‘Chiến’ với dịch, ‘đấu’ với tin giả

LÊ ANH - NGUYÊN VŨ 16/07/2021 06:19

2 tháng qua, kể từ đầu đợt bùng phát thứ tư dịch Covid-19 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần phải đối mặt với một cuộc chiến song hành với dịch bệnh - đó là chiến đấu với nạn tin giả. Vì rằng mỗi lần xuất hiện tin giả, lại thêm một lần thành phố phải chịu thêm những khó khăn về kinh tế - xã hội…   

Sau mỗi lần xuất hiện tin giả trên mạng, người dân lại vội vã đi mua tích trữ hàng hóa, thực phẩm dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ.

Tin giả không chỉ tấn công vào hệ thống cung ứng hàng hóa

Vài ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh được cho là người nhà một bác sĩ đang trực tiếp tham gia điều trị Covid-19 cùng với thông tin về một cán bộ UBND TP HCM nhắn ra ngoài với nội dung tình hình dịch tại TP HCM không thua Ấn Độ và cảnh báo 2 tuần nữa sẽ rất thê thảm, dặn dò người nhà trữ thêm đồ ăn và ở yên trong nhà.

Tin giả (fake news) kể trên đã khiến một bộ phận người dân hoang mang, đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng bị khan hiếm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phân phối bán lẻ, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong những ngày qua.

Trước đó, vào thời điểm trước khi TP HCM triển khai đợt giãn cách xã hội (từ ngày từ 9/7) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin quyết định “lock TP HCM từ 0 giờ thứ 3 ngày 7/7 hoặc 12g thứ Tư 8/7…”.

Việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của tin giả vào thời điểm đó cũng đã khiến hệ thống cung ứng hàng hóa của TP HCM bị khan hiếm cục bộ, do sức mua tăng đột biến kèm tâm lý tích trữ hàng hóa dài ngày của một bộ phận người dân.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land chia sẻ, đối với doanh nghiệp chỉ một thông tin giả thì doanh nghiệp cũng đã rất vất vả để xử lý. Hiện tượng tin giả, mạo danh các thương hiệu, cá nhân uy tín với mục đích làm cho khách hàng nhầm lẫn gây nguy hại rất lớn đến các bên bị hai là khách hàng và các công ty bị mạo danh. Đây có thể xem là hành vi cố tình lừa đảo nhằm trục lợi bất chính gây ra nhiều hệ lụy.

Không chỉ tấn công vào chuỗi cung ứng hàng hóa, vào giữa tháng 5/2021 khi TP HCM đang trong giai đoạn quyết liệt để kiểm soát dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện loạt tin giả lan truyền yêu cầu “người dân không ra khỏi nhà từ 22 giờ đến 5 giờ khi không có việc cần thiết… Các cơ sở kinh doanh dược khi phát hiện người dân đến mua thuốc ho, sốt… phải lập danh sách họ tên, địa chỉ, số điện thoại…”. Hậu quả của các tin giả này đã khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Truy xét, xử nghiêm đối tượng tung tin giả

Để kiểm soát vấn nạn tin giả kể trên, ngày 15/7, Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, việc một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu có thể xử lý áp dụng quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù giam từ 2 năm đến 7 năm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Bên cạnh đó, tại các Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng cũng nêu rõ việc nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng.

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Còn theo Luật sư Đỗ Thanh Lâm (Đoàn luật sư TP HCM), để tránh hoặc dễ dàng nhận biết các tin giả, người đọc phải trau dồi kiến thức, hiểu biết, tư duy đọc tin tức. Cụ thể, đối với quyết định của cơ quan nhà nước, nên xem ở kênh thông tin chính thức của cơ quan đó. Đối với những tình trạng, hoạt động diễn ra ở một địa bàn nào đó, nên tham khảo và xác nhận lại với chính người đang sinh sống ở nơi đó hoặc thông tin từ những trang báo chính thống.

Đối với những vấn đề chuyên môn, nên sử dụng dịch thuật hoặc tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực đó. Riêng đối với vấn đề về y tế, sức khỏe, nên tới những cơ sở chuyên khoa đã được cấp phép. Cẩn trọng với những phương pháp, kiến thức chưa được nghiên cứu, công nhận.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, hậu quả do tin giả gây ra là khó có thể định lượng hoặc đo đếm ngay về thiệt hại. Đa số các thông tin thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới người dân, làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Do đó, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân TP HCM đang cùng nhau đoàn kết chống dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính và hình sự để răn đe người tạo tin giải, các cơ quan nhà nước và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần đưa tin kịp thời, giải thích, tuyên truyền để tránh làm nhân dân hoang mang trước các tin giả, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Bộ Y tế bác bỏ thông tin sai sự thật liên quan đến Covid-19

Chiều 15/7, Bộ Y tế thông báo bác bỏ thông tin sai sự thật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, cho rằng Covid- 19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid- 19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid- 19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Chiến’ với dịch, ‘đấu’ với tin giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO