Châu Âu vẫn lo Covid-19

Thế Tuấn 14/11/2021 14:57

Vào trung tuần tháng 11/2021, Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, thông báo số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này chạm mức 201/100.000 người, cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu - theo The Wall Street Journal. Tuy nhiên, không chỉ nước Đức mà nhiều quốc gia châu Âu đang “run rẩy” trước làn sóng SARS-CoV-2 mới, khi mà mùa Đông đã đến.

Kể từ nửa cuối tháng 10/2021, số ca mắc Covid-19 trên khắp châu Âu bắt đầu nhích lên, còn tới thời điểm này thì được coi là “tăng vọt”. Giám đốc châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge cảnh báo khu vực này lại đang trở thành tâm dịch của thế giới và sẽ có thêm 500.000 ca tử vong do Covid-19 trước tháng 2/2022 nếu xu hướng này tiếp tục.

Ông Kluge nhận định tốc độ tiêm chủng chậm lại cùng với việc các nước đang gỡ bỏ những biện pháp hạn chế đã khiến làn sóng lây nhiễm thứ 4 bùng phát. Theo AP, chỉ 67% trong 83 triệu dân Đức chủng ngừa đủ 2 mũi, thấp hơn so với Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Các nước Đông Âu cũng mới chỉ chủng ngừa xong cho khoảng hơn 30% dân số.

Theo một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, ở thời điểm nửa cuối của tuần thứ hai tháng 11 này, đã có 13/45 quốc gia châu Âu có số ca bệnh mới tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 tuần. Số ca mắc Covid-19 ở Cộng hòa Czech, San Marino, Hungary và Ba Lan cao hơn gấp 3 lần hồi giữa tháng 10. Tại Nga, Ukraine và Hy Lạp, số trường hợp dương tính liên tục đạt kỷ lục mới. Đáng nói, 6/10 nước có số ca nhiễm tăng cao nhất thế giới hiện nằm ở châu Âu.

Tình hình quay lại căng thẳng khiến lãnh đạo nhiều nước châu Âu đứng trước việc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Kể từ ngày 8/11, Áo ra quy định mới cấm người chưa tiêm ngừa Covid-19 vào nhà hàng, rạp chiếu phim và các sự kiện có 25 người trở lên. Còn Đan Mạch thông báo sẽ áp dụng lại giấy thông hành Covid-19 vì các bệnh viện ở nước này có nguy cơ quá tải.

Mới đây, các chính đảng đang tiến hành đàm phán thành lập chính phủ mới của Đức đã công bố một loạt đề xuất mới để chống dịch bệnh Covid-19. Các đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận tỷ lệ mắc mới tăng lên nhanh chóng mà nguyên nhân được cho là do tỷ lệ tiêm chủng ở Đức chững lại.

Kế hoạch mới phòng, chống Covid-19 của Đức bao gồm khả năng cấm những người chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tham gia các sự kiện trong nhà; áp đặt những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn tại nơi làm việc và yêu cầu xét nghiệm PCR thay vì xét nghiệm nhanh. Trong khi đó giới chức y tế Đức kêu gọi tất cả các bệnh nhân lớn tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi 3).

Trong khi đó, tại Bulgaria và Ukraine, số ca tử vong do Covid-19 cũng được cho là trầm trọng. Trong ngày 9/11, Bulgaria có tới 334 người chết do Covid. Đây là số ca tử vong ghi nhận hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này. Hiện có hơn 8.500 người đang điều trị Covid-19 tại các bệnh viện ở Bulgaria, trong đó có 734 trường hợp phải điều trị tích cực.

Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 tại Ukraine còn cao hơn. Theo Bộ Y tế nước này, ngày có số người chết cao nhất là 833. Chính vì vậy Chính phủ Ukraine đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm, đồng thời quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên một số cơ quan nhà nước và tại các vùng đỏ, trong đó có thủ đô Kiev.

Theo quy định mới, chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép vào nhà hàng, phòng tập thể dục và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Riêng đối với nước Nga, quốc gia bị dịch Covid-19 đe dọa suốt nhiều tháng qua thì Matxcơva vẫn kiên trì các biện pháp chống dịch đồng thời duy trì nhiều hoạt động xã hội. Chính thức thì từ ngày 8/11, người dân Nga bắt đầu đi làm trở lại, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa ở chỗ làm được dỡ bỏ tại hầu hết các khu vực.

Hiện chỉ còn 5 vùng tại Nga tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa, trong đó có tỉnh Bryansk ở miền tây và Novgorod ở vùng tây bắc. Một số địa phương khác duy trì việc yêu cầu người dân xuất trình mã QR chứng nhận tiêm vaccine khi đến nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại.

Riêng Thủ đô Matxcơva vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khi chỉ cho phép những cửa hàng thiết yếu như hiệu thuốc và siêu thị được mở cửa. Tuy nhiên, giới chức thành phố không yêu cầu người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng.

Hãng thông tấn TASS, dẫn lời một quan chức y tế cấp cao của Nga, cho biết tình hình ở các khu vực xung quanh Thủ đô dù vẫn “căng thẳng”, nhưng số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện đã giảm dần.

Tại thời điểm này nước Anh, Pháp, Hy Lạp, Italy cũng đã tính đến nhiều giải pháp để chung sống với virus SARS-CoV-2. Tuy số ca nhiễm mới tăng và sự đe dọa ngày càng lớn hơn nhưng hầu hết đều không có ý định phong tỏa trở lại.

“Chúng ta sẽ đi qua mùa Đông ảm đạm này một cách khó khăn, nhưng không thể vì thế mà quay trở lại với những biện pháp hạn chế ngặt nghèo. Để thoát khỏi sự đe dọa của dịch bệnh thì chỉ còn cách đẩy mạnh tiêm vaccine và nhanh chóng có thuốc đặc trị Covid-19 cho người dân, thay vì lại bắt buộc họ phải nhốt mình trong phòng” - chuyên gia Marine Landros nói với Reuters, hôm 11/11.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, sẽ đưa ra các khuyến nghị trên toàn khu vực đối với thuốc trị Covid-19 do Merck và Ridgeback Biotherapeutics đồng phát triển, được biết đến với tên gọi Molnupiravir, trong khung thời gian “ngắn nhất có thể”. EMA cũng cho biết, đang xem xét các dữ liệu có sẵn, đồng thời tìm cách hỗ trợ nguồn cung cho các quốc gia thành viên trước khi có thể phê duyệt loại thuốc này.

Trước đó, một quan chức giấu tên từ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU đang đàm phán với cả Merck và Pfizer về các hợp đồng cung cấp liệu pháp điều trị Covid-19 của hai hãng. Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện với Merck có vẻ tiến triển hơn vì hãng này đã gửi dữ liệu từ trước đến EMA. Trong khi đó, Pfizer vẫn chưa gửi bất kỳ dữ liệu nào, vì kết quả sơ bộ của các thử nghiệm trên thuốc trị Covid-19 của hãng mới chỉ được công bố vào tuần trước.

Đến nay, chỉ có Anh là nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn việc sử dụng các liệu pháp điều trị Covid-19 bằng thuốc uống của cả hai hãng. Nước này đã mua trước 480.000 liệu pháp điều trị của Merck và 250.000 liệu pháp của Pfizer.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu vẫn lo Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO