. Nhớ lại những tháng gian nan đầu năm 2020, bà Teti nói rằng đó là ác mộng giữa ban ngày. Tiếng hú của còi xe cứu thương rền rĩ trên các đường phố. Trong hành lang bệnh viện, người ta nằm co quắp trong những chiếc băng-ca cứu thương. Nhất là ở các trại dưỡng lão, có cảm giác như người ta chỉ còn biết ngồi đợi dịch đến và không ai nói ra nhưng đều nghĩ rằng chết chóc sẽ hoành hành.

Sau 2 năm, tính đến nay, Italy ghi nhận 150.000 ca tử vong và 12 triệu ca mắc Covid-19. Cũng như các nước châu Âu khác, Italy đang trải qua một mùa Đông lạnh lẽo khi biến thể Omicron lan rất nhanh. Nhưng tới nay, ngành y tế nước này vẫn đứng vững do số người phải nhập viện điều trị “là không đáng kể”. Giới chuyên gia khuyến cáo, biến thể mới vẫn là ẩn số và chúng ta không nên chủ quan. Tuy nhiên cũng không vì thế mà hoảng sợ vì mở cửa mới chính là con đường sống.

“Xã hội đã trì trệ quá lâu. Người dân đã thấm mệt và cũng đã biết tự bảo vệ mình. Vaccine đã phủ khắp và vẫn phát huy tác dụng kể cả với biến thể mới. Điều đó cho phép và cũng là áp lực buộc chúng ta phải mở cửa, phải tiến về phía trước”- Alfed Mondo, cây bút chuyên về y tế ở Italy viết.

Trong khi đó, với phạm vi châu Âu, nới lỏng phòng dịch đang là xu hướng chủ đạo, khi các quy định chống dịch căn cứ trên ca mắc đã không còn được nhiều nước sử dụng. Mở đầu là Đan Mạch, giới y tế khuyến nghị “hãy mở cửa” và ngay lập tức Chính phủ chấp thuận. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan cũng “nối gót” Đan Mạch dần gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch. Nước Anh tuy chậm hơn chút ít nhưng cũng đã công bố kế hoạch gần nhất với cuộc sống bình thường trước Covid-19. Mọi biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ, người dương tính không bắt buộc phải cách ly.

Đó là thời điểm phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố kế hoạch của chính phủ về sống chung với Covid-19, theo đó sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch trong nước ngay từ ngày 24/2. “Chúng ta sẽ chấm dứt yêu cầu cách ly bắt buộc đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc truy vết và không yêu cầu những người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 phải xét nghiệm nếu như họ đã tiêm chủng đầy đủ. Những người tiếp xúc gần cũng không cần phải tự cách ly”- ông Johnson nói.

Tại Anh, hiện giờ các doanh nghiệp và cá nhân sẽ tự quyết định cách tiếp cận phòng dịch, tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người. Ngày1/4 tới, nước Anh cũng hủy bỏ yêu cầu “hộ chiếu vaccine”. Việc xét nghiệm hàng loạt tại trường học cũng sẽ kết thúc từ ngày 1/4.

“Các hạn chế đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, xã hội, sức khỏe tinh thần của chúng ta và cơ hội sống của con cái chúng ta, và chúng ta không cần phải chịu thiệt hại này nữa”- ông Boris Johnson nói và cũng không quên nhắc rằng những người từ 75 tuổi trở lên và những người dễ bị tổn thương cần được tiêm mũi vaccine thứ tư.

Theo ông Hans Kluge - Giám đốc Khu vực châu Âu của WHO: Châu Âu đang có một cơ hội hiếm có để kiểm soát sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Cơ hội đó dựa trên 3 yếu tố gồm mức độ miễn dịch cao do tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên, xu hướng lây lan của virus ít hơn khi thời tiết ấm lên và biến thể Omicron có mức độ nghiêm trọng thấp hơn. Khi bắt đầu đại dịch, Covid-19 gây chết người cao gấp 10 lần so với cúm mùa, nhưng phân tích hiện tại ghi nhận cả hai căn bệnh gây ra tỷ lệ tử vong tương đương nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu mở cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO