Chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu): Duy có tinh thần là chẳng chết!

Thiên Việt - Anh Ngọc 08/06/2019 13:31

Trong Việt Nam Nghĩa liệt sử, Phan Bội Châu đánh giá Hoàng Trọng Mậu - tức Nguyễn Đức Công, thường được gọi là đầu xứ Công - là người văn võ song toàn và gọi ông là “Kì Nam tử”.Kì nam tử Nguyễn Đức Công sinh năm 1874 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân phụ là cụ Nguyễn Đức Tân làm quan Hành Tẩu trong triều đình rồi cáo quan về ẩn.

Chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu): Duy có tinh thần là chẳng chết!

Thành phố Hà Nội đặt tên phố Hoàng Trọng Mậu để vinh danh người anh hùng.

Lên đường xuất dương

Nguyễn Đức Công, bí danh cách mạng là Hoàng Trọng Mậu, đỗ đầu kì sát hạch khóa sinh toàn tỉnh nên thường gọi là đầu xứ Công. Theo lưu truyền trong dòng họ, đấy là người thông minh, giỏi văn chương và để lại nhiều thơ văn... Nhưng ảnh hưởng từ truyền thống yêu nước của gia đình ngay từ lúc còn trẻ, đầu xứ Công đã có chí không muốn làm quan phục vụ triều đình thối nát tay sai của ngoại bang. Ông thương xót cho đời mà ghét thế tục, thẹn vào quan trường nô lệ, chán khoa cử nên thường phẫn uất, ca hát ngâm nga để tiêu sầu. Những năm đầu thế kỉ XIX, xứ Nghệ là lò lửa cách mạng vì chịu ảnh hưởng của những phong trào yêu nước kháng Pháp, rồi lời hiệu triệu cuả Phan Bội Châu từ nước ngoài gửi về làm lòng người náo nức tham gia phong trào Đông Du. Một yếu nhân của Đông Du là Ngư Hải Đặng Thái Thân đã đưa cho đầu xứ Công bức thư của Phan tiên sinh giới thiệu. Xem thư xong ông rất mừng nói: “Đây chính là ý chí của tôi”. Tháng 4 năm Mậu Thân 1908, Nguyễn Đức Công lên đường xuất dương cùng đợt với Nguyễn Thức Đường - con của đại danh sư Nguyễn Thức Tự, vị thầy giáo của những trí thức lớn như: Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc thân phụ Bác Hồ - theo 2 con đường khác nhau và đích cuối cùng là Nhật Bản để vào học ban đặc biệt của Đồng Văn Thư viện Đông Kinh. Sau khi giải học, ông trở về Tàu và kết giao với đảng Cách mạng để tiếp tục học hỏi về đường lối quân sự.

Phụ trách quân sự của Quang Phục Hội

Hoàng Trọng Mậu trú ở Dương Thành học thêm tiếng Quan Thoại để chuẩn bị vào trường Lục quân Trung Hoa. Tháng 10/1911, cách mạng Tân Hợi thành công, nhà nước Trung Hoa Dân quốc ra đời, các đảng viên Việt Nam tập trung về Quảng Đông và tuyên bố giải tán Hội Duy Tân, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội theo chủ nghĩa dân chủ, có tôn chỉ duy nhất là: đánh đuổi giặc Pháp và xây dựng nước Cộng hòa Dân quốc. Trong lời tuyên cáo của Việt Nam Quang Phục Hội (1912) đã có những lời tiên đoán trì diện: “Muốn cho ích nước lợi nhà, Ắt là dân chủ cộng hòa mới xong (HTM).

Việt Nam Quang Phục Hội như một chính phủ lâm thời gồm 3 bộ lớn, Hoàng Trọng Mậu được cử làm Uỷ viên Quân vụ, lo tổ chức Quang Phục quân và soạn Việt Nam Quang Phục quân phương lược gồm 5 chương, do Phan Bội Châu viết 2 chương đầu, còn ông viết 3 chương sau. Ngoài ra còn phát hành tín phiếu, mặt trước ghi “Việt Nam Quang Phục quân quân dụng phiếu”, mặt sau ghi: “Giấy bạc này là do Việt Nam Quang Phục quân lâm thời Chính phủ phát hành, y chữ số mặt giấy mua đổi bạc thật, chờ lúc chính thức Dân quốc Chính phủ thành lập, đem bạc thật thu hồi cấp lời một thành hai, cấm mạo giả và lạm phát, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng”. Người kí là Phan Sào Nam và Hoàng Trọng Mậu, được in tinh xảo như giấy bạc Tàu.
Phong trào đã gây tiếng vang lớn tới nhân dân trong nước và đã có những hoạt động mạnh mẽ như ném tạc đạn ở Thái Bình, giết chết 2 sĩ quan Pháp tại Hà Nội... Bọn thực dân lập tòa án Đề hình để truy nã các vụ nổi loạn, tòa tại Hà Nội làm án 7 tử hình, 40 người khổ sai chung thân, Phan Bội Châu bị xử án tử hình vắng mặt.

Tuy nhiên không lâu sau cách mạng Trung Quốc thất bại, chính phủ Viên Thế Khải thành lập, Việt Nam Quang Phục Hội lâm vào khó khăn. Hoàng Trọng Mậu đến Quảng Tây tìm cách liên kết với lực lượng dân quân Trung Hoa vừa bị giải tán, chuẩn bị cơ hội đánh Pháp về sau.

Trận đánh Tà Lùng

Theo chỉ đạo của Phan Bội Châu, ba cánh quân được tổ chức để đánh về trong nước, cánh thứ nhất do Nguyễn Thiện Thuật phụ trách qua Đông Hưng đánh về Móng Cái, cánh thứ 2 do Nguyễn Thượng Hiền qua Long Châu tiến về Lạng Sơn. Còn cánh thứ 3 do Hoàng Trọng Mậu tập kích Hà Khẩu qua Vân Nam, nhưng Nguyễn Hải Thần muốn chuyển hướng về cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) với lí do là cắt đường giao thông giữa Lạng Sơn và Cao Bằng. Hoàng Trọng Mậu tuy không tán thành nhưng vẫn phải chọn đánh Tà Lùng với tư cách là người chỉ huy trận đánh. Vào tháng 3/1915 cánh quân của ông đã có mặt ở gần biên giới Cao Bằng với khoảng 100 tay súng. 5h chiều ngày 12/3 quân cách mạng bắt đầu hành quân từ Long Châu vượt qua biên giới, khoảng 4h sáng họ tới nơi. Đồn Biên phòng Tà Lùng là một pháo đài. Có tháp canh, hầm ngầm và nhiều dinh lũy. Ngày 13/3/1915 khoảng 4h30 sáng, Tà Lùng đã bị tấn công rất mạnh bởi 2 nhóm vũ trang. Quân cách mạng ném bom vào chuồng ngựa và các tòa nhà sĩ quan. Súng được bắn vào phía nam và bắc của đồn, tuy nhiên nội ứng đã bị thuyên chuyển nên cuộc tấn công không đạt được kết quả như mong muốn. Đến 5h15 tiếng súng ngừng lại, Quang Phục quân rút về biên kia biên giới.

Tháng 5/1915 vua Duy Tân bí mật ra một chỉ dụ do chính tay mình viết, kí tên và đóng dấu chỉ định Nguyễn Đức Công hiệu Hoàng Trọng Mậu giữ chức Tả quân Chánh đạo, Tổng tư lệnh các lực lượng quân ở Hà Tĩnh. Đạo dụ này được nhà vua giấu và chỉ lộ ra khi cuộc kháng chiến của mình thất bại. Như vậy có thể khẳng định qua các mối liên hệ bí mật, nhà vua đã biết tin về trận đánh Tà Lùng và dẫn tới đạo dụ sau đó 2 tháng.

Thực dân Pháp phản ứng và ráo riết truy lùng những người cách mạng. Hàng chục lệnh bắt được gửi đi. Tháng 5-1915 Hoàng Trọng Mậu sa vào tay giặc tại Hương Cảng. Ông được di lý về Hà Nội chờ ngày thụ án. Một chiến hữu của ông là Trần Hữu Lực cũng bị bắt và đưa về giam cùng lúc.

Khí tiết lẫm liệt

Thực dân Pháp dùng mọi cực hình tra tấn và mọi cách dụ dỗ nhưng ông không khuất phục. Người Pháp coi trọng ông không muốn giết, nhưng cũng chẳng dám tha. Trong Việt Nam Nghĩa liệt sử cụ Phan nhận xét ông được “trọng thị như một vị tướng ở phía bên kia chiến tuyến”.

Ở Hỏa Lò, nhà chí sĩ đã viết cho Toàn quyền Đông Dương một bức thư tỏ rõ chí khí của mình: “Vì nền chính trị của Pháp độc tài, thối nát, nhân dân nghèo khổ, quan lại tham nhũng; trí thức tức giận nên làm Cách mạng là tất nhiên. Nếu chính sách bảo hộ không thay đổi thì nhân dân sẽ tiếp tục làm cách mạng. Bỏ tù và giết chóc chỉ làm dân oán giận và Nhà nước bảo hộ cũng không thể yên được”. Ông tiên đoán nếu Pháp tiếp tục chính sách tàn khốc này thì Việt Nam mai sau sẽ thuộc về cường quốc khác, v.v... Biết không thể khuất phục, ngày 24/1/1916 giặc Pháp đưa ông và Trần Hữu Lực ra xử bắn tại pháp trường Bạch Mai. Mộ 2 người cùng chôn chung một chỗ.

Mấy năm sau con và em ông đã đưa mộ 2 người về cải táng tại nghĩa trang xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Hiện tại UBND tỉnh Nghệ An đang có dự án đề nghị ngôi mộ chung này là di tích văn hóa lịch sử của tỉnh.

Khi ra pháp trường ông Hoàng Trọng Mậu đã để lại câu đối tuyệt mệnh:

ÁI QUỐC HÀ CÔ DUY HỮU TINH THẦN LƯU BẤT TỬ

XUẤT SƯ VỊ TIỆP THẢ TƯƠNG TÂM SỰ THÁC LAI SINH
Dịch:
YÊU NƯỚC TỘI GÌ? DUY CÓ TINH THẦN LÀ CHẲNG CHẾT.

RA QUÂN CHƯA THẮNG. XIN ĐEM TÂM SỰ GỬI MAI SAU

Người bạn Đông Du cùng bị xử bắn Trần Hữu Lực cũng hiên ngang đọc câu đối để lại cho đời:

Giang sơn dĩ tử, ngã an đắc thân sinh, thập niên lai lệ kiếm ma đao, tráng khí thệ phù Hồng Tổ Quốc

Vũ dực vị thành, sự hốt nhiên trung hại, cừu truyền hạ điều binh khiển tướn, hương hồn ám trợ Thiếu niên quân

Dịch là;

- Non sông đã chết, ta há lại sống thừa, từ mười năm giũa kiếm mài đao, chí mạnh những mong phò Tổ Quốc

- Lông cánh chưa thành, việc bỗng đâu hóa hỏng, dưới chín suối điều binh khiển tướng, hương hồn ám trợ Thiếu niên quân.

Tiếp bước cha ông

Những thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Trung không hề run sợ giặc Pháp, sẵn sàng tiếp bước vào con đường tranh đấu giành độc lập cho dân tộc. Người con đầu của cụ Đầu xứ là ông Nguyễn Đức Vân, tham gia Cách mạng từ rất sớm và năm 1945 là Chủ tịch Việt Minh đầu tiên của xã khi Cách mạng thành công. Về hưu, ông Vân chuyển sang cộng tác với Viện Văn học, đã dịch những tác phẩm lớn: Thơ văn Lý Trần, Hồng Lâu Mộng, Hoàng Lê nhất thống chí… Người con thứ hai Nguyễn Đức Tịnh là Bí thư Tân Việt Cách mạng Đảng của Thừa Thiên - Huế vào những năm 1929-1930, hiện có tên đường tại Huế.

Đặc biệt những thế hệ sau rất nhiều người của dòng họ không chỉ tham gia cách mạng mà còn nổi tiếng trong văn học. Đây là dòng họ có 7 người làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 2008 và 2011, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Hà Nội đã làm bộ phim về cuộc đời hoạt động của chí sĩ. Năm 2009, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên phố Hoàng Trọng Mậu trên con đường mới gần biển. Cùng trong tháng 3/2019, thành phố Hà Nội và TPHCM đã đặt tên Hoàng Trọng Mậu cho những đại lộ mới để vinh danh người anh hùng.

5/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu): Duy có tinh thần là chẳng chết!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO