Chạy đua xét nghiệm Covid-19 diện rộng

Kim Lý - Dương Lê 21/08/2020 09:00

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, Bộ Y tế đang đưa ra nhiều phương án ứng phó, cũng như tiếp tục “tăng quân” vào các điểm nóng nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Tăng tốc độ xét nghiệm

Kể từ khi TP Đà Nẵng phát hiện ca mắc Covid-19 mới đầu tiên ở làn sóng thứ hai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng trên đường Phan Chu Trinh luôn tấp nập, phòng xét nghiệm đỏ đèn xuyên ngày đêm. Hàng ngàn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, các nhân viên làm nhiệm vụ xét nghiệm trong những bộ áo trắng như những chiến binh làm việc quay cuồng, quá tải để tìm dấu vết virus chết người này. Bộ Y tế đã huy động hơn 100 nhân viên y, bác sĩ từ khắp các bệnh viện trên cả nước về Đà Nẵng truy vết, hỗ trợ tăng năng lực xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên PCR đối với virus. Ngoài ra còn có một đội mới là đội truyền thông, khác biệt so với giai đoạn 1 với muốn mang đến những thông tin chính thống, trung thực và nhanh chóng để người dân hiểu, an tâm rằng ngành y tế đã vào cuộc.

Mới nhất, TP Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm (group test) đối với các khu vực cộng đồng dân cư có số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Theo đó phương pháp này sẽ bỏ nhiều mẫu vào ống xét nghiệm để cho ra xét nghiệm gộp, cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều so với xét nghiệm từng mẫu. Để thực hiện phương pháp này, ngành y tế sẽ lấy dịch ở hầu họng của từng người trong một gia đình, sau đó cho vào một ống xét nghiệm để cho ra kết quả. Nếu mẫu này cho ra dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm riêng từng mẫu của nhóm đó. Cụ thể, nếu mẫu gộp dương tính với Covid-19 thì sẽ làm tiếp đợt 2 để tìm ra cá thể dương tính. Việc này sẽ cho ra kết quả nhanh và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Phương pháp xét nghiệm nhóm này tại một số nước đã áp dụng để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.

Tại Hà Nội, sau khi phát hiện thêm một ca nhiễm Covid-19 mới là trường hợp nhân viên xe bus 42 tuổi, lưu trú tại quận Bắc Từ Liêm, với lịch trình di chuyển phức tạp, thành phố đề nghị tiếp tục rà soát số người từ TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về, nếu chưa qua 14 ngày thì phải nghiêm túc cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố đã có 11 bệnh viện khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục để triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật RT-PCR, trong đó có 8 bệnh viện công lập (Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Phụ Sản, Ba Vì, Sơn Tây, Phổi Hà Nội) và 3 bệnh viện ngoài công lập (là Medlatec, Vinmec, Hồng Ngọc). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang khẩn trương làm thủ tục để mua sắm sinh phẩm, vật tư phục vụ cho việc xét nghiệm.

Trong khi đó, tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết, thành phố tiếp nhận người khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm khá lớn. Nhóm người trở về từ Đà Nẵng được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm khẩn để đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao, bao gồm: Nhóm người có triệu chứng sốt, ho, khó thở được cách ly y tế tại bệnh viện. Nhóm người từng đến bệnh viện, các điểm nguy cơ tại Đà Nẵng, hoặc có tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 xác định (được cách ly kiểm dịch tại các khu cách ly tập trung). Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, hiện thành phố có 13 đơn vị xét nghiệm Covid-19, hiện năng lực thực tế của thành phố là từ 4.000 - 5.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, áp lực lấy mẫu mỗi ngày hiện cũng 4.000 - 5.000 mẫu, nên ngành y tế đang thẩm định thêm tám đơn vị nữa để thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để người dân an tâm.

Ở quy mô toàn quốc, theo Bộ Y tế, tới nay cả nước đã có 118 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm, trong đó có 66 phòng đủ khả năng xét nghiệm khẳng định Covid-19, với công suất đạt 31.000 mẫu mỗi ngày (thời điểm tháng 4, công suất đạt hơn 27.000 mẫu/ngày). Đáng chú ý, Bộ Y tế đồng ý các phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế thẩm định xác nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19 không cần gửi mẫu đến các đơn vị khác để khẳng định lại trong trường hợp kết quả dương tính. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn, huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực lấy mẫu, xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.

Tận dụng tốt ở “giai đoạn vàng” để dập dịch

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, số ca Covid-19 có thể tăng, song Việt Nam sẽ dập được dịch nếu tận dụng tốt khi chúng ta đang ở “giai đoạn vàng” để kiểm soát tình hình. Nguyên nhân là khi bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nếu không nhanh chóng kiểm soát, dịch sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn thời gian đầu với lượng người nhiễm rất lớn. Theo lý giải của các chuyên gia, dịch Covid-19 tại Đà Nẵng có thể đã trải qua 4-5 chu kỳ. Đây là thời gian phù hợp nhất để kiểm soát số ca nhiễm, không để virus lây lan âm thầm ngoài cộng đồng. Đặc biệt, số ca mắc hầu hết liên quan các bệnh viện. Các trường hợp nguy cơ tại ổ dịch này đã được cách ly. Do đó, thời gian tới, chúng ta có thể kiểm soát được nguồn lây này. GS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngoài Đà Nẵng và Quảng Nam đang được nhận định nằm trong vùng nguy cơ rất cao, còn có các địa phương liên quan đến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng như Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk... “Các địa phương yêu cầu tất cả người liên quan những nơi được cảnh báo khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt”, GS Long đề nghị.

Còn theo chuyên gia y tế, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cho biết, mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” dập dịch khác nhau. Với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Về thời gian khống chế dịch, bác sĩ Khanh cho rằng, điều này phụ thuộc vào mức độ ra quân truy vết, khoanh vùng và kết quả giám sát, xét nghiệm. Nếu toàn ngành, toàn dân thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát trong vòng 14 ngày kể từ thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên, tình hình có thể được khống chế. Sau khoảng 28 ngày, cộng đồng không ghi nhận thêm ca nhiễm thứ phát, lúc này, chúng ta mới có thể yên tâm.

Theo bác sĩ Khanh, để dập dịch hiệu quả, việc quan trọng đầu tiên là nhanh chóng khoanh vùng các khu vực, địa điểm người bệnh đã đến và cách ly ca nghi ngờ. Bằng cách này, những người đã nhiễm bệnh hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ bị “giữ chân” lại. Lúc này, việc của ngành y tế là theo dõi sức khỏe, xét nghiệm và điều trị. Vấn đề thứ hai là tăng cường xét nghiệm khẳng định Covid-19 để chủ động điều trị sớm. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người mắc cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Khi ca dương tính được phát hiện, những người tiếp xúc gần đã bị khoanh vùng, cách ly, tình hình có thể sớm được kiểm soát. Ngoài ra, khi dịch lan trong cộng đồng, đặc biệt ở bệnh viện, các cơ sở y tế cần nhanh chóng kiểm soát tất cả người ra vào, tránh lây nhiễm chéo.

Hải Phòng tiễn đội ngũ y, bác sĩ chi viện cho TP Đà Nẵng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định bệnh Covid-19 lây nhiễm ở người qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi, hoặc gián tiếp qua các vật dụng, hay bề mặt bị dính dịch tiết nhiễm mầm bệnh. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp, hoặc các giọt bắn ra khi người đó ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 m) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc Covid-19 khi các giọt bắn mang vi rút SARS-CoV-2 thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để phòng ngừa, người dân nên thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh thì báo ngay cho cơ quan y tế qua đường dây nóng. Khi chưa được hẹn xét nghiệm thì người có dấu hiệu nghi ngờ cần bình tĩnh, tự thực hiện cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe bản thân. Không được lơ là, chủ quan trong việc phòng hộ cá nhân cũng như phòng, chống dịch trong cộng đồng. Cần thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng, tránh tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các chỉ thị về giãn cách, khai báo y tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạy đua xét nghiệm Covid-19 diện rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO