'Chìa khóa' an cư cho dân nghèo vùng lũ

Mỹ Lan 09/11/2016 18:20

Đối với người dân sống tại các vùng thường xuyên bị bão lũ ở miền Trung, chuyện xây nhà tránh bão lũ được quan tâm hơn cả. Bởi thế, Quyết định số 48 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được ví như chiếc “chìa khóa” giúp dân nghèo vùng lũ có chỗ ở an toàn, ổn định đời sống.

Nhà tránh lũ tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Vơi nỗi lo

Nỗi lo bão lũ cũng đã vơi bớt khi chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh lũ cho người dân tại 13 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) được triển khai thực hiện.

Mô hình nhà chòi phòng, tránh lũ, lụt có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác và có tính thực tiễn cao. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đã tích cực huy động thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng, nhất là sự đóng góp, chia sẻ của bản thân các hộ gia đình nên các chòi phòng tránh lũ, lụt đều vượt quy mô diện tích và chất lượng quy định, phù hợp phong tục tập quán từng địa phương.

Điển hình ở Quảng Nam, mô hình này được triển khai khá hiệu quả. Dọc theo hai bên bờ sông Vu Gia và Thu Bồn, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc và các xã Điện Hồng, Điện Phước của huyện Điện Bàn được tỉnh Quảng Nam xác định là vùng rốn lũ. Do ở vùng trũng thấp nên mỗi lần làm nhà bà con buộc phải đắp nền cao hơn mực nước lũ từ 1 - 2m.

Cách làm này tuy tránh được lũ nhỏ nhưng do nền nhà cao dẫn đến kém an toàn trong gió bão và chi phí lớn nên không phải gia đình nào làm cũng được. Mô hình nhà tránh lũ ra đời gắn liền với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kinh phí hỗ trợ của địa phương và cộng đồng không những góp phần nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở cho bà con vùng ngập lũ mà còn tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo cải thiện được chỗ ở cho gia đình.

Nhà tránh lũ cho hộ nghèo được xây dựng theo kết cấu gồm một gian dưới, sàn đổ bê tông có diện tích tối thiểu là 10m2, độ cao của sàn cách mực nước lũ từ 1,5 - 3m, mái nhà lợp tôn, nền tráng xi măng, tường xây gạch. Trên gác mỗi căn nhà đều có cửa thoát hiểm để thoát ra ngoài khi có lũ lớn bất thường. Khi có lũ, người trong gia đình và tài sản có giá trị được đưa lên gác an toàn.

Theo tính toán ban đầu, kinh phí xây dựng mỗi căn nhà tránh lũ khoảng 30 triệu đồng; trong đó, NHCSXH cho vay 10 triệu đồng/căn nhà với lãi suất ưu đãi, địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và hộ hưởng lợi vận động cộng đồng, người thân hỗ trợ, đóng góp 10 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thực tế thì kinh phí để xây dựng, ngày công lao động được gia đình người hưởng lợi đóng góp cao hơn nhiều và nhờ tận dụng được nguồn vật tư tại chỗ nên nhà tránh lũ cũng bề thế hơn, vững chãi hơn.

Là một trong những hộ thuộc diện nghèo được chính quyền địa phương chọn làm thí điểm xây dựng nhà tránh bão lũ an toàn, anh Nguyễn Phúc Phận ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn tâm sự, trước đây do nhà ở chưa được xây dựng kiên cố, nền nhà chưa được tôn cao nên cứ đến mùa mưa lũ là cả gia đình anh buộc phải đến ở nhờ nhà bà con trong xóm. Nay có nhà mới, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định và hoàn toàn yên tâm trong mùa mưa bão.

Cũng thuộc diện nghèo như hộ gia đình anh Nguyễn Phúc Phận, gia đình chị Lê Thị Nga ở cùng xã Điện Phước cho hay, trong những ngày bão lũ vừa qua, nhờ có nhà ở tránh bão lũ nên gia đình và tài sản có giá trị đều được đưa lên gác an toàn, không còn cảnh phải chạy lũ như những năm trước. Ông Đào Cúc - Chủ tịch UBND xã Điện Phước nhận xét: Thực tế cho thấy mô hình này đã phát huy được ưu điểm trong việc đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, hộ già yếu neo đơn trong mùa mưa bão.

Giúp người nghèo có ngôi nhà vững chãi

Quyết định 48 ra đời thực sự có ý nghĩa đối với bà con miền bão, giúp giấc mơ của người dân nghèo về một ngôi nhà vững chãi trong bão lũ trở thành hiện thực. Chương trình được thực hiện với mục tiêu trọng tâm là: Hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được căn nhà tránh bão lũ, cụ thể: Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương 12-14-16 triệu đồng/hộ tùy theo đơn vị hành chính; vay vốn NHCSXH tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm với thời hạn 10 năm, trong đó thời gian ân hạn 5 năm.

Là đơn vị thực hiện cấp tín dụng cho chương trình tính từ khi bắt đầu triển khai 5-2015 đến nay NHCSXH cho vay được trên 8.400 hộ với số tiền trên gần 127 tỉ đồng; dư nợ đến hết tháng 8-2016 của chương trình đạt 133,116 tỉ đồng/9.102 khách hàng còn dư nợ.

Có thể nói, những chính sách về nhà ở giúp dân vùng thường xuyên bị ngập lũ, lụt đã mang lại những kết quả rõ rệt. Đó là người dân đã yên tâm có nhà ở an toàn, ổn định từ đó đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo; giúp dân an cư lạc nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tác động, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến cuộc sống của người dân. Đồng bào nơi thường xuyên xảy ra thiên tai luôn luôn phải hứng chịu những khó khăn không thể đoán trước. Để thực sự giúp họ đứng vững rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự chung tay giúp đỡ của xã hội trong huy động nguồn lực thực hiện chương trình giúp người dân khắc phục và khai thác để chung sống với lũ đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững.

Hy vọng, mô hình nhà tránh lũ sẽ được nhân rộng để giảm nguy cơ thiệt hại về người và của cho người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực miền Trung thường xuyên phải oằn mình chống chọi với lũ lụt.

Ðể nâng cao khả năng chống lũ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân làm nhà tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà ở nằm so le với nhau. Tránh làm nhà tại nơi trống trải, giữa đồng ruộng, ven làng, ven sông, ven biển, trên đồi cao hoặc giữa hai sườn đồi, sườn núi. Tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm. Mặt khác, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương không nên áp đặt nhà tránh lũ như một mô hình kiến trúc cố định, nhưng phải hướng dẫn cho người dân kỹ thuật xây dựng để bảo đảm chống lũ và chịu được bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chìa khóa' an cư cho dân nghèo vùng lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO