Chiến thắng 30/4/1975: Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Thành Luân 08/07/2020 14:24

Các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh quân đội, lãnh đạo cơ quan ban ngành cho rằng, tinh thần chủ động, sáng tạo trong chiến dịch Hồ Chí Minh chính là bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 8/7, tại TP HCM, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Chiến thắng 30/4/1975 - Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Tham dự Hội thảo Khoa học có Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê và gần 200 học giả, các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử và đại diện lãnh đạo TP HCM và một số địa phương phía Nam.

Vai trò của Sài Gòn trong đỉnh cao chiến thắng 30/4/1975

Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo đánh giá, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và sức mạnh của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh.

Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh, là chiến trường trọng điểm của miền Nam, cũng là nơi đầu não bộ máy chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã góp công sức xứng đáng vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Làm rõ vai trò của TP HCM trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP nhấn mạnh, Sài Gòn là nơi đánh những trận đánh độc đáo, có tính quyết định và cuối cùng của chiến tranh cách mạng để giải phóng Sài Gòn, góp phần trực tiếp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Theo ông Trần Lưu Quang, kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị đô thị phát triển mạnh mẽ, liên tục, tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Riêng Thành đội Sài Gòn - Gia Định thành lập Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn Gia Định 1) và lực lượng vũ trang nội đô được củng cố lại, bao gồm các đội biệt động, đặc công, lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Thành đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận, Tuyên huấn,…

Trước sự kiện 30/4/1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã khẩn trương chuẩn bị cho hoạt động vũ trang, tiến công nổi dậy hòa nhịp với cuộc tổng tiến công. Căn cứ của Thành ủy được chuyển về ngay sát thành phố, tiến hành phân thành hai cánh A và B phụ trách nội đô và vùng ven.

Ngày 12/4/1975, Ban Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị hướng dẫn các cấp trong Đảng bộ về những việc cần làm ngay trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng. Nhờ chuẩn bị tốt từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tới tổ chức các lực lượng nổi dậy, trong các ngày từ 29 đến sáng 30/4/1975, toàn thành phố đã được tổ chức thành 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành và 76 điểm ở nội thành) trước khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Sau đó, các lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, nhân dân đã tự nổi dậy giải phóng các huyện lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh; chiếm các trụ sở hành chính quận 3, 5, 8, 10, 11 và Tòa hành chính tỉnh Gia Định, 2 ty cảnh sát quận 3, 5.

“Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn bằng tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng huy hoàng của Đại thắng mùa Xuân 1975”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang khẳng định.

Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học, ông Phan Nguyễn Như Khuê phân tích, vai trò của Đảng bộ, quân và dân thành phố đã thực hiện xuyên suốt sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Trung ương Cục miền Nam, đã tạo thành nhân tố thắng lợi và tận dụng thời cơ chiến lược quyết định cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Gần 200 học giả, các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử và đại diện lãnh đạo về dự Hội thảo. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhiều bài học từ chiến thắng đỉnh cao 30/4/1975

Đánh giá về sự kiện 30/4/1975, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, đại diện lãnh đạo cơ quan ban ngành cũng đưa ra các đánh giá về việc làm rõ thêm về bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; về âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn; về diễn biến, kết quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, trong 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân từ Bắc chí Nam luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, từng bước làm thất bại các kế hoạch.

Chiến lược chiến tranh của đối phương, tạo thời cơ quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, đánh giá về sự kiện 30/4/1975 trước hết là khẳng định về đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ hai là khẳng định nhãn quan chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh khi thời cơ quyết định đã kiên quyết, kịp thời hạ quyết tâm đưa chiến tranh đến phát triển cao nhất đánh đổ chính quyền Sài Gòn và giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chiến thắng 30/4/1975 cũng làm rõ tính sáng tạo, nét sáng tạo, nghệ thuật đặc sắc trong tổ chức và điều hành chiến dịch - trận quyết chiến chiến lược có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, vai trò, vị trí của chiến thắng 30/4 trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng, tiến trình của lịch sử nói chung, là chiến thắng vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 21 năm kháng chiến gian khổ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thắng lợi 30/4/1975 không chỉ gìn giữ thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, của sự nghiệp 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; mà còn mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, cả nước quá độ lên CNXH, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương khẳng định.

Tại Hội thảo khoa học, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7 đánh giá ý nghĩa, vai trò của thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh nằm ở công tác tham mưu, tác chiến, tạo điều kiện chỉ huy sâu sát, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng quân binh chủng, đã tạo ưu thế áp đảo đối phương về tương quan lực lượng là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngoài quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các lực lượng chính quy, quân binh chủng, theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM thì phong trào của sinh viên học sinh; các lực lượng thanh niên nội ngoại thành vũ trang tham gia lật đổ do Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định tổ chức, với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và nhiệt huyết cách mạng sôi sục, tích cực tham gia cùng quân và dân toàn thành phố, toàn miền Nam xông lên Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn bộ chính quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng tại Hội thảo, ý kiến của các nhà nghiên cứu từ Học viện Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhiều học giả cũng làm rõ vai trò của hậu phương miền Bắc; nghệ thuật về tổ chức và sử dụng lực lượng; vai trò của các phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn - Gia Định; sự tham gia của giới trí thức; đội ngũ cán bộ chính trị quân đội; các lực lượng du kích, thanh niên xung phong,... đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh với chiến thắng lẫy lừng năm châu 30/4/1975.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến thắng 30/4/1975: Đỉnh cao sức mạnh của chiến tranh nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO