Chiến dịch phân phối vaccine toàn cầu

Hà Anh 27/02/2021 06:37

Các nước trên thế giới đang đẩy nhanh chiến dịch phân phối vaccine để đẩy lùi Covid-19 sau khi đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người.

Vaccine được bảo quản chờ đưa lên máy bay

1. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 25/2, số người chết vì Covid-19 toàn cầu đã vượt 2,5 triệu ca sau hơn 1 năm đại dịch này bùng phát. Trong đó, 5 quốc gia gồm Mỹ (hơn 500.000 ca), Brazil (hơn 251.000 ca), Mexico (gần 183.000 ca), Ấn Độ (gần 157.000 ca) và Anh (hơn 122.000 ca) chiếm gần một nửa số ca tử vong toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng theo Johns Hopkins, số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu đang có xu hướng tăng chậm lại. Giới chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine nhằm đẩy lùi đại dịch trước khi làn sóng thứ ba bùng phát.

Thực tế, một chiến dịch phân phối vaccine toàn cầu lớn nhất, nhanh chóng nhất trong lịch sử đang được triển khai thông qua sáng kiến COVAX (“Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19”). COVAX là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.

COVAX nhận đóng góp từ các nước giàu và tiến hành mua vaccine Covid-19 số lượng lớn từ các công ty dược phẩm. Những nước thu nhập thấp hơn có thể được nhận vaccine miễn phí từ chương trình này, trong khi những nước giàu cũng có thể mua vaccine từ đây. Như Ấn Độ cam kết đóng góp 200 triệu liều vaccine cho COVAX, trong khi Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 10 triệu liều cho chương trình này sau khi đã viện trợ cho nhiều quốc gia khác.

Mục tiêu của COVAX là phân phối hơn 2 tỷ liều vaccine cho người dân ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trong vòng chưa đầy 1 năm, đảm bảo không quốc gia nào không được tiếp cận vaccine vì không đủ ngân sách chi trả.

2. Bên cạnh COVAX, các chương trình thúc đẩy nguồn cung vaccine khác cũng được tăng cường. Ngày 25/2, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết, nước này sẽ tiếp nhận 100.000 liều vaccine ngừa Covid-19 do Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất.

Số vaccine đến từ Pháp trong bối cảnh chính quyền Séc đang kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước đồng minh khi nước này đang chật vật đối phó với số ca nhiễm tăng trở lại trong những tuần gần đây. Trong tuần này, Séc cũng vừa tiếp nhận vài nghìn liều vaccine do Hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) sản xuất từ Israel, một trong những nước đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được tăng tốc sau khi Hungary bắt đầu chiến dịch tiêm chủng sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc vào ngày 24/2 vừa qua.

Hungary dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 1 triệu liều vaccine Sinopharm Trung Quốc trong 2 tháng tới cùng 3,5 triệu liều nữa sẽ đến vào tháng 5. Trước đó, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) sử dụng vaccine của Trung Quốc, sau khi nhận lô hàng đầu tiên gồm 550.000 liều từ Sinopharm vào tuần trước.

Syria ngày 25/2 cũng thông báo đã nhận được những liều vaccine ngừa Covid-19 từ một “quốc gia thân thiện”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Syria Hassan Ghabash không cung cấp chi tiết về nguồn cung cấp số vaccine trên.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 25/2 thông báo, nước này đã tạm ngừng hoạt động cung cấp vaccine ngừa Covid-19 tới các quốc gia khác để đổi lấy sự ủng hộ ngoại giao.

Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 cho nước ngoài để nội các an ninh tổ chức thảo luận về vấn đề này

Tuy nhiên, một vấn đề đang gây lo ngại là mất cân bằng nguồn cung vaccine trên thế giới. Reuters trong tháng này cho biết, các nước giàu đã mua thừa hơn 1 tỷ liều vaccine, trong khi đó nhiều quốc gia thậm chí vẫn chưa thể tiếp cận vaccine. WHO đã nhiều lần chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, kêu gọi các nước giàu chia sẻ nguồn cung để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp hơn.

3. Sáng 26/2 (giờ Việt Nam), sau ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo rằng, các nước vẫn cần siết chặt những biện pháp hạn chế đi lại, trong bối cảnh châu Âu vẫn đang nỗ lực để đưa chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 vào đúng quỹ đạo.

Các nhà lãnh đạo EU đánh giá, sẽ mất vài tháng chứ không phải vài tuần để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, giữa lúc các biến thể mới của SARS-CoV-2 lan nhanh gây ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng.

Trong một tuyên bố đưa ra, các nhà lãnh đạo của 27 nước EU đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và sự xuất hiện của các biến thể mới đặt ra những thách thức chưa từng có. Do đó, EU phải duy trì các biện pháp hạn chế chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy việc cung cấp vaccine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo vài tuần tới tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong việc triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên ông Michel lạc quan đánh giá rằng EU sở hữu đầy đủ các phương tiện, nguồn lực và có khả năng thành công trong vài tháng tới.

Trước đó, ông Charles Michel đã cho biết, ưu tiên của khối tiếp tục là tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trên toàn EU. Điều này có nghĩa là đẩy nhanh quá trình cấp phép cũng như việc sản xuất và phân phối vaccine. Tuy nhên, sự thiếu hụt về số lượng vaccine dự tính được chuyển giao trong quý đầu tiên của năm 2021, với nguyên nhân xuất phát từ việc Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca giảm số lượng vaccine phân phối theo cam kết, đã tác động mạnh đến kế hoạch tiêm chủng của EU.

Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp báo, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge cho rằng, giới chức y tế các quốc gia trên thế giới cần lắng nghe và giúp đỡ những người xuất hiện triệu chứng sau khi khỏi bệnh Covid-19.

Ông Kluge nêu rõ: “Những người bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng hậu Covid-19 cần phải được lắng nghe nếu chúng ta muốn hiểu những tác động dài hạn để có thể khôi phục sau dịch bệnh. Đó là một ưu tiên rõ ràng với WHO và cũng là điều vô cùng quan trọng đối với giới chức y tế tại mỗi quốc gia”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, ngày 25/2, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vaccine phòng Covid-19. Đó là vaccine của Công ty Moderna (Mỹ) và vaccine của Công ty JSC Generium (Nga). Hai loại vaccine trên được phê duyệt để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến dịch phân phối vaccine toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO