Chi hỗ trợ người lao động khó khăn vì đại dịch: Cần phải linh hoạt

Lê Bảo 14/08/2021 07:43

Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 13 triệu lượt người, với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng.

Đánh giá chung về triển khai chính sách, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, về tiến độ chi trả, 12 chính sách được chia làm 3 nhóm, trong đó: Chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng; Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền trên 170 tỷ đồng.

“Chính sách đang triển khai đạt hiệu quả nhất đó là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022. Về cơ bản chính sách này đã hoàn thành”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Tuy nhiên theo ông Thanh, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, cùng với đó cơ sở chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong việc triển khai, dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Thực tế tại Hà Nội, báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, tính đến ngày 12/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí trên 215 tỷ, trong đó, đã thực hiện được gần 144 tỷ đồng. Trong số này, nhóm lao động tự do (khu vực không có giao kết hợp đồng lao động) đã được các quận, huyện hỗ trợ cho hơn 5.100 người với trên 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với con số được nhận.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, triển khai Nghị quyết 68 với các nhóm đối tượng khác thì ít vướng mắc về thủ tục nhưng với nhóm lao động tự do thì theo phản ánh từ cơ sở gặp nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận cư trú và xác nhận không lĩnh trợ cấp tại nơi thường trú để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Bên cạnh những vướng mắc trong việc xác nhận cho lao động tự do, một trong những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 68 được các địa phương, doanh nghiệp phản ánh nhiều, đó là: Doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; đề nghị NHNN có giải pháp phù hợp tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khắc phục khó khăn do Covid-19…

“Sau khi nhận diện các khó khăn, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, cần xác định rõ nhóm đối tượng mà thông tin tuyên truyền hướng đến, tìm hiểu kỹ về mối quan tâm và mức độ quan tâm của mỗi nhóm đối tượng đến chính sách. Đồng thời có những chính sách linh hoạt, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, để sớm đưa gói hỗ trợ đến với người dân, doanh nghiệp”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Ngoài các đối tượng đang được thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Sở LĐTB&XH Hà Nội đang đề xuất với thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho 10 nhóm lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 như: hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội, giáo viên các trường tư thục không được cơ sở ký hợp đồng, không đóng BHXH. Ngoài ra, một số nhóm lao động khác, Sở đang lấy ý kiến quận huyện để bổ sung thêm. Hiện UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, thường trực HĐND xin chủ trương. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 8.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chi hỗ trợ người lao động khó khăn vì đại dịch: Cần phải linh hoạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO