Chỉ thu hồi đất sau khi đã hoàn thành bố trí tái định cư

H.Vũ 10/06/2023 07:32

Trong phiên thảo luận ở tổ ngày 9/6 về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất là vấn đề thu hồi đất, đền bù, tái định cư và định giá đất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Vinh.

Thu hồi đất phải “thật cần thiết”

Trình bày tờ trình dự án Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, thu hồi, trưng dụng đất (Chương VI) là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực. Thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78... Đồng thời quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư.

Thẩm tra vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thì việc thu hồi đất trong các trường hợp này chỉ được thực hiện khi gắn với dự án cụ thể. Đề nghị rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013, không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải được quy định trong luật gắn với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải là trường hợp “thật cần thiết”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề thu hồi đất được cử tri và đồng bào cả nước quan tâm. Ông Nghĩa đề nghị rà soát Điều 80 về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013.

“Không chỉ yêu cầu xác định các trường hợp thu hồi phải đúng với mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn yêu cầu các trường hợp đó phải “thật cần thiết” - ông Nghĩa nêu vấn đề.

ĐB Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung 3 mục tiêu. Theo đó, phải giảm được các khiếu kiện về đất đai khi thi hành luật. Bởi vậy, sửa đổi luật lần này cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động xem sẽ giảm được khiếu kiện như thế nào khi luật được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, dự thảo luật phải nhắm đến phân phối lại được chênh lệch địa tô khi chuyển mục đích các loại đất khác sang đất ở hiện nay. Nhất là ở khu vực đô thị, có nơi chênh lệch tới cả vài chục triệu đồng/m2, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản thụ hưởng.

Ngoài ra theo ông Minh, dự thảo luật cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng cơ hội về “dân số vàng”, “địa điểm vàng” và “thời cơ vàng”.

Bảng giá đất phải cập nhật kịp thời về biến động giá đất trên thị trường

Về giá đất (Chương XI), theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, dự thảo luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất. Bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất. Bên cạnh đó, tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, luật bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai. Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời mở rộng thành viên hội động là người có chuyên môn về giá đất.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định như dự thảo luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” là chưa rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Từ đó, ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa để có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và rà soát, chỉnh sửa các quy định có liên quan bảo đảm nguyên tắc này; làm rõ “giá đất” hay “giá quyền sử dụng đất”; mối quan hệ giữa “giá đất” và “bảng giá đất”.

Về bảng giá đất, Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan điểm nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời về biến động giá đất trên thị trường. Đồng thời đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất.

Về căn cứ xác định giá đất, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, phải có công cụ, phương thức cụ thể, nhất quán để đánh giá. Đặc biệt, ông Vân lo ngại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa cởi trói được các vấn đề đặt ra cho các căn hộ condotel. Theo ông Vân, căn hộ condotel được xây dựng trên đất thương mại và tính tiền thuê hàng năm nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận cho người mua căn hộ condotel lại vướng ở vấn đề phải tách thửa, gắn với quyền sử dụng đất. Nêu rõ, đây là vấn đề dự thảo Luật chưa giải quyết, đại biểu đề nghị phải xác định được condotel là hàng hóa có thời hạn, được khấu hao dần với công trình xây dựng trên đất thương mại hay là một tài sản gắn với sở hữu chủ với tư cách là một bất động sản.

Ông Vân đề nghị trong Luật cần đưa ra phương thức nhất quán để đánh giá và xác định phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường là phương pháp nào. Theo ông Vân, xác định giá đất có mối liên hệ giữa việc khảo sát, đánh giá nhất là các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa có lời giải, chưa có cách xử lý trong trường hợp giá đất thực tiễn có sự vượt trội so với bảng giá đất.

Về giá đền bù, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), dự thảo luật đang tiếp cận theo hướng phù hợp giá thị trường nhưng nếu chỉ như vậy cũng không thể giải quyết được trong nhiều trường hợp. Ông Nghĩa lấy ví dụ, giá chuyển nhượng đất ruộng của người dân khoảng 500.000 đồng/m2. Khi thu hồi, nếu tính giá 600.000 đồng/m2, nhiều người nghĩ như vậy đã là tốt. Song với nhiều người dân, họ còn nhiều vấn đề không muốn bị thu hồi.

“Do đó khi tính giá đền bù, bên cạnh giá thị trường phải tính thêm các yếu tố khác, phải đền bù cho người dân việc họ phải di dời nhà cửa, vườn tược... Đặt mình trong hoàn cảnh của người có đất bị thu hồi mới giải quyết được bài toán này” - ông Nghĩa nói.

Về bảng giá đất, ông Nghĩa khẳng định trách nhiệm xác định, cập nhật phải thuộc về Nhà nước. Bởi hiện có tình trạng tiêu cực để thỏa thuận với nhau. “Giá thị trường là căn cứ quan trọng nhưng khi xử lý tranh chấp sẽ phụ thuộc vào bảng giá đất của Nhà nước quy định” - ông Nghĩa phân tích.

Không để người dân khó khăn khi phải nhường đất làm dự án

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là dự luật rất quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo song không thể đòi hỏi một lần sửa đổi bao quát hết vướng mắc từ thực tiễn. Nguyên tắc sửa luật là cố gắng làm sao giải quyết được các vướng mắc, bất cập đang phải xử lý trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai.

Theo Thủ tướng, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, trong 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. “Phải có tính dự báo, có tầm nhìn để luật khi sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn. Khi luật ban hành phải đáp ứng mong mỏi của nhân dân” - Thủ tướng nêu rõ đồng thời nhấn mạnh: “Giá đất cũng là vấn đề được cử tri rất quan tâm. Định giá đất thế nào cho phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không thể để người dân khó khăn khi phải nhường đất làm dự án”-Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, cơ quan soạn thảo sẽ tham mưu phối hợp Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân và các đại biểu để sửa đổi bộ luật, đảm bảo những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, vừa phải làm sao dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ thu hồi đất sau khi đã hoàn thành bố trí tái định cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO