'Chạy theo ô nhiễm' để xử lý hậu quả

Lê Anh 30/07/2022 07:29

Với lượng bụi mịn PM2.5 được khảo sát cao gấp 4 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nguồn phát thải từ phương tiện giao thông chiếm tới trên 36%, đang khiến các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với “báo động đỏ” về tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều giải pháp đã được đặt ra, thế nhưng các đô thị vẫn phải loay hoay “chạy theo ô nhiễm để xử lý hậu quả”.

Xe máy cũ nát gây ô nhiễm không khí.

“Sát thủ” lơ lửng

Kết quả quan trắc không khí mới được công bố ở cả Hà Nội và TPHCM đều báo động hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (bụi mịn PM2.5) đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho phép về sức khỏe. Các ứng dụng quan trắc báo cáo chất lượng không khí ở Hà Nội và các vùng lân cận đang bị ô nhiễm nặng bởi PM2.5, CO, O3, NO2, SO2,…Trong đó, thu thập dữ liệu ứng dụng PAM Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có thời điểm ghi nhận rất nhiều điểm màu đỏ (có hại sức khỏe), thậm chí có tới 17 điểm màu tím (rất có hại) tập trung ở Hà Nội và Bắc Ninh.

Tại TPHCM, ở nhiều thời điểm bụi mịn PM2.5 được khảo sát cao gấp 4 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép của WHO, trong đó nguồn phát thải từ phương tiện giao thông chiếm tới trên 36%. Trong khi đó, tổng phát thải khí nhà kính của TPHCM có thời điểm ghi nhận tới trên 58 triệu tấn CO2/năm, trong đó nguồn phát được khảo sát do sản xuất công nghiệp (30%), giao thông vận tải (20%),…

Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có đề án về việc xây dựng chính sách khí hậu. Chính sách này được hình thành thông qua đánh giá định lượng chất lượng không khí hàng năm, từ đó xây dựng chính sách ngắn - trung hạn để tạo hành lang cơ chế cho các đô thị kiểm soát, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, kiểm soát phát thải các chất gây ô nhiễm không khí và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính ngày càng gay gắt.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) cảnh báo, các thách thức về ô nhiễm không khí đang thực sự là vấn đề đáng lưu tâm của các đô thị lớn ở nước ta. Trong đó, bụi mịn PM2.5 là các “sát thủ” lơ lửng trong không khí mà thủ phạm không ai khác là các phương tiện giao thông hoạt động liên tục 24/24 ra vào các đô thị. “Đáng lo ngại nhất chính là các xe cũ nát, riêng xe máy chiếm trên 80% tổng lượng phát thải gây hại vào môi trường”, chuyên gia này cho biết, đồng thời chỉ ra với hơn 9 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ô tô đang là những tác nhân chính làm cho vấn đề ô nhiễm không khí ở TPHCM và các đô thị lớn ở Việt Nam phải “đau đầu” tìm giải pháp để kiểm soát hiệu quả.

Ngoài PM2.5, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TPHCM chỉ ra các vật chất siêu nhỏ ngày càng đậm đặc hơn do thiếu cơ chế kiểm soát nguồn phát thải sẽ tạo ra các nguy cơ ngày càng lớn hơn, tác động nặng nề hơn đối với sức khỏe của cư dân đô thị, đặc biệt là trẻ em. Theo chuyên gia này, những năm gần đây ngành y tế đã lần đầu tiên đánh giá tác nhân gây tử vong do nguyên nhân từ ô nhiễm không khí, trong đó chỉ riêng tại TPHCM có hơn 1.000 người chết mỗi năm. Các nguyên nhân gây tử vong có liên quan ô nhiễm không khí, bao gồm nhồi máu cơ tim, bệnh lý về hô hấp, ung thư phổi, hoại tử da…

Kiểm soát nguồn phát thải

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề, các đô thị Hà Nội, TPHCM đã tìm nhiều giải pháp để kiểm soát, kể cả một kế hoạch lâu dài sử dụng công nghệ mới.

Theo PGS Hồ Quốc Bằng, phải kiểm soát nguồn phát khí thải từ xe cũ nát (xe gắn máy, ô tô cũ các loại) bằng cách mạnh tay loại bỏ những phương tiện này. Sau đó, TPHCM cần áp dụng việc kiểm tra khí thải từ xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu duy tu, bảo dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe. Tương tự, PGS Lê Thị Tuyết Lan cho rằng, đã đến lúc các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM phải coi nhiệm vụ kiểm soát chất lượng không khí phải là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh ở đô thị.

Đại diện Hội Hen dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TPHCM cũng chỉ ra việc cần thiết phải kiểm soát được nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, nhất là quan tâm đến các nguồn phát thải NO2 và PM2.5, do đây là các tác nhân đang gây hại rất lớn đến sức khỏe của cư dân đô thị, nhất là người già và trẻ em.

Cho rằng nguồn phát thải là gốc rễ của câu chuyện kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM nhấn mạnh: “TPHCM và Hà Nội đang phát triển rất nhanh các hạ tầng về vận tải hành khách công cộng, như xe buýt, metro, xe điện. Tương lai, các đô thị nên nghĩ đến việc thay thế được các loại hình phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch và thân thiện môi trường, tiến tới loại bỏ phương tiện cũ nát, ngăn chặn nhập khẩu các xe đã hết thời hạn lưu hành ở các quốc gia phát triển”.

Cũng theo ông Ninh, việc kiểm soát các phương tiện thô sơ, xe cũ nát không hề khó mà chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền, bằng việc đăng kiểm, kiểm tra mức độ thải, loại bỏ xe cũ không đạt chuẩn hoàn toàn giống như đã làm khi đăng kiểm ô tô như hiện nay đang áp dụng.

Bên cạnh các giải pháp khoa học, TS Đoàn Thị Phương Diệp - giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, cần cơ chế đủ răn đe về xử phạt trong lĩnh vực môi trường, trong đó tiếp tục bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật môi trường hiện hành. Nhất là cần xác định quy chuẩn kỹ thuật về khí thải riêng cho đặc điểm đô thị ở Việt Nam; bổ sung thêm danh mục kiểm tra về đo lường phát thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chạy theo ô nhiễm' để xử lý hậu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO