Châu Phi 'khát' vaccine đậu mùa khỉ

Hà Anh 16/09/2022 08:00

Bệnh đậu mùa trên khỉ đã xuất hiện ở Tây và Trung Phi từ những năm 1970, nhưng phải đến khi bệnh bùng phát bất thường ở châu Âu và Bắc Mỹ, các quan chức y tế công cộng mới nghĩ đến việc sử dụng vaccine. Cho đến nay, khi các ca bệnh đang giảm dần ở những khu vực này, vaccine đậu mùa khỉ vẫn vắng bóng tại châu Phi.

1. Hồi tháng 7 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và kêu gọi thế giới hỗ trợ các nước châu Phi để tình trạng bất bình đẳng về vaccine gây ra thảm họa bùng phát đại dịch Covid-19 sẽ không lặp lại một lần nữa Tuy nhiên, sự chú ý của thế giới đối với “lục địa đen” trong “cơn lốc” đậu mùa khỉ vẫn hạn chế. Không có quốc gia giàu có nào chia sẻ vaccine hoặc phương pháp điều trị với châu Phi.

“Không có gì thay đổi đối với chúng tôi ở đây, tất cả đều tập trung vào bệnh đậu mùa khỉ ở phương Tây” - ông Placide Mbala, nhà virus học chỉ đạo bộ phận nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Y sinh Congo cho biết.

Ông Mbala nói: “Các quốc gia khác ở châu Phi, nơi cũng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ cũng vẫn trong tình trạng giống như chúng tôi, với nguồn lực giám sát, chẩn đoán và thậm chí là chăm sóc bệnh nhân yếu kém”.

Bệnh đậu mùa trên khỉ đã khiến người dân ở Tây và Trung Phi bị tấn công từ những năm 1970, nhưng phải đến khi bệnh bùng phát bất thường ở châu Âu và Bắc Mỹ, các quan chức y tế công cộng mới nghĩ đến việc sử dụng vaccine. Trong khi các nước giàu đổ xô mua gần như tất cả nguồn cung cấp thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ tiên tiến nhất trên thế giới, tháng 6 vừa qua, WHO cam kết sẽ tạo ra một cơ chế chia sẻ vaccine để giúp các nước nghèo có đủ liều lượng. Nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa đến.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO khu vực châu Phi cho biết: “Châu Phi vẫn không được hưởng lợi từ vaccine đậu mùa khỉ hay các phương pháp điều trị kháng virus, chỉ có một lượng nhỏ được cung cấp cho mục đích nghiên cứu”.

Kể từ năm 2000, châu Phi đã báo cáo khoảng 1.000 đến 2.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ mỗi năm. Từ đầu năm 2022 tới nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi đã xác định được khoảng 3.000 trường hợp nghi nhiễm, trong đó có hơn 100 trường hợp tử vong. Trong khi đó, theo WHO, những tuần gần đây, số ca mắc bệnh đậu mùa ở khỉ trên toàn cầu đã giảm hơn 1/4, trong đó có 55% ở châu Âu. Nnhiều nhà khoa học cho rằng, bây giờ là lúc cần ưu tiên ngăn chặn virus đậu mùa khỉ ở châu Phi.

Tiến sĩ Ifedayo Adetifa, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria, cho biết, việc châu Phi không nhận được sự giúp đỡ gợi nhớ đến sự bất bình đẳng đã được nhìn thấy trong đại dịch Covid-19. “Mọi người đều quan tâm đến vấn đề (của riêng mình) và bỏ mặc những người khác” – ông Adetifa nói và than thở rằng, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi chưa bao giờ gây được sự quan tâm của quốc tế, trong khi điều này có thể đã ngăn chặn được việc virus lây lan trên toàn cầu.

2. Các quốc gia giàu có đã mở rộng nguồn cung cấp vaccine của họ bằng cách sử dụng 1/5 liều thông thường, nhưng không có quốc gia nào bày tỏ quan tâm đến việc giúp đỡ châu Phi. Văn phòng của WHO tại khu vực châu Mỹ gần đây đã thông báo, họ đã đạt được thỏa thuận để 100.000 liều vaccine đậu mùa khỉ sẽ bắt đầu được chuyển đến các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe trong vòng vài tuần tới. Nhưng không có thỏa thuận tương tự nào đạt được đối với châu Phi.

Tiến sĩ Dimie Ogoina - Giáo sư y khoa tại Đại học Delta của Nigeria và là thành viên của Ủy ban Cấp cứu bệnh đậu khỉ của WHO cho biết: “Tôi rất muốn có vaccine để cung cấp cho bệnh nhân của mình hoặc bất cứ thứ gì có thể làm giảm thời gian nằm viện của họ”.

Kể từ khi WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, Nigeria đã chứng kiến dịch bệnh tiếp tục lây lan, với một số biện pháp can thiệp đáng kể. “Chúng tôi vẫn không có đủ kinh phí để thực hiện tất cả các nghiên cứu mà chúng tôi cần” - ông Ogoina nói. Cùng với đó, ông Mbala cho biết, các nghiên cứu hiện nay đối với những loài động vật mang bệnh đậu mùa khỉ và lây sang người ở châu Phi là chắp vá và thiếu sự phối hợp.

Tuần trước, Nhà Trắng cho biết, họ rất lạc quan về việc gần đây các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ ở Mỹ đã giảm. Cùng với đó, nguồn tin cũng tiết lộ, Mỹ đang quản lý hơn 460.000 liều vaccine do Bavarian Nordic sản xuất.

Theo một phân tích gần đây của nhóm vận động Public Citizen, Mỹ chiếm khoảng 35% trong số hơn 56.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng lại giữ gần 80% nguồn cung cấp vaccine của thế giới. Dù Mỹ chưa công bố bất kỳ khoản viện trợ vaccine đậu mùa khỉ nào cho châu Phi, nhưng Nhà Trắng gần đây đã đưa ra đề nghị với Quốc hội về khoản viện trợ toàn cầu 600 triệu USD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng gay gắt với vấn đề này khi cho rằng, ngay cả khi các quốc gia giàu có bắt đầu chia sẻ các công cụ chữa bệnh đậu mùa khỉ với châu Phi, thì họ cũng không coi đó là một việc đáng hoan nghênh.

Theo ông Piero Olliaro, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm của nghèo đói tại Đại học Oxford, không nên để xảy ra trường hợp các quốc gia chỉ quyết định chia sẻ vaccine còn sót lại khi dịch bệnh đang giảm ở quốc gia của họ. Nó giống hệt kịch bản trong đại dịch Covid-19 và hoàn toàn phi đạo đức.

Ông Olliaro, người gần đây đã trở lại Vương quốc Anh sau chuyến đi đến Cộng hòa Trung Phi để nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ, cho biết, tuyên bố khẩn cấp của WHO dường như không mang lại “lợi ích cụ thể nào ở châu Phi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Phi 'khát' vaccine đậu mùa khỉ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO