Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu

Phan Quang Vũ 28/11/2020 08:25

Một công bố mới đây cho rằng, trong quá trình càn quét khắp thế giới, chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã biến đổi ngẫu nhiên, ngoại trừ một dạng hình thành từ đầu đại dịch. Mà như thế thì cuộc chiến chống Covid-19 sẽ lại phải đối diện với khó khăn mới.

Áp phích trên đường phố Paris (Pháp) mang thông điệp cảm ơn những người góp phần chống dịch Covid-19. Nguồn: AFP.

Theo tờ New York Times, nhiều nghiên cứu mới đã chỉ ra dạng biến thể 614G xuất hiện từ những ngày đầu bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tạo điều kiện cho virus dễ dàng lây lan từ người sang người hơn, đồng thời khiến đại dịch trở nên khó kiểm soát hơn.

Biến thể 614G và mối lo mới

Hiện biến thể 614G đã xuất hiện khắp thế giới, thay thế các dạng virus SARS-CoV-2 khác. Điều đó gây nên cuộc tranh cãi gay gắt trong giới khoa học, nhất là khi một công bố của các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos cho rằng 614G đã biến đổi khả năng lây nhiễm cho con người nhạy bén hơn.

Tuy nhiên, không ít nhà khoa học cho rằng biến thể này chỉ đơn giản tình cờ xuất hiện nhiều hơn tại các vùng dịch lớn, như ở miền Bắc nước Ý - nơi gieo mầm cho những đợt bùng phát ở địa phương khác.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 bị đột biến 614G có thể gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, khiến nhiều người tử vong hơn hay cản trở công tác điều chế vaccine. Tuy thế thì nhiều chính phủ vẫn quyết liệt ban hành biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội cũng như đeo khẩu trang.

David Engelthaler, một nhà di truyền học tại Viện Nghiên cứu Genomics ở Arizona, cho rằng dù chưa thể nói chính xác có sự thay đổi trong bộ gene của virus hay là đột biến 614G, nhưng việc áp dụng những biện pháp cứng rắn để phòng dịch vẫn phải tiến hành song song với nhanh chóng điều chế vaccine ngừa Covid-19.

Kristian Andersen, chuyên gia về gene tại Viện nghiên cứu Scripps Research nhận xét đột biến 614G dễ lây nhiễm hơn. Điều này có thể giúp lý giải tại sao một số quốc gia ban đầu thành công nhưng sau đó lại khó khống chế virus. Theo đó, virus có thể đã trở nên khó kiểm soát hơn lúc đầu nên nếu chỉ giữ các biện pháp xử lý như cũ sẽ không thể khống chế chúng.

Vẫn theo K.Andersen, có khả năng xuất hiện những đột biến làm thay đổi bản chất của đại dịch. “Cách tốt nhất là chúng ta cần phải lắng nghe điều virus muốn nói”- vị chuyên gia bày tỏ.

Tiêm vaccinen Covid-19 của Pfizer tại một bệnh viện ở Mỹ. Nguồn: Cininnati Children's.

Độ an toàn của vaccine

Tới thời điểm này, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 được cho là đã “sắp cán đích”, khi nhiều quốc gia cũng như một số tập đoàn bào chế dược phẩm cho biết đã tìm ra vaccine an toàn, có tác dụng trên 90%. Đặc biệt với Mỹ và Pháp, chỉ vài ngày nữa là đã bắt đầu tiêm vaccine trên diện rộng.

Tuy thế thì một điểm quan trọng mà các chuyên gia y tế lưu ý là hầu hết tất cả tác dụng phụ của vaccine xảy ra trong 6 tuần sau khi được chích ngừa. Dù đã trải qu nhiều thử nghiệm, trên nhiều người thử nghiệm nhưng cũng không thể chắc chắn đã loại bỏ được tất cả rủi ro. Đó là chưa nói đến việc bảo quản vaccine đòi hỏi công nghệ rất cao trong môi trường tuyệt đối an toàn thì không hẳn quốc gia, hãng dược phẩm nào cũng làm được.

Theo Giám đốc Viện Y tế toàn cầu, TS Saad Omer, thì khoảng thời gian 2 tháng (thử nghiệm) đã đủ để đánh giá những tác dụng phụ xảy ra ở những người tiêm vaccine. Ông Omer là người ủng hộ cần sớm tiêm vaccine sớm, trên diện rộng mà không nhất thiết phải đợi sau 6 tháng chờ kết quả.

Tương tự, GS nhi khoa Grace Lee (Đại học Stanford, Mỹ), thành viên của Ban cố vấn về vaccine cho CDC, cũng cho rằng “tại thời điểm loài người đang sống trong đại dịch, chúng ta buộc phải nghĩ rằng không thể chờ đợi dữ liệu hoàn hảo, dù rất muốn”.

Nhắc lại, vào ngày 8/11, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine ngừa Covid-19 do Hãng cùng BioNTech phát triển, cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Đúng một tuần sau, Tập đoàn Moderna thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo.

Nhiều quốc gia bắt đầu mua vaccine

Hiện nhiều quốc gia đã đăng ký mua vaccine ngừa Covid-19, cho dù không phải là đã hết e ngại về tính khả dụng cũng như tác dụng phụ mà nó có thể gây ra.

Sau một thời gian “yên ả”, tới ngày 27/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết châu lục này đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca mắc và gần 51.000 ca tử vong. Khu vực phía nam châu Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh cả về số ca mắc và số ca tử vong. Nam Phi hiện là nước có số ca mắc bệnh cao nhất châu lục với gần 776.000 ca cũng như ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 nhiều nhất với hơn 21.0001 ca. Tiếp đó là Ma-rốc, Ai Cập.

Ngày 27/11, Hãng Reuters cho biết, Công ty Dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã trao cho cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia của Brazil các kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19. Ðây là thủ tục cần thiết để vaccine được phê chuẩn và đăng ký. Vaccine này do Pfizer phối hợp Công ty Dược phẩm BioNTech (Ðức) nghiên cứu và phát triển, và đã được cho là hiệu quả tại EU, Australia, Canada, Nhật Bản và Anh.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Panama cũng cho biết đã ký thỏa thuận với Pfizer và BioNTech để mua 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Nước này có kế hoạch từ năm 2021 sẽ bắt đầu phân phối vaccine trên cơ sở kết quả xét nghiệm lâm sàng và được cơ quan quản lý địa phương cấp phép.

Còn Bộ Y tế Iran cho biết, nước này đang chuẩn bị nhận khoảng 42 triệu liều vaccine thông qua một số kênh khác nhau, trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất tại Trung Ðông với gần 900.000 ca nhiễm…

Như vậy là, “chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19” đã bắt đầu. Vì vậy, dù trong khó khăn thì người ta vẫn cho rằng đã có lối thoát, dẫu rằng lối thoát đó không hẳn đã rộng mở cho tất cả các quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO